Vi rút viêm gan C nỗi lo của bệnh ung thư gan
Người dân còn thờ ơ
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn muộn mà thủ phạm gây ra chủ yếu là do vi rút B và C.
Ông Nguyễn Văn Ánh trú tại Đông Hưng, Thái Bình da vàng sẫm, bụng chướng. Khi đến viện điều trị ông mới biết mình bị xơ gan do viêm gan vi rút.
Ông Ánh không hề biết bệnh của mình mà chỉ thấy người mệt, chán ăn, da vàng, mắt vàng kèm theo bụng chướng cứng, đi khám mới phát hiện viêm gan C.
Điều khiến các bác sĩ thực sự lo ngại đó là viêm gan B và C đều rất dễ lây nhiễm. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành mãn tính.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu có khoảng 240 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng 130 - 150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính.
Số trường hợp tử vong do viêm gan vi rút B và C ước tính mỗi năm khoảng 1,4 triệu người. Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan hàng năm.
Ước tính, có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết, hiện nay chống bệnh viêm gan C và viêm gan B đang trở thành cuộc cách mạng lớn trên thế giới.
Ở Việt Nam, người ta chỉ cảnh báo bệnh viêm gan C và viêm gan B không lây nhiễm như ung thư và tim mạch mà quên đi căn bệnh lây nhiễm do vi rút viêm gan vẫn còn đang là mối nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.
Ðặc điểm nổi bật của bệnh viêm gan C mạn tính là sự tiến triển rất thầm lặng, 10 - 30 năm, vì thế người bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Điều đáng lo ngại nhất là khi bị viêm gan C mạn tính, về sau có thể bị biến chứng xơ gan (khoảng 10 - 20%) hoặc nguy hiểm hơn là ung thư gan (khoảng 5%).
Chi phí đắt, thuốc giả nhiều
PGS Kính cho biết dù nguy hại hơn HIV rất nhiều nhưng người dân thờ ơ với vi rút này. Chỉ khi nào họ cảm thấy mệt mỏi, bệnh đến giai đoạn cuối mới vào viện.
Lúc đó, điều trị bệnh xơ gan và ung thư gan do viêm gan vi rút đã vô cùng khó khăn và tốn kém mà hiệu quả dường như chẳng cải thiện được nhiều.
Ngoài ra, hiện nay còn trở ngại nữa đó là thuốc điều trị viêm gan C. Nếu như ngày xưa thuốc này có giá 90 – 100 USD/viên thì đến nay đã có thuốc lên đến 200 USD/ viên.
Cả liệu trình điều trị vài tháng, trung bình mỗi bệnh nhân mất gần 200 triệu.
Đây là số tiền lớn, dù BHYT có chi trả 1 phần nhưng nhiều bệnh nhân vẫn không thể theo điều trị được dẫn đến bỏ mặc điều trị, mua thuốc trôi nổi.
PGS Kính cũng cảnh báo thuốc có thể được làm giả từ bột mì vì thuốc điều trị viêm gan C rất đắt tiền.
Theo PGS Nguyễn Văn Kính, tại Việt Nam ước tính mỗi năm có hàng nghìn ca nhiễm viêm gan vi rút mới, trong đó có nhiều người không biết mình mắc bệnh cho đến khi phát triển thành ung thư gan.
Hiện tại, viêm gan vi rút B đã có vắc xin phòng và người bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả tiền thuốc điều trị.
Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện phác đồ điều trị viêm gan vi rút C, cập nhật thuốc điều trị mới, sớm ban hành làm cơ sở đề xuất Quỹ BHYT thanh toán cho người bệnh.
Đối với người bị viêm gan C mãn tính hoặc người lành mang virut viêm gan C, cần được khám bệnh định kỳ theo lời dặn của bác sĩ.
Đối với người bị viêm gan C mạn tính, nên kiểm tra anpha FP trong máu (anpha feto protein) nhằm phát hiện ung thư gan sớm. Đây là một loại protein xuất hiện trong máu người bệnh ung thư gan khi vượt quá chỉ số cho phép.
Trước tình trạng bệnh ung thư gan đang gia tăng, PGS Kính cho rằng mỗi người cần tự kiểm tra bệnh và chỉ cần làm các xét nghiệm máu chỉ trong 1 ngày sẽ có kết quả viêm gan C hay B không.
Công dụng và tác hại khi ăn nhộng tằm: bạn cần biết để tránh