Mọi người đều chỉ nghĩ rằng bỏ bữa sáng thì không khỏe mạnh nhưng lại ít để tâm đến việc chọn thực phẩm thế nào mới tốt. Sau một đêm ngủ dài, cơ thể cần nhiều năng lượng nhưng đồng thời hệ miễn dịch cũng yếu hơn, các cơ quan dễ bị tổn thương hơn. Đặc biệt là với lá lách và dạ dày - những cơ quan ảnh hưởng nhanh và nhiều nhất bởi thực phẩm.
Vì vậy, nếu không muốn “ngược đãi” lá lách và dạ dày, đừng ăn sáng theo 4 kiểu này:
1. Đồ chiên rán
Không ít người cho rằng đồ chiên rán có nhiều dầu mỡ nên cung cấp nhiều năng lượng, kích thích vị giác nên phù hợp cho bữa sáng. Thực tế không phải vậy, đây là nhóm thực phẩm dù bữa ăn nào trong ngày cũng không nên quá nhiều. Ăn vào bữa sáng, khi bụng rỗng thì lại càng hại lá lách, dạ dày.
Đồ chiên rán là loại thực phẩm chứa ít dinh dưỡng nhưng lại có hàm lượng chất béo cao. Chúng không đủ dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho bạn cho tới bữa trưa. Quá trình chiên rán ở nhiệt độ cao không chỉ phá huỷ các chất dinh dưỡng như vitamin trong thực phẩm mà có thể gây biến tính protein và chất béo, dẫn đến hình thành các amin dị vòng cũng như các chất gây ung thư khác.
Ăn đồ chiên rán, thức ăn nhiều dầu mỡ vào buổi sáng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dạ dày, bao gồm cả ung thư. Đồng thời dễ gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa nếu ăn vào buổi sáng. Nó cũng có hàm lượng calo cao và chứa nhiều chất béo và chất oxy hóa, có thể phá hoại khả năng hoạt động tối ưu của lá lách. Đồng thời dễ dẫn đến béo phì, các bệnh rối loạn chuyển hóa khác.
2. Các món sống, chưa chín kỹ
Nhóm thực phẩm này cũng được nhiều người cho là giàu dinh dưỡng hơn và phù hợp làm bữa sáng. Ví dụ như trứng lòng đào, sashimi, bít tết tái… Mặc dù có hương vị hấp dẫn, thậm chí có thể chứa nhiều dinh dưỡng nhưng chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Nhất là nếu ăn vào buổi sáng.
Do lúc này hệ miễn dịch của cơ thể yếu hơn, dạ dày tiết nhiều axit khi đói nên vừa khó tiêu hóa vừa dễ bị tổn thương. Những món sống, chưa chín kỹ còn có khả năng làm gián đoạn chức năng của lá lách, dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn và đầy hơi khó chịu. Một khi chức năng vận chuyển và điều hòa của lá lách bị ảnh hưởng, các chất dinh dưỡng không phân bố đều cho các cơ quan, điều này khiến cho cơ thể bị suy dinh dưỡng và gây ra nhiều bệnh khác nhau.
Y học cổ truyền thì cho rằng việc tiêu hoá thức ăn trong dạ dày, vận chuyển các chất dinh dưỡng đến các cơ quan khác của cơ thể đều cần dương khí của lá lách. Vì vậy, nếu thường xuyên ăn đồ sống và lạnh, lá lách xuất hiện khí âm sẽ suy yếu và mắc bệnh. Trong khi bữa sáng là bữa ăn đầu tiên trong ngày, sẽ ảnh hưởng lớn hơn.
3. Thức ăn thừa được hâm lại
Đây là kiểu ăn sáng rất phổ biến vì tiện lợi lại tiết kiệm, nhưng không hề tốt cho sức khỏe. Ăn đồ thừa để qua đêm có thể dẫn tới nguy cơ bị ngộ độc gây tiêu chảy, đau bụng, suy giảm lá lách… thậm chí duy trì thói quen này lâu dài còn có thể gây ung thư.
Nguyên nhân là đồ ăn đã chế biến để qua đêm có chứa hàm lượng nitrite rất cao. Chất này khi vào cơ thể chuyển thành nitrosamine gây hại. Nhất là đối với cơm thừa, hải sản, rau xanh lá, các món hầm xương để qua đêm dù bọc kín trong tủ lạnh.
Ngoài ra, tủ lạnh nhà bạn thường xuyên chất nhiều đồ ăn cũng dễ tạo cơ hội lây nhiễm chéo vi khuẩn sang thực phẩm. Đặc biệt là các thực phẩm như trứng, các sản phẩm từ đậu nành, rau lá xanh, cá, hải sản… và gây hại cho sức khỏe lúc nào không hay. Nên tốt nhất chỉ nên nấu vừa đủ và không ăn lại đồ ăn thừa để qua đêm. Nhất là vào bữa sáng, khi hệ miễn dịch đang suy yếu, cần nhiều năng lượng sau một đêm ngủ dài.
4. Thịt chế biến sẵn
Việc cung cấp protein vào bữa sáng là cần thiết và chuẩn khoa học. Nhưng nếu bạn dùng các loại thịt chế biến sẵn để ăn sáng thường xuyên thì cái giá phải trả sẽ rất đắt. Không chỉ lá lách và dạ dày bị “ngược đãi”, các cơ quan khác trong cơ thể đều bị ảnh hưởng, tế bào ung thư có cơ hội phát triển.
Bởi các món thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, giăm bông… tạo cảm giác ngon và tiện nhưng chứa nhiều chất không thân thiện với sức khỏe. Có thể kể đến như nitrit, nitrat, heme… Nó cũng có thể gây tăng cân, tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Ăn quá nhiều protein có thể gây áp lực và tăng sản xuất axit trong dạ dày. Điều này có thể làm tăng khả năng xảy ra viêm nhiễm và tổn thương dạ dày. Khi chúng ta tiêu thụ protein, dạ dày phải tạo ra axit dạ dày để phân giải protein. Lá lách cũng nhiều chất béo, gia vị nên không tốt cho sự hoạt động của lá lách.
Nguồn và ảnh: Sohu, Eat This