Chúng ta thường có thói quen gặp ai cũng chúc sức khỏe, mong họ luôn khỏe mạnh. Nhưng với sức khỏe của bản thân thì chưa có nhiều người quan tâm đúng mức, thậm chí có người còn thờ ơ, có sao hay vậy.
Dưới con mắt của các danh y, gan có chức năng giải độc, loại khí, điều khiển trạng thái và duy trì tâm trạng. Vậy, các danh y chuyên ngành về gan họ có bí quyết gì để chăm sóc gan của chính mình hay không? Hãy xem họ "tiết lộ" các giải pháp cá nhân sau đây.
Danh y đại sư Đường Do Chi, Viện trưởng Viện khoa học Trung y Trung Quốc:
Muốn gan khỏe, hãy cởi mở tấm lòng
Giáo sư Đường Do Chi luôn mang theo vẻ mặt tươi cười trong hầu hết thời gian trong ngày, nội tâm toát lên vẻ hào hứng, thư thái. Ông chia sẻ, mỗi lần vợ ông phàn nàn về điều gì đó không vừa lòng, khi khó khăn không thể giải quyết, ông thường nói rằng:
"Không có vấn đề gì to tát cả, ai cũng có cái khó của mình, chúng ta sẽ giải quyết được thôi".
Đó cũng là thái độ sống mà giáo sư Chi lựa chọn trong suốt cuộc đời mình, bình tĩnh xử lý mọi tình huống phát sinh trong cuộc sống, dù khó khăn và nguy hiểm đến đâu.
Theo quan niệm của Đông y, gan thích sự vui vẻ và ghét sự nóng giận. Nhiều chuyên gia ví von gan cũng giống như những ngọn cỏ xanh, chỉ thích tự do vươn lên mà không muốn bị chèn ép.
Những nghiên cứu Đông y đều cho rằng, khi tâm trạng vui vẻ thoải mái, gan sẽ làm việc tốt, cân bằng. Khi tâm trạng nóng giận, bực tức, gan sẽ mất cân bằng, nóng gan và tắc nghẽn, trì trệ.
Quốc y đại sư Chu Lương Xuân, chuyên gia nội khoa nổi tiếng Trung Quốc:
Muốn gan khỏe, hãy ăn cháo
Giáo sư Chu Lương Xuân có một phong độ sức khỏe tốt hơn người, nhanh nhẹn, sung sức và làm việc không cảm thấy mệt. Ông tiết lộ rằng đó là vì ông đã kiên trì ăn cháo hơn 70 năm nay.
Nhớ lại vào những ngày đầu những năm 30 của thế kỷ trước, giáo sư Xuân từ quê ra Thượng Hải học tập và hành nghề y. Do mắc bệnh dịch tả nên cơ thể suy kiệt, sút cân nghiêm trọng. Nghe tin này, mẹ ông đã làm cho ông món cháo để "bồi dưỡng" sau khi ốm dậy. Chỉ ăn cháo trong thời gian ngắn mà sức khỏe ông hồi phục nhanh chóng.
Mẹ ông nói rằng, đây là món cháo rất tốt, không chỉ giúp cho sức khỏe hồi phục, mà còn là món ăn chăm sóc gan tuyệt vời. Từ đó đến nay, ông duy trì ăn món cháo này như là một bài thuốc phòng bệnh. Và sức khỏe của ông ổn định làm cho ông tin rằng lựa chọn này là hoàn toàn có cơ sở.
Ông nói "Sau khi ăn cháo một thời gian, sức khỏe của tôi tốt lên trông thấy, da dẻ hồng hào, đi làm việc không cảm thấy mệt, từ đó, tôi kiên trì ăn mỗi ngày một bát cháo cho đến nay".
Giáo sư Xuân cho biết, thực ra, bát cháo này cũng chính là "bảo bối dưỡng gan" của ông và gia đình.
Nguyên liệu nấu cháo bao gồm: Hạt sen, lúa mạch, đậu xanh, đậu lăng, táo tàu, tất cả ngâm và rửa sạch, dùng một ít hoàng kỳ đun lấy nước dùng thay cho nước lọc. Cho tất cả nguyên liệu nấu sôi lên, đung nhỏ lửa trong khoảng 40 phút, sau đó cho thêm 1 chút kỷ tử và nấu thêm 10 phút là có thể ăn được. Cháo ăn nóng ấm mỗi ngày 1 bát.
Đây là một bát cháo tổng hợp từ những nguyên liệu quý nhưng lại dễ mua. Khi chúng được kết hợp với nhau làm tăng thêm hương vị, chất này bổ trợ cho chất kia, tạo thành một món cháo dưỡng sinh tốt cho sức khỏe.
Quốc y đại sư Chu Trọng Anh:
Muốn gan khỏe, phải ngủ thật tốt
Nhiều người quen biết giáo sư Anh đều có chung một nhận xét, là ông có một cách ngủ rất ngon. Dù công việc bận rộn hay nhàn rỗi, môi trường yên tĩnh hay ồn ào, giáo sư Anh đều dành thời gian cho việc ăn ngủ đúng giờ. Ông chỉ cần quyết định nằm xuống, là sẽ ngủ rất ngon.
Đông y có câu nói nổi tiếng, "người nằm xuống thì máu sẽ về gan". Thời gian tốt nhất để gan làm việc hiệu quả chính là từ 11h đêm đến 3h sáng. Đây cũng là thời gian gan thực hiện công tác thải độc. Nếu vượt qua thời gian này, việc thải độc sẽ kém hơn.
Vì vậy, muốn chăm sóc gan tốt, hãy đi ngủ trước 11h, tốt nhất là lên giường trong khoảng 10h30 để kịp thời gian ngủ sâu từ 11h. Ngủ càng sâu, sẽ giúp hệ tuần hoàn chuyển máu về gan, giúp gan làm việc trong trạng thái hoàn hảo nhất.
Quốc y đại sư Đặng Thiết Đào:
Muốn gan khỏe, phải tập thể dục
Giáo sư Đặng Thiết Đào là một trong những danh y khỏe mạnh và có tuổi thọ cao. Đến năm 102 tuổi mà ông vẫn khỏe mạnh hoạt bát.
Theo giáo sư Đào, bí quyết chăm sóc gan đơn giản chính là chăm chỉ tập thể dục. Ông đã duy trì bài thể dục dưỡng sinh Bát đoạn cẩm từ khi 50 tuổi, hơn 50 năm qua gần như kiên trì tập như vậy.
Ông cho rằng đây là một bài tập rất phù hợp với người trung niên và cao tuổi, giúp cho cơ thể và xương cốt linh hoạt. Đây cũng là bài tập giúp điều chỉnh các cơ quan nội tạng, tác động lên gân cốt, kinh mạch và tinh chỉnh các khớp xương.
Mỗi một động tác bát đoạn cẩm đều có những tác động nhất định lên cơ thể, giúp giữ được sự cân bằng cả thể chất lẫn tinh thần. Ông cho rằng, nếu muốn dưỡng gan khỏe, việc duy trì thể dục cũng quan trọng như ăn uống, gan hoạt động hiệu quả thì máu sẽ lưu thông tốt, khí huyết đều vượng.
*Theo Health/39