5 ngày trước thời điểm thăm khám, nữ bệnh nhân H.M.T (33 tuổi, Hà Nội) đột ngột xuất hiện sốt cao 38,5 - 39 độ C, kèm theo đau mỏi người, vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, ăn kém, rát họng. Bệnh nhân đã uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Bệnh nhân được thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phục vụ chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm cho thấy men gan tăng cao, đồng thời phát hiện sự hiện diện của kháng thể virus viêm gan A trong máu người bệnh. Kết quả chẩn đoán hình ảnh chưa phát hiện bất thường.
Dựa vào các dấu hiệu cận lâm sàng, bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc viêm gan A cấp tính.
Nhận kết quả, bệnh nhân vô cùng bàng hoàng và lo lắng trước chẩn đoán mắc bệnh truyền nhiễm.
ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc - Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - bác sĩ thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân, đã kịp thời trấn an giải thích rõ ràng cơ chế, phương pháp điều trị bệnh.
Khác với viêm gan B có thể cần duy trì điều trị cả đời, viêm gan A cấp tính là bệnh lý thường ít gây ra các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.
Hiện tại, sau 2 tuần điều trị nội trú tích cực, bệnh nhân hết sốt cùng các triệu chứng vàng mắt, vàng da, cần tiếp tục đánh giá sau 1 tháng điều trị.
Viêm gan A là bệnh gan do Hepatitis A Virus (HAV) gây nên. Bệnh chủ yếu lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Virus thông qua thực phẩm ô nhiễm xâm nhập vào bên trong cơ thể, theo máu đến gan, gây nhiễm trùng làm ảnh hưởng đến chức năng và hoạt động của gan.
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm gan A thường xuất hiện đột ngột, sau khi người bệnh bị nhiễm virus từ 2 - 4 tuần. Các triệu chứng điển hình gồm mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, sốt, vàng da, vàng mắt, nước tiểu màu vàng đậm, đau cơ/khớp...
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo virus viêm gan A rất dễ lây lan, bất kỳ ai chưa được tiêm phòng viêm gan A đều có thể bị nhiễm bệnh. Đối tượng mắc bệnh thường gặp nhất là trẻ em 5 - 14 tuổi.
Cần làm gì khi mắc viêm gan A?
Bác sĩ Ngọc tư vấn viêm gan A không nguy hiểm như nhiều người dân lầm tưởng. Do đó, thay vì lo lắng, bất an, bác sĩ khuyên người dân nên chú ý những điều sau trong quá trình điều trị bệnh để đẩy nhanh quá trình hồi phục:
- Tập trung nghỉ ngơi: Khi bị nhiễm viêm gan A, cơ thể thường mệt mỏi, ốm yếu, bệnh nhân nên tập trung nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng.
- Nạp đủ dinh dưỡng cho cơ thể: Người bệnh có thể cảm thấy chán ăn trong thời gian này, tuy nhiên cần cố gắng nạp đủ dinh dưỡng cho cơ thể gồm tinh bột, đạm, chất xơ.
- Tránh uống rượu, bia và sử dụng thuốc cẩn thận: Lá gan đang bị viêm có thể gặp khó khăn trong việc xử lý rượu, bia và các loại thuốc điều trị khác, người dân cần thận trọng khi sử dụng.
Lưu ý, trong thời gian điều trị, người bệnh cũng cần thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ lây truyền virus viêm gan A cho người khác. Cụ thể như sau:
- Tránh quan hệ tình dục;
- Rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh;
- Không chuẩn bị thức ăn cho người khác;
- Không ăn chung bát đũa với người khác.
Cách tốt nhất để phòng viêm gan A là tiêm phòng vắc xin viêm gan A. Vắc xin viêm gan A thường được tiêm hai mũi, mũi thứ hai được tiêm nhắc lại sau mũi đầu 6 - 12 tháng.
Ngoài ra, để hạn chế khả năng lây nhiễm viêm gan A, người dân nên rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh; ăn chín, uống sôi.