Mối quan hệ giữa yoga và người tiểu đường
Các nhà nghiên cứu của ĐH California (Mỹ) đã khẳng định yoga có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Cụ thể, sau khi phân tích 28 nghiên cứu được thực hiện từ năm 1993-2022, các nhà nghiên cứu cho rằng việc tập yoga có thể giảm A1C (chỉ số đường huyết trung bình trong 3 tháng) xuống 1%. Những chuyên gia này cho rằng mặc dù con số này có vẻ nhỏ nhưng nó có thể so sánh với mức giảm do metformin, loại thuốc điều trị tiểu đường phổ biến nhất mang lại. Các kỹ thuật thiền định, khí công và các kỹ thuật giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm trong bộ môn yoga đều có thể giảm lượng đường trong máu.
Mục tiêu chung để kiểm soát bệnh tiểu đường là đạt được mức A1C dưới 7%. Khoảng một nửa số người (51%) mắc bệnh tiểu đường type 2 tham gia nghiên cứu đạt được mục tiêu này khi tập yoga mỗi ngày. Họ kết hợp thực hành chánh niệm và dùng thuốc giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
Các phân tích cho thấy mức giảm trung bình của HbA1c lớn hơn nếu số lượng buổi tập yoga mỗi tuần nhiều hơn. Theo các nhà nghiên cứu, tập yoga có thể sử dụng như một phương pháp điều trị bổ sung không dùng thuốc cho người tiểu đường type 2 và phòng ngừa bệnh.
Chia sẻ với Verywell Tiến sĩ Marisa Gefen, bác sĩ chuyên điều trị cho các bệnh nhân tiểu đường và các tình trạng mãn tính khác cho biết lý do yoga có lợi với người bệnh tiểu đường do nó tác động đến căng thẳng gây ra đối với đường huyết.
Trong cơ thể, tuyến thượng thận phản ứng với căng thẳng bằng cách giải phóng hormone cortisol, nguyên nhân làm làm tăng lượng đường trong máu. Hơn nữa, nhưng người mắc bệnh tiểu đường có mức cortisol cơ bản cao. Các bài tập luyện trí óc (chánh niệm) và cơ thể có thể chống lại căng thẳng, làm giảm mức cortisol, mang lại lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Chia sẻ thêm Gefen cũng cho biết khi bạn tập thể dục, cơ thể có thể giảm lượng đường trong máu vì các cơ sử dụng glucose (đường) để làm năng lượng hoạt động. Mức độ giảm phụ thuộc vào mức độ, chế độ tập. Nếu tập luyện thường xuyên và nhất quán, bạn sẽ cảm thấy cơ thể mình khỏe lên trông thấy. Chuyên gia này cũng khẳng định, không chỉ giảm cortisol và lượng đường trong máu, yoga còn tác động tích cực đến các hành vi lối sống khác như thúc đẩy chế độ ăn uống, ngủ nghỉ lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, các phương pháp luyện tập yoga không thay thế cho thuốc theo đơn, insulin, chế độ ăn uống hợp lý… để quản lý tiểu đường type 2. Người bệnh vẫn nên tuân theo chỉ định của bác sĩ và đảm bảo dùng thuốc, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để kết hợp yoga và dùng thuốc.
Ngoài đem đến những lợi ích cho người có đường huyết cao, việc tập luyện yoga thường xuyên còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, xương chắc khoẻ, khớp dẻo dai, hỗ trợ làm chậm quá trình lão hoá...
3 tư thế yoga tại nhà giúp kiểm soát đường huyết
Bạn hoàn toàn có thể tập những động tác này tại nhà mà không cần đến dụng cụ nào.
Chào mặt trời
Tư thế này được xem là tốt cho người bệnh tiểu đường giúp tăng nhịp tim, kéo dài toàn bộ cơ thể, cải thiện lượng đường trong máu, góp phần lưu thông máu tốt hơn, kiểm soát insulin.
Cách thực hiện:
Đứng thẳng, giữ cơ bụng hóp lại, chắp hai tay lại với nhau, hít vào trong khi giơ tay và duỗi tay ra phía sau. Thở ra và đi về phía trước, kéo căng cột sống, từ từ đi xuống hết cỡ. Sau đó, nhìn xuống, thư giãn cổ.
Hít vào, đưa chân phải ra sau, đặt đầu gối phải trên sàn, đầu gối trái ở góc 90 độ, lòng bàn tay nằm trên sàn. Nhìn thẳng bằng đầu, giữ hơi thở từ vị trí này và đưa chân trái trở lại.
Giữ cơ thể trên một đường thẳng, thở ra, hạ đầu gối xuống, hạ ngực và cằm xuống. Từ từ hạ hông xuống. Hít vào, từ từ nâng phần thân trên lên, ngẩng đầu lên, sau đó thở ra. Đưa cơ thể vào tư thế chữ V ngược, gót chân, lòng bàn tay đặt trên sàn, sau đó cố gắng kéo dài cột sống.
Đưa chân phải về phía trước trong khi hít vào, chân trái đưa về phía trước cơ thể, thở ra. Cúi người xuống, chạm vào ngón chân, sau đó đặt lòng bàn tay xuống sàn, duỗi thẳng. Hít vào, giơ hai tay lên, duỗi thẳng lưng, thở ra, chắp hai tay lại với nhau. Lặp lại các động tác tương tự với bên trái từ 4-8 vòng.
Nằm xoay người
Động tác nằm xoay người chủ yếu tập trung xoa bóp các cơ quan nội tạng, cải thiện tiêu hóa, giúp giảm lượng đường trong máu.
Cách thực hiện:
Nằm ngửa, duỗi thẳng cánh tay sang một bên sao cho lòng bàn tay úp xuống. Đưa đầu gối trái lên ngang ngực, uốn cong sang bên phải, cố gắng đưa đầu gối ngang hông. Giữ tư thế này khoảng 30 giây rồi thực hiện tương tự với bên đối diện.
Tư thế cúi chào
Tư thế cúi chào (tư thế cây cung) giúp tăng cường cơ bụng, giảm táo bón, điều hòa tuyến tụy, giảm mệt mỏi, cân bằng lượng đường trong máu.
Cách thực hiện:
Nằm sấp, hai bàn chân hơi dang ra, gần như song song với hông, đặt cánh tay song song cạnh cơ thể.
Gập đầu gối lên, dùng tay giữ lấy mắt cá chân, hít vào, nâng ngực lên khỏi mặt đất và kéo hai chân lên, duỗi ra để căng cánh tay, đùi. Giữ tư thế này trong 12-15 giây, chú ý đến hơi thở khi hít thở sâu và dài.
Từ từ đưa ngực, chân trở lại mặt đất, thả lỏng mắt cá chân, thư giãn với hai tay ở bên cạnh. Lặp lại các động tác này vài lần.
Theo Very Well Health