Phản ứng trên mạng xã hội
Cuốn sách "Ung thư không phải là chết" của bác sĩ Nguyễn Lê chưa kịp ra mắt đã vướng phải những tranh luận gay gắt trên mạng xã hội.
Một số tiến sĩ, thạc sĩ và bác sĩ của tổ chức phi lợi nhuận Ruy Băng Tím cho rằng, phía nhà xuất bản nên cân nhắc lại nội dung trong cuốn sách trước khi xuất bản để tránh gây ra hiểu nhầm nguy hiểm cho bệnh nhân ung thư.
Tiêu biểu là nội dung tại 3 trang 92, 93 và 94 của cuốn sách mà những chuyên gia, bác sĩ trong tổ chức Ruy Băng Tím được xem khi đối thoại với công ty sách Sống trên mạng Facebook.
Các nhà khoa học và bác sĩ trong nhóm Ruy Băng Tím lo ngại rằng, nội dung tác giả nhắc tới dùng thực phẩm chức năng để điều trị ung thư có thể khiến cho bệnh nhân ung thư hiểu sai dẫn tới mất mạng.
Những thông tin về thực phẩm chức năng trong cuốn sách đưa ra có thể khiến cho bệnh nhân ung thư tin có thể chữa được bệnh ung thư. Hậu quả sẽ có nhiều bệnh nhân đi tìm "thần dược" và bỏ điều trị.
Cuốn sách đang gây tranh cãi.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, cố vấn khoa học Ruy Băng Tím chia sẻ:"Một cuốn như "nhân tố Enzyme" với nhiều lỗi ngụy biện nhận định về ung thư và thuốc điều trị ung thư dẫn đến người bệnh nhân ung thư bị sa bẫy của thực phẩm chức năng, thần dược mơ hồ rồi kết thúc bằng tiền mất tật mang và thậm chí cả tính mạng!
Tôi không "vùi dập, chỉ trích, chửi bới" tôi chỉ nói nhận định của một nhà khoa học làm trong lĩnh vực nghiên cứu về ung thư và tôi đã chứng kiến quá nhiều những trường hợp người bệnh nhân theo đuổi những thần dược mơ hồ như trên mà mất tiền mất mạng rồi".
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Hồng Vũ, Ths. Trịnh Vạn Ngữ, Ruy Băng Tím viết: "Giả sử sách này bạn (người bình thường) viết không có vấn đề gì, lời nói của một bác sĩ về vấn đề sức khỏe lại rất ảnh hưởng.
Nên việc phát tán các thông tin như trên là không nên, giả sử bạn có bệnh bạn nghe một bác sĩ chia sẻ bạn có tin không?... Xin các bạn nhà xuất bản suy nghĩ thấu đáo và có trách nhiệm xã hội hơn!!!".
Bác sĩ Nguyễn Trương Đức Hoàng, Giảng viên Bộ môn ung thư, Đại học Y Dược TP.HCM, Nghiên cứu sinh chuyên ngành ung thư Đại học Hiroshima là bác sĩ trực tiếp chứng kiến cái những cái chết "tức tưởi" của bệnh nhân ung thư mắc phải sai lầm bỏ điều trị đi khắp nơi tìm "thần dược" với mong muốn khỏi bệnh.
"Tôi có cả trăm bằng chứng chết vì đã theo những cách điều trị như vậy. Một bác sĩ chia sẻ thông tin mà không đọc lấy một bài báo khoa học nào về nó, hô hào cho một cách điều trị không chính thống, sẽ làm khó khăn cho biết bao nhiêu bệnh nhân bao nhiêu bác sĩ đang ngày ngày chiến đấu với ung thư.
Tôi không khoan nhượng với những hành vi như vậy cho dù nhân danh tự truyện hay bất kì điều gì chăng nữa. Người ung thư đã khổ lắm rồi đừng bóp méo sự thật mà làm khổ họ thêm", bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Nên nói thật để bệnh nhân hiểu
Bên cạnh, những góp ý của nhóm cố vấn Ruy Băng Tím còn có thêm một số ý kiến khác góp ý cho tác giả của cuốn sách. Facebook N.H.T có chia sẻ: "Đành rằng có bệnh vái tứ phương nhưng trong trường hợp bác sĩ Lê, bác sĩ không nói thật cho bệnh nhân hiểu, việc bác sĩ phát hiện khối K gan từ sớm, phẫu thuật cắt bỏ u được coi như biện pháp triệt để nhất cho kéo dài thời gian sống thêm.
Các biện pháp khác là bổ trợ. Việc quy cho bác sĩ kéo dài sự sống do các biện pháp bổ trợ trên nền được điều trị triệt căn là cách thức đánh tráo khái niệm".
D.P.H một sinh viên y khoa chia sẻ đã đọc một số sách về ung thư và thấy có hai trường phái: Một bên theo thuận tự nhiên một bên theo khoa học và cả 2 tranh luận bảo vệ quan điểm mình đúng và đưa ra bằng chứng có bệnh nhân khỏi.
"Bản thân em thì nghiêng về khoa học nhiều hơn nhưng chưa bao giờ em ngừng đặt câu hỏi là "Tại sao lại có trào lưu thuận tự nhiên ghê gớm như vậy và rằng có phải thuận tự nhiên là tốt nhất không?". Sau đó em thấy một số trường hợp vì quá tin vào thuận tự nhiên mà khi tới bệnh viện mọi thứ đã không thể", D.P.H viết.
Một số nội dung trong 3 trang sách "Ung thư không phải là chết" của bác sĩ Nguyên Lê đang gây tranh cãi.
"Thay cho việc dùng hóa trị, tôi tìm kiếm các liệu pháp hỗ trợ thay thế an toàn hơn. Ngày nay nó được coi là một biện pháp an toàn và khá hiệu quả gọi là "y học hỗ trợ và thay thế" (Complementary and Alternatuve Medicine), gọi tắt là CAM.
Tôi tìm đến tận nhà máy sản xuất ở bang Utah, Mỹ, cái nôi của các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung để tìm hiểu lựa chọn sản phẩm thực phẩm chức năng.
Paw Paw Cell Reg, chiết xuất từ cây đu đủ vùng Đông Mỹ với hoạt chất Acetogenin có các dụng ức chế và tiệu diệt các tế bào bất thường trong cơ thể mà không ảnh hưởng tới tế bào lành là sản phẩm tôi đặc biệt chú ý.
Tôi đã chọn Silver Shield, đó là nano bạc được bào chế bằng công nghệ Aqua Sol Technology (dạng dung dịch), một chất kích thích miễn dịch mạnh bậc nhất thế giới. Một sản phẩm nữa tôi chọn là Etea (trà Essiac).
Gần 10 năm trước, tôi liên tục sử dụng liên tục, thường xuyên nhiều năm, kể cả ổn định, sức mạnh bộ ba sản phẩm đó".