Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vừa thông tin về việc 2 bác sĩ của bệnh viện đã kịp thời cứu một bé gái 5 tuổi, bị đuối nước tại bể bơi khách sạn ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết trong chuyến công tác đầu tháng 6 tại tỉnh Quảng Ninh, anh và một đồng nghiệp vô tình nghe tiếng kêu cứu ở bể bơi khách sạn.
"Một bé gái bị đuối nước được đưa lên bờ và một người đàn ông dốc ngược cháu để nước chảy ra. Thấy cháu bé tím tái, nguy kịch, tôi và bác sĩ Hà Hoài Nam (là đồng nghiệp cùng khoa) đã đặt cháu bé xuống nền cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi bằng cách liên tục ép tim ngoài lồng ngực kèm thổi ngạt" - bác sĩ Hoàng Anh Tuấn kể.
Sau khoảng 2 phút ép tim, nhận thấy trong khoang miệng bé có nhiều thức ăn từ dạ dày trào ngược lên, bác sĩ Hà Hoài Nam đã cùng 1 bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khai thông đường thở cho cháu bé. Qua 5 phút cấp cứu, cháu bé đã có ý thức, tỉnh lại và được đưa đến trung tâm y tế gần nhất tiếp tục điều trị.
Theo thông tin từ gia đình, sau đó sức khỏe của cháu bé đã ổn định.
Bác sĩ Tuấn lưu ý khi xảy ra đuối nước, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Sơ cứu đúng cách, trẻ có cơ hội sống. Ngược lại, sơ cứu sai cách có thể mất cơ hội sống của trẻ.
"Nhiều người nghĩ khi dốc ngược trẻ sẽ giúp loại bỏ nước ra khỏi hệ hô hấp, giúp trẻ tự thở. Tuy nhiên, việc đó chỉ làm chậm trễ các bước sơ cứu quan trọng. Việc trì hoãn việc hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương não không hồi phục do thiếu ôxy"- bác sĩ Tuấn nói.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi cấp cứu trẻ đuối nước, đầu tiên là đưa trẻ lên khỏi mặt nước. Nếu nạn nhân không thở, hãy bắt đầu ép tim ngay lập tức, đồng thời báo người xung quanh gọi cấp cứu 115.
Vị trí ép tim nằm trên xương ức, ngang với đường nối 2 núm vú. Ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực (5 cm). Thực hiện ép tim với tốc độ khoảng 100-120 lần/phút.
Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại
Các bác sĩ cảnh báo đuối nước là vấn đề thường gặp trong mùa hè. Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng có thể gặp tình trạng này do bị rơi xuống ao, hồ, bể bơi, đi tắm biển nhưng thiếu sự quan sát của người lớn. Việc sơ cứu trẻ bị đuối nước ban đầu trước khi đưa nạn nhân đến bệnh viện là yếu tố vô cùng quan trọng.
Để phòng tránh đuối nước, đặc biệt vào dịp nghỉ hè, người lớn cần hết sức chú ý, không rời mắt trẻ nhỏ trong quá trình bơi lội để tránh tình huống đáng tiếc.
Người lớn cũng cần trang bị kiến thức về sơ cứu đuối nước để cấp cứu ban đầu, tăng cơ hội cứu sống trẻ.