Khi đạt ngưỡng căng thẳng, cơ thể sẽ có 3 "báo động đỏ" dưới đây, là tín hiệu cho thấy bạn đang quá mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi để phục hồi nếu không muốn sức khỏe nhanh chóng "sụp đổ" vào một ngày không xa:
1. Giảm sức đề kháng
Có nhiều lý do khiến một người thường xuyên bị ốm, bệnh lặp đi lặp lại trong vài ngày tới vài tuần, thậm chí nhiều lần trong một vài tháng liên tiếp. Có thể kể đến như: Căng thẳng quá mức, thiếu ngủ, suy giảm miễn dịch,...
Hệ miễn dịch của cơ thể con người giống như một "lính canh trung thành", siêng năng thực hiện nhiệm vụ của mình trong điều kiện sức khỏe bình thường, bao gồm nhiệm vụ dọn dẹp chất thải, virus và các chất có hại khác trong cơ thể.
Tuy nhiên, khi cơ thể con người rơi vào tình trạng làm việc quá sức, cơ thể thiếu năng lượng và không thể duy trì sự đổi mới và hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Lúc này, ngay cả những vi khuẩn hoặc virus cực nhỏ cũng có thể lợi dụng tình trạng này và gây bệnh.
Dấu hiệu sức đề kháng suy giảm bao gồm: Vết loét miệng thường xuyên không lành trong thời gian dài, tình trạng da khô tróc ngứa ngáy, nổi mụn nhiều hơn, tóc rụng bất thường, dễ bị cảm lạnh và hồi phục chậm, sốt nhẹ kéo dài,...
2. Bệnh vặt, những vấn đề sức khỏe nhỏ nhặt liên tục xảy ra
Căng thẳng được xem là phản ứng tự nhiên của cơ thể về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc trước áp lực. Nhưng căng thẳng mãn tính khiến cortisol giải phóng quá mức có thể làm tăng tốc độ stress oxy hóa, tăng dấu hiệu viêm trong máu và gây tổn thương cho tế bào, khiến một người dễ bị ốm hoặc bị bệnh hơn do giảm phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Thêm vào đó, nếu thường xuyên cảm thấy các cơn đau vai, cổ; nhức đầu và chóng mặt; ù tai hay nghiêm trọng hơn là khó thở, tức ngực, tim đập nhanh, rối loạn nội tiết thì đã tới lúc cần điều chỉnh lại lối sống và thăm khám bác sĩ nếu việc nghỉ ngơi không giúp cải thiện triệu chứng.
3. Chất lượng giấc ngủ kém và cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy
Một giấc ngủ chất lượng có liên quan mật thiết với sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch. Thông thường cơ thể sẽ được phục hồi tự nhiên trong khi ngủ nhờ việc sản xuất các cytokines có nhiệm vụ kích thích hoặc điều chỉnh hệ miễn dịch, chống lại các nhiễm trùng.
Nếu thường xuyên bị mất ngủ, ngủ chập chờn thì hãy cẩn thận. Làm việc quá sức có thể gây căng thẳng cho cả thể chất lẫn tinh thần, làm gián đoạn chu kỳ ngủ tự nhiên và làm suy giảm khả năng sản xuất cytokines để phục hồi của cơ thể, dẫn đến việc hệ miễn dịch không hoạt động hiệu quả. Nói cách khác, mệt mỏi mức độ vừa có thể giúp bạn dễ ngủ hơn nhưng mệt mỏi quá mức sẽ gây khó ngủ, đặc biệt nếu mất ngủ kèm theo đau đầu, chóng mặt, ù tai thì cần chú ý kiểm tra sớm.
Hoặc ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy cũng cần chú ý. Điều này có thể do không đạt được giai đoạn giấc ngủ sâu cần thiết để cơ thể phục hồi hoàn toàn hoặc liên quan tới các tình trạng sức khỏe như hội chứng mệt mỏi mãn tính, bệnh tiểu đường, suy tuyến giáp, thiếu máu hoặc stress kéo dài, trầm cảm có thể gây mệt mỏi.
Nguồn: Sohu, Healthline