Sau hơn một năm giao tranh ròng rã, cả Nga và Ukraine dường như đang rơi vào bế tắc trong một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài. Hai bên đều chịu tổn thất nặng nề. Kiev không thể giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ đã mất còn Moscow vẫn chưa đạt được các mục tiêu rộng lớn hơn. Song không bên nào có dấu hiệu lùi bước.
Binh sỹ Ukraine chuẩn bị khai hỏa pháo vào cứ điểm của đối phương gần Bakhmut. Ảnh: Getty.
Tổng thống Nga Putin tiếp tục điều động thêm binh sỹ và vũ khí ra chiến trường với quyết tâm giành quyền kiểm soát các thành phố Bakhmut và Avdiivka ở phía Đông Ukraine.
3 lựa chọn của Ukraine
Theo đánh giá của ISW: "Đây là thời điểm thích hợp để Nga nhận ra rằng họ khó có khả năng đạt được tất cả các mục đích trong chiến dịch quân sự đặc biệt và cần phải tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp. Nhưng Tổng thống Putin vẫn chưa đưa ra kết luận như vậy".
Trong bối cảnh đó Ukraine có thể lựa chọn dừng chiến đấu, ngay cả khi Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công trên bộ và trên không, điều mà ISW cho rằng không ai nghĩ đến và có thể "dẫn đến thất bại nghiêm trọng" đối với các lực lượng Ukraine. Lựa chọn thứ 2 là Ukraine giao tranh một cách hạn chế, với mục đích giữ vững các vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát. Nhưng điều này sẽ khiến Moscow tiếp tục nỗ lực theo đuổi một chiến thắng quân sự hoàn toàn.
Lựa chọn thứ 3, Ukraine có thể phát động các cuộc phản công liên tiếp với mục tiêu khiến Tổng thống Putin phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận sự thỏa hiệp, hoặc tạo ra các tình huống quân sự có lợi cho Ukraine để họ và các đối tác phương Tây có thể "đóng băng cuộc xung đột một cách hiệu quả".
Hiện, Ukraine vẫn quyết tâm giữ vững các tuyến phòng thủ tại Bakhmut – nơi chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt nhất trong những tháng gần đây, mặc dù các nhà phân tích cho rằng thành phố này có ít vai trò về chiến lược hoặc chiến thuật. Một số ý kiến cho rằng, Ukraine không nên tiếp tục đổ thêm binh sỹ và vũ khí cho cuộc giao tranh Bakhmut mà thay vào đó, cần dành nguồn lực cho một cuộc phản công lớn.
Khi quân đội Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công trong mùa xuân, các nhà phân tích quân sự phương Tây nhận định, việc Ukraine tạo ra bước đột phá lớn trên chiến trường là con đường nhanh nhất để thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Kiev. Nhưng thành công hay thất bại của kế hoạch này phụ thuộc phần lớn vào khả năng của Ukraine nhằm tận dụng tối đa nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã cam kết hỗ trợ hơn 30 tỷ USD cho Ukraine, trong khi nhiều quốc gia phương Tây khác hứa hẹn sẽ cung cấp thêm 20 tỷ USD. Nhưng các quan chức Ukraine cho rằng, họ vẫn cần thêm nhiều khí tài hiện đại nữa, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực và máy bay chiến đấu phương Tây. Trước đó, Mỹ và châu Âu đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí như tên lửa chống tăng Javenlin, hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, lựu pháo M777… Theo đánh giá của ISW, Ukraine cần phải đạt được nhiều bước tiến hơn nữa để Nga "chấp nhận thực tế quân sự bất lợi mà không có một giải pháp chính thức".
Lý do đàm phán nằm ngoài sự lựa chọn
Hiện cả Nga và Ukraine vẫn chưa bày tỏ thiện chí tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Ông John Tefft, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và Ukraine, hiện là chuyên gia cấp cao tại tổ chức Rand Corporation (Mỹ) cho rằng: "Nếu xem xét tình hình theo quan điểm của mỗi bên, chúng ta sẽ hiểu được tại sao cả Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky đều không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán".
"Ông Putin dường như đặt cược cả vị thế chính trị và quân sự vào chiến dịch quân sự tại Ukraine vì thế ông phải nỗ lực để giành được các mục tiêu đề ra. Còn đối với Ukraine, đây là cuộc chiến vì sự sống còn của đất nước, do đó, họ phải quyết tâm kháng cự", ông John Tefft nói.
Nhà phân tích John Tefft lưu ý: "Đã có một số người suy đoán xung đột Nga-Ukraine có thể kết thúc bằng một hiệp định đình chiến giống như ở bán đảo Triều Tiên. Nhưng vẫn còn quá nhiều biến số cần phải giải quyết trước khi chúng ta hình dung cuộc xung đột này có thể kết thúc như thế nào hoặc khi nào sẽ chấm dứt. Không ai có thể biết chắc chắn những diễn biến tiếp theo".
Nhưng ngay cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột, một số nhà quan sát phương Tây lo ngại Nga có thể sử dụng điều này để tái tập hợp lực lượng và tiếp tục phát động các cuộc tấn công lớn hơn.
Một mối lo ngại khác mà các nhà phân tích đưa ra là nguy cơ leo thang xung đột hạt nhân. Tổng thống Putin nhiều lần tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân nếu sự thống nhất lãnh thổ bị đe dọa. Các quan chức Nga cho rằng, việc phương Tây cung cấp hệ thống HIMARS, xe tăng chiến đấu chủ lực và máy bay chiến đấu cho Ukraine có thể tạo ta "lằn ranh đỏ hạt nhân" đối với Điện Kremlin. Ngoài ra, Nga cũng cảnh báo nếu Kiev tấn công Crimea hoặc bất cứ vùng lãnh thổ nào trong 4 khu vực mà Nga sáp nhập vào tháng 9/2022 hoặc tấn công bên trong lãnh thổ Nga thì điều này cũng có thể dẫn tới nguy cơ leo thang xung đột hạt nhân.
Trong một động thái mới nhất, hôm 25/3, ông Putin cho biết Nga có thể đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus sớm nhất vào mùa Hè năm nay, đánh dấu lần đầu tiên từ thập niên 1990 vũ khí này được triển khai bên ngoài lãnh thổ Nga. Tuyên bố này đã khiến Ukraine, Mỹ và NATO như "ngồi trên lửa"./.