Y-20 xưng bá thế giới bằng động cơ công nghệ năm 1963

Tuấn Vũ |

Theo Jane's, Không quân Trung Quốc có kế hoạch mua khoảng 1.000 chiếc máy bay vận tải chiến lược Y-20 do nước này sản xuất.

"Không quân Trung Quốc cần tới 1.000 chiếc máy bay vận tải Y-20", Jane's dẫn lời ông Zhu Qian, trưởng phòng phát triển máy bay hạng nặng của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) tiết lộ.

Theo tạp chí Aerospeace Knowledge của Trung Quốc, Y-20 sẽ có tầm bay 5.200km và trọng lượng cất cánh tối đa 200 tấn, trong đó 66 tấn là hàng hóa. 

Điều này có nghĩa là nó có đủ khả năng đưa quân đội Trung Quốc vươn đến hầu hết các khu vực ở châu Á, châu Âu, Alaska, Australia và Nam Phi. Nó cũng có thể vận chuyển tốt các vũ khí hạng nặng như xe tăng chiến đấu chủ lực nặng 58 tấn Type 99A2.

Y-20 được xem là thành tựu hàng không quân sự mới nhất của Trung Quốc, đưa quốc gia này vào top số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu máy bay vận tải hạng nặng. 

Tuy nhiên thay vì trang bị động cơ WS-20 nội địa, tính đến thời điểm hiện tại, Y-20 vẫn dùng 4 động cơ phản lực D-30KP-2 của Nga.

 Y-20 xưng bá thế giới bằng động cơ công nghệ năm 1963  - Ảnh 1.

Trung Quốc thử nghiệm máy bay Y-20

Theo hợp đồng được Trung Quốc ký với Nga trước đó, Moskva đã cung cấp cho Bắc Kinh trong giai đoạn 2012-2015 tổng số 184 động cơ D-30KP-2. Hợp đồng này đã bao gồm dịch vụ bảo dưỡng kỹ thuật cho các động cơ.

D-30KP-2 là một biến thể của động cơ D-30, loại động cơ máy bay tuốc bin cánh quạt đẩy được phát triển bởi cục Thiết kế Soloviev vào năm 1963 cho các máy bay chở khách Tu-134. Việc chế tạo hàng loạt đã được thực hiện tại nhà máy sản xuất ô tô Permskii và NPO Saturn vào năm 1972.

Biến thể siêu âm mẫu D-30F6 có khả năng đốt sau được trang bị cho các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31 trong khi các mẫu không có khả năng này dùng cho dân sự được trang bị trên Ilyushin Il-62M và Tupolev Tu-154M và Ilyushin Il-76MD cùng những máy bay vận tải hạng nặng khác, trong đó có Y-20 của trung Quốc.

Aerospeace Knowledge cho biết thêm rằng, việc Y-20 tiếp tục tin dùng động cơ D-30KP-2 của Nga cho thấy Bắc Kinh chưa thể thành công với động cơ nội địa WS-20. 

Dù chưa được trang bị nhưng theo Sina, tầm bay và tải trọng của Y-20 sẽ được tăng lên sau khi WS-20 trang bị, đồng nghĩa với việc nâng cao khả năng triển khai lực lượng Quân đội Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể mở rộng thị trường xuất khẩu trên thế giới sau khi thiết kế và sản xuất động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy dựa trên WS-20. 

Theo một số chuyên gia hàng không thì WS-20 có nét tương tự với động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy CFM56-7 hoặc GE90 của Mỹ trong phần kết cấu, máy bay dân sự và quân sự đều có thể sử dụng được loại động cơ này.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã quá lạc quan trong lĩnh vực động cơ hàng không. Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc nỗ lực nội địa hóa các động cơ cho máy bay chiến đấu J-10/11, JF-17 và hiện tại là cả J-20 nhưng vẫn chưa thành công. 

Dù rằng, các động cơ này đều sao chép dòng động cơ Nga nhưng nó chưa bao giờ đạt đủ độ tin cậy cần thiết.

Trung Quốc ra mắt máy bay Y-20

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại