Cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Anthony Blinken diễn ra trong khuôn khổ hội nghị G20 ở New Delhi, đồng thời là lần tiếp xúc đầu tiên ở cấp cao như vậy kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine.
Theo nhà báo Brahma Chellani, cuộc trao đổi giữa ông Lavrov và ông Blinken nên được xem là một tín hiệu gửi tới Washington, rằng họ cần khẩn trương chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Cuộc gặp kéo dài 10 phút bên lề G20 diễn ra sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan kêu gọi Ukraine cho Nga thấy rằng họ sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột.
Tổng hợp lại, những sự kiện gần đây mang đến một tia hy vọng rằng lệnh ngừng bắn nằm trong khả năng có thể xảy ra", nhà báo Chellani nói rõ.
Thật vậy, cuộc giao tranh đã diễn ra hơn một năm và thế giới được chia thành hai phe: Hoa Kỳ và các đồng minh NATO ủng hộ Ukraine, trong khi Trung Quốc ngày càng đứng về phía Nga.
Theo chuyên gia Cellani, kế hoạch ban đầu của Washington nhằm phá vỡ Moskva về mặt kinh tế đã thất bại: đồng Ruble không bị sụp đổ như phương Tây mong muốn, và những người mua dầu khí mới của Nga đã được tìm thấy.
Đối với lĩnh vực quân sự, không có tiến bộ nào mà Hoa Kỳ trông đợi - cuộc khủng hoảng trở nên kéo dài và đang làm cạn kiệt nguồn lực quốc phòng cùng với tài chính của phương Tây.
Mỹ rất lo ngại khi chứng kiến hợp tác Nga - Trung được nâng tầm.
Trong khi Washington cùng các đồng minh của họ mất dần sức mạnh thì Moskva đang xích lại gần hơn tới Bắc Kinh, quốc gia cũng được xem là đối thủ lớn của Mỹ.
Nhà phân tích của tờ Japan Times chắc chắn rằng nếu chính quyền Mỹ không sử dụng cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Lavrov và Blinken như một sự khởi động lại quan hệ với Nga và không ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với cơn ác mộng tồi tệ nhất.
“Mỹ càng bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Ukraine thì càng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mạnh bạo hơn ở châu Á - Thái Bình Dương và Washington sẽ chứng kiến cơn ác mộng địa chính trị tồi tệ nhất: trục chiến lược Trung - Nga”.
"Đã đến lúc Washington nhận ra rằng họ không thể đồng thời tham gia cuộc xung đột ở Ukraine và châu Á", tác giả viết. Vì vậy, Mỹ nên nắm bắt cuộc trò chuyện ngắn giữa ông Lavrov và Blinken như một cứu cánh và chấm dứt khủng hoảng thông qua đàm phán.
“Một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine không phải là lợi ích của Mỹ. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng dòng tiền và vũ khí tới Ukraine, làm tăng nguy cơ chiến tranh giữa NATO và Nga, đồng thời cản trở khả năng của Mỹ đối phó với thách thức từ Trung Quốc", bài báo kết luận.