25 tuổi có cả tá sỏi trong thận: BS chỉ ra "thủ phạm" là thói quen nhiều bạn trẻ đang mắc

Bảo Thy |

Sỏi thận bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, sỏi thường hình thành khi nước tiểu bị lắng cặn, khiến các khoáng chất kết dính lại với nhau.


Thói quen xấu

Anh Phạm Văn H (25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) do bị đau quặn ở lưng, cảm giác người mệt mỏi nên đã đi khám, kết quả bác sĩ chẩn đoán anh bị sỏi thận.

Khi nghe tới sỏi thận và bàng quang, anh H rất lo lắng vì còn trẻ mà người đã có sỏi, trong khi đó gia đình anh không ai có tiền sử là người sỏi thận, sỏi bàng quang. Bác sĩ tư vấn anh H nên tán sỏi qua da để tránh gây biến chứng.

Khi được bác sĩ tư vấn điều trị và tránh nguy cơ tạo sỏi lại, anh H hoảng hốt vì bản thân anh có rất nhiều thói quen xấu để gây nên sỏi. Anh ở một mình và đang đi làm nên hầu như không bao giờ nấu cơm và thường ăn ngoài bằng các thực phẩm ăn nhanh giàu protein, ít chất xơ. Ngoài ra, anh H tự nhận thấy mình cực kỳ ít uống nước. Mỗi ngày gói gọn trong chai nước 500 ml.

Đây có lẽ là nguyên nhân dẫn tới anh đã bị sỏi thận. May mắn chưa gây ra biến chứng.

25 tuổi có cả tá sỏi trong thận: BS chỉ ra thủ phạm là thói quen nhiều bạn trẻ đang mắc - Ảnh 1.

Anh H được bác sĩ Cừ tư vấn sỏi thận.

Trường hợp của anh Nguyễn Văn T (quê Bắc Giang) dù rất trẻ nhưng anh T thường xuyên bị đái buốt, bí tiểu. Ba năm trước, anh T đi khám bác sĩ cũng phát hiện nhiều sỏi trong thận. Sau đó anh T đã điều trị tán sỏi nhưng thời gian gần đây lại bị tái phát.

Bác sĩ cho biết anh T bị sỏi thận và hẹp niệu đạo nên sỏi kẹt lại ở đường niệu. Khi đi khám, bác sĩ siêu âm phát hiện trong bàng quang, niệu đạo có cả túi sỏi rất nhiều.

Vì sao gây sỏi

Bác sĩ Nguyễn Quang Cừ - Bệnh viện đa khoa An Việt cho biết có rất nhiều bạn trẻ dưới 30 đến khám vì sỏi thận, sỏi bàng quang, lối sống thiếu khoa học đang là nguyên nhân gây nên các bệnh tiết niệu như sỏi tiết niệu trẻ hoá.

Nguyên nhân gây ra sỏi tiết niệu thường hay gặp:

- Thói quen uống nước không đủ cũng được cho là nguyên nhân gây ra sỏi tiết niệu. Uống không đủ nước dẫn đến tình trạng nước tiểu bị cô đặc, nồng độ các tinh thể bão hòa trong nước tiểu.

- Chế độ ăn uống chưa khoa học, sử dụng nhiều oxalate, canxi, dùng lâu dài một số loại thuốc như: acetazolamide, thuốc lợi tiểu quai, thiazide, glucocorticoids, theophyline, vitamin D, vitamin C...

25 tuổi có cả tá sỏi trong thận: BS chỉ ra thủ phạm là thói quen nhiều bạn trẻ đang mắc - Ảnh 2.

Sỏi bàng quang do hẹp niệu đạo của một bệnh nhân

- Bị dị dạng bẩm sinh hoặc do nước tiểu không thể thoát ra bị tích trữ lại lâu dần sẽ tạo thành sỏi. Bệnh nhân bị phì đại tiền liệt tuyến, u xơ, túi thừa trong bàng quang làm cho nước tiểu bị đọng lại ở khe kẽ.

- Người bệnh phải nằm một chỗ một thời gian dài.

- Nhiễm trùng vùng sinh dục tái đi tái lại.

Khi bị sỏi tiết niệu, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như giãn đài bể thận và thận ứ niệu.

Sỏi gây cản trở lưu thông của đường bài xuất nước tiểu gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài bể thận, sau đó ứ nước tăng dần nên làm căng giãn và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận và mất hoàn toàn chức năng thận nếu không được xử trí kịp thời.

Sỏi gây nhiễm khuẩn hệ tiết niệu như: viêm bể thận thận, viêm khe thận. Tình trạng nhiễm trùng kết hợp với ứ niệu gây thận ứ mủ, hoặc hư mủ thận. Nặng hơn có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết. Sỏi gây tình trạng viêm khe thận mãn tính kéo dài dẫn đến tình trạng sơ teo thận.

Sỏi gây suy thận: thường gặp trong trường hợp sỏi cả hai bên hệ tiết niệu hoặc sỏi trên thận đơn độc, đây là biến chứng nặng nề. Có thể gặp suy thận cấp hoặc suy thận mạn và các mức độ suy thận nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của sỏi.

Sỏi gây ra viêm loét và xơ hóa tại vị trí sỏi, đây là nguyên nhân gây chít hẹp đường niệu sau khi đã phẫu thuật lấy sỏi.

Để phòng bệnh sỏi thận, bác sĩ Cừ khuyên mọi người cần bỏ qua thói quen sinh hoạt xấu để ngừa bệnh với các cách như: giảm lượng natri trong chế độ ăn; hạn chế thịt đỏ, nên bổ sung các loại protein từ các loại gia cầm; tránh các loại nước ngọt, nước giải khát; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn như: bánh mì, khoai tây chiên, các loại phomat; giảm lượng đường trong các bữa ăn.

Với những người đã bị sỏi thận, cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều canxi và các loại thực phẩm có hàm lượng axit oxalic tương đối cao như: táo, tỏi, hành tây, cà phê, ca cao, nước chè, uống rượu, cà phê. Duy trì chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe để có sức khỏe tốt, loại trừ các nguy cơ gây bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại