Xử trí trẻ sốt sai cách, nguy hiểm tính mạng

Thanh Huyền |

Xử trí sai lầm của phụ huynh khi trẻ sốt, khiến để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ (BS) Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 cho biết, mới đây, bé P.K.D., (3 tuổi, ngụ tại H.Bình Chánh, TP.HCM) suýt tử vong do xử lý sốt theo kiểu dân gian. Thấy cháu co giật, bà nội vội vàng vắt chanh vào miệng bé (theo quan niệm dân gian, vắt chanh sẽ hết co giật).

Ngay sau đó, bé ho tím tái. “Khi bệnh nhi nhập viện không còn co giật, nhưng bị biến chứng viêm phổi hít do sặc nước chanh. Bé phải nằm viện điều trị viêm phổi cả tuần sau đó”, BS Phương cho biết.

Bé T.D.T. (5 tuổi, ngụ tại Trà Vinh) bị co giật do viêm màng não, nhập khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi Đồng 1 điều trị viêm màng não.

Phát hiện bệnh nhi hô hấp có dấu hiệu bất thường, các BS chụp phổi, phát hiện dị vật là… chiếc răng. Trước đó bé bị co giật, hai hàm răng cắn chặt. Người nhà sợ bé cắn lưỡi đã lấy muỗng nạy răng, lỡ tay làm gãy một chiếc răng của bé.

Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận trên 10 bé bị co giật. 70% trẻ bị co giật do sốt cao (lành tính), số còn lại là động kinh có liên quan tới các bệnh lý nguy hiểm đi kèm như viêm màng não, viêm não, chấn thương sọ não, tiêu chảy làm rối loạn điện giải…

Xử trí trẻ sốt sai cách, nguy hiểm tính mạng - Ảnh 1.

Dù trẻ co giật do nguyên nhân nào thì cách xử lý ban đầu của phụ huynh đều rất quan trọng, tránh cho trẻ những di chứng. Theo ghi nhận, rất ít trẻ bị biến chứng từ co giật, phần lớn phiền toái do chính gia đình gây ra cho bé.

Các BV nhi thường xuyên xử trí trẻ bị sặc, dị vật đường thở khiến toàn thân tím tái vì thiếu oxy não. Nhiều trường hợp trẻ nguy kịch, tử vong do người nhà nạy miệng, đổ nước uống lúc bé đang bị mất phản xạ nắp thanh môn.

BS Phương khuyến cáo, nếu trẻ bị sốt cao trên 39 độ C, co giật dưới 3 phút, sau đó trẻ vẫn tỉnh táo thì được xem là sốt co giật lành tính, không nguy hiểm. Phụ huynh chỉ cần dùng nước ấm lau mình, hạ sốt bằng thuốc nhét hậu môn, tuyệt đối không để trẻ tím tái (thiếu oxy não) bằng cách đặt trẻ gối cao đầu, nằm nghiêng.

Có thể dùng chiếc đũa, bọc vải mềm, ngáng ngang miệng bé. Làm vậy không phải để trẻ khỏi cắn lưỡi mà có tác dụng giúp đàm nhớt trong miệng bé chảy ra ngoài, tránh bị sặc đường thở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại