Vào thời vua Ung Chính nhà Thanh (TQ) có câu chuyện được ghi chép lại rằng, trong gia tộc Tổng lý đại thần Mã Tề có tới 15 người thuộc 4 thế hệ sống thọ từ trăm tuổi trở lên. Sử sách Trung Quốc cũng có ghi chép về việc này.
Trong cuốn sách nổi tiếng "Lục Địa Tiên Kinh" ghi lại bí quyết đó chính là tư thế nằm ngủ dưỡng sinh kiện thân có tên "3 tư thế ngủ tự nhiên an lạc" và miêu tả tác dụng của từng tư thế đó.
Liệu cách nằm ngủ có phải là điều thần kỳ giúp các thành viên hoàng thất sống thọ như vậy hay không, hãy xem cách giải thích của người xưa ghi chép lại.
1. Tư thế nằm "Rồng nghỉ ngơi"
Tư thế nằm "Rồng nghỉ ngơi" (Ảnh minh họa)
Đây là dáng nằm được người xưa miêu tả là giống như con rồng bị mệt, nằm nghiêng và co đầu gối để ngủ (như hình minh họa).
Ưu điểm nổi trội của tư thế nằm này là phòng tránh bệnh chuột rút, co cơ. Nếu bạn nằm ngửa, chân duỗi thẳng, sẽ dễ bị kéo căng cơ chân, dễ gây ra hiện tượng chuột rút. Khi nằm nghiêng và co chân về phía bụng, hai chân co nhẹ và thả lỏng cơ, hạn chế tối đa những tác động xấu lên bắp chân.
Trong Đông y có câu nói nổi tiếng rằng, bụng không êm thì ngủ không yên. Trước khi ngủ nên làm một vài động tác đơn giản như nằm ngửa, co duỗi chân, gập đầu gối để thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động thuận lợi, dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
Cách tập như sau: nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng tự nhiên, hít vào và co đầu gối chân phải lên trên, ép vào bụng, tay ấn bụng, sau đó thở ra, hạ chân xuống vị trí ban đầu.
Làm tương tự như vậy đối với chân bên trái. Làm một số lần như vậy trước khi ngủ, nhiều ít theo khả năng của bạn.
2. Tư thế nằm "Khỉ ngủ đông"
Tư thế nằm "Khỉ ngủ đông" (Ảnh minh họa)
Tư thế này được miêu tả là người nằm nghiêng, co tay và cong chân lên vùng bụng giống như con khỉ co ro trong thời tiết giá lạnh (xem hình minh họa).
Nhiều người bị đau lưng mỏi eo sau một ngày làm việc vất vả thì nên lựa chọn dáng nằm này, vùng lưng eo và cơ bắp phần thân sẽ được thả lỏng. Hãy ôm thêm chăn hoặc gối mềm để thư giãn.
Tác dụng lớn nhất của dáng nằm này là có thể kéo cong cột sống và vùng lưng một cách tự nhiên, làm cho xương phần thân thư giãn, thả lỏng mềm mại. Cong người theo tư thế động vật sẽ làm giảm áp lực cho xương cột sống.
Mỗi buổi sáng thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, nên làm bài tập nằm nghiêng ôm chân kiểu "bó gối" trong khoảng 2-3 phút, có tác dụng đẩy lùi một số bệnh tật như đau lưng mãn tính, viêm các khớp, mệt mỏi, đau nhức hệ xương.
3. Tư thế nằm "Rùa hít thở"
Tư thế nằm "Rùa hít thở" (Ảnh minh họa)
Tư thế nằm này miêu tả phần trên cơ thể nằm nghiêng trái, hơi cong nhẹ, hai tay thu về như ôm lấy lồng ngực, chân dưới bên phải cong nhẹ phía dưới, chân trái co lại nhẹ nhàng bên trên, đầu gối nghỉ ngơi chạm vào mặt giường.
Chân nên co một góc thoải mái, khuỷu tay uốn cong một góc tù, cọ lên ngực, tay trái đặt ở bên cơ thể tự nhiên, lòng bàn tay úp hướng xuống dưới (xem hình minh họa).
Trước khi ngủ cần điều chỉnh nhịp thở sao cho toàn thân yên tĩnh, bình thản tâm lý, miệng khép lại, lưỡi đặt tự nhiên dưới vòm hàm trên.
Chờ đến khi nước miếng tiết ra nhiều trong miệng, thở ra một hơi thật hết, sau đó hít vào một hơi thật sâu và nuốt khí cùng nước bọt, đồng thời thả lỏng toàn cơ thể, giữ nhịp thở nhẹ đều.
Tư thế ngủ này có tác dụng rất tốt đối với người bị bệnh cao huyết áp, mất ngủ, nam giới yếu dương, mắc bệnh sinh lý.
Ngoài ra, dáng nằm ngủ này tốt cho người có bệnh về phụ khoa, phần phụ yếu, do khi nằm phần xương chậu được mở rộng, có tác dụng tốt khi bị bế kinh tắc uế.
Điều đáng lưu ý là tư thế này phải dùng gối kê cao chân lên khoảng 12cm. Gối cao hơn hoặc thấp hơn đều không mang lại tác dụng như mong đợi.
Dù là nằm với tư thế nào, cách tốt nhất bạn hãy ưu tiên nằm nghiêng một bên nhiều hơn nằm ngửa, hơi co người lại một chút cho cơ thể được thả lỏng, toàn thân thư giãn, mạch máu hoạt động thuận lợi hơn và các cơ quan khác cũng được thư giãn.
*Theo Health/59