1 thói quen phổ biến của người Việt, không chỉ hại dạ dày mà còn tăng nguy cơ ung thư

Ngọc Minh |

Người Việt thường rất thích ăn đậm đà (mặn) vì cho rằng ăn như thế mới ngon miệng. Nhưng chính thói quen ăn mặn này lại có thể kéo theo nhiều căn bệnh gây hại cho sức khoẻ.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gram muối/ngày. Tuy nhiên, theo điều tra năm 2015 cho thấy mức tiêu thụ muối trung bình của mỗi người Việt khoảng 9,4 gram muối. Điều này, có nghĩa là người Việt đang ăn lượng muối gấp gần 2 lần so với khuyến cáo của WHO.

Trên thực tế khi nấu ăn mọi người thường nêm nhiều gia vị mặn. Vì nhiều người vẫn cho rằng ăn đậm vị sẽ ngon, nếu ăn nhạt thì mất đi vị ngon của thức ăn. Việc ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, có thể gây đột quỵ và tử vong bất cứ lúc nào. Ăn mặn không chỉ gây ra tăng huyết áp mà tạo ra gánh nặng với tim, thận, dạ dày.

PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đã có nhiều bằng chứng mạnh mẽ, đặc biệt là các nghiên cứu đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, cho thấy các thực phẩm chứa nhiều muối là nguyên nhân gây ung thư dạ dày.

"Cũng khá giống với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều loại thực phẩm của người Việt chúng ta cũng được bảo quản bằng cách muối và lên men. Chính cách bảo quản như vậy có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày với những người tiêu thụ các thực phẩm này", PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên nói.

1 thói quen phổ biến của người Việt, không chỉ hại dạ dày mà còn tăng nguy cơ ung thư - Ảnh 1.

Bác sĩ dinh dưỡng đang tư vấn cho bệnh nhân, nguồn ảnh: Minh Trí.

Theo chuyên gia lượng muối ăn mỗi ngày nên ăn dưới 5g nhằm hạn chế nguy cơ ung thư dạ dày cũng như các bệnh khác có liên quan đến muối. Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý rằng lượng muối này đã bao gồm muối có trong thực phẩm, chứ không chỉ là muối được sử dụng trong nêm nếm, làm gia vị cho món ăn.

PGS Niên khuyến cáo thêm, ngoài thói quen ăn mặn thì một số thói quen không tốt cho dạ dày có thể kể tới như: hút thuốc lá, uống rượu, ăn quá nhanh, ăn lượng quá nhiều trong cùng bữa ăn, ăn uống không điều độ, bỏ bữa... Thừa cân béo phì cũng tạo áp lực lên dạ dày, có thể dẫn đến trào ngược dạ dày.

Còn theo PGS.TS Hoàng Công Đắc, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện E, ăn mặn quá làm tan các chất nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày. Điều này khiến cho các chất gây ung thư có trong thức ăn tiếp xúc trực tiếp với các tế bào niêm mạc gây tổn thương các tế bào. Quá trình ăn mặn kéo dài sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày và đại trực tràng.

Các triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn đầu rất mơ hồ hoặc không có triệu chứng. Một số bệnh nhân có thể đau âm ỉ vùng thượng vị, khó tiêu, đầy bụng… Lúc đầu các triệu chứng này thường xuất hiện thoáng qua nhưng về sau sẽ thường xuyên hơn.

Ở giai đoạn muộn, các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, gầy sút cân, da xanh, sờ thấy khối u, đại tiện phân đen…

Để phòng ngừa ung thư dạ dày, mọi người nên hạn chế ăn mặn, ăn thịt cháy, hạn chế rượu bia thuốc lá. Nếu trong gia đình có người bị mắc ung thư dạ dày thì nên đi tầm soát thường xuyên, 6 tháng/lần.

Cách bảo vệ dạ dày

Ăn uống lành mạnh, khoa học là cách tốt nhất để bảo vệ dạ dày. Mọi người nên ăn uống đúng giờ và ăn lượng vừa đủ no sẽ giúp cho dạ dày khoẻ mạnh.

- Buổi sáng khi ngủ dậy, mọi người nên uống một cốc nước ấm giúp đẩy dịch tồn tại suốt một đêm trong dạ dày xuống dưới. Sau đó, hãy ăn sáng nhẹ nhàng để có năng lượng cho một ngày làm việc.

- Buổi trưa, sau một thời gian co bóp để tiêu hóa hết thức ăn buổi sáng, dạ dày cần phải nạp thêm thức ăn để hoạt động. Nếu mọi người không ăn, dạ dày vẫn hoạt động theo nhịp đồng hồ sinh học, dịch vị axit vẫn tiết ra, từ đó dễ tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.

- Buổi tối mọi người nên ăn tối trước 20h và ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá để tránh gây áp lực cho dạ dày vào ban đêm.

1 thói quen phổ biến của người Việt, không chỉ hại dạ dày mà còn tăng nguy cơ ung thư - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại