Cả gia đình 5 anh em đều ung thư gan
Thạc sĩ Trần Công Duy Long – Phó trưởng khoa Gan – Mật, Bệnh viện Đại học Y TP.HCM cho biết, anh đã từng tiếp nhận và điều trị cho gia đình có 5 anh em đều bị ung thư gan và mất ở tuổi 30 – 40 tuổi.
Nguyên nhân là vì các thành viên trong gia đình đều mắc viêm gan B lây từ mẹ sang mà không được chích ngừa và điều trị kịp thời khiến bệnh mãn tính dẫn đến xơ gan và chuyển sang ung thư gan.
Thực tế lâm sàng người ta nhận thấy 70 -80% ung thư gan phát triển trên xơ gan. Ở Việt Nam và một số nước châu Á, châu Phi ung thư gan phát triển từ xơ gan do viêm gan vi rút B và C là 80 -95%.
Hiện tại, bác sĩ Long đang điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn T. quê ở Đồng Nai. Anh T 43 tuổi có tiền sử viêm gan B.
Anh T cho biết mình lây viêm gan B từ mẹ nhưng anh mới biết được khoảng 10 năm nay. Điều đau khổ nhất là người em trai và mẹ anh đã qua đời vì ung thư gan. Còn anh đang chiến đấu với ung thư gan. Người anh cả đang điều trị viêm gan. Hầu như các thành viên trong gia đình đều bị viêm gan nhưng không được điều trị kịp thời, không biết bệnh dẫn đến xơ gan, ung thư.
Trước đó, gia đình một bệnh nhân ở Khánh Hoà cũng nhập viện vì ung thư gan và trong gia đình có tới 5 thành viên bị ung thư và đã qua đời. Bác sĩ Long cho biết đây thực sự là hồi chuông cảnh báo về căn bệnh ung thư đang gia tăng và rất nguy hiểm. Ung thư gan không có biểu hiện gì đặc biệt và bệnh nhân thường phát hiện khi ở giai đoạn đã muộn.
Trong đó, với vùng dịch tễ của viêm gan và thói quen không điều trị bệnh để bệnh chuyển sang mãn tính, việc chích ngừa bệnh nhiều năm trước còn thờ ơ dẫn đến con cái lây bệnh từ cha mẹ mà không biết. Chỉ khi có người ung thư gan mới đi xét nghiệm thì hầu hết anh, em trong nhà đều dương tính với virus viêm gan B.
Ung thư gan rất khó nhận biết ở giai đoạn sớm. Khi bệnh nhân cảm thấy đau tức hoặc vàng da thì u đã lớn và tình trạng xơ nặng. Vì vậy, những người mang vi rút viêm gan B, C phải thường xuyên tầm soát ung thư gan để phát hiện sớm điều trị bệnh sẽ thành công hơn.
Hiện nay, giống như các ung thư khác nếu phát hiện ở giai đoạn đầu tỷ lệ thành công lên đến 70 % bệnh nhân sống trên 5 năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam bệnh nhân đến viện khi đã sang giai đoạn muộn nên bệnh nhân điều trị sống trên 5 năm rất ít.
Báo động virus viêm gan
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà – Tổng thư ký hội truyền nhiễm Việt Nam thì hiện nay viêm gan B đang trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Trên thế giới có 2 tỷ người mắc viêm gan B và tại Việt Nam có 15 triệu người mang virus này và nếu không điều trị thì tỷ lệ người bị viêm gan B mãn tính sẽ tăng lên rất cao.
Điều đáng lo ngại nhất những người mắc viêm gan B có nguy cơ bị ung thư gan gấp 200 lần người bình thường. Theo các nghiên cứu có 15- 20% xơ gan do nhiễm vi rút viêm gan B có thể ung thư hoá.
Ngoài viêm gan B, viêm gan C cũng đang có xu hướng tăng, các nghiên cứu dịch tễ cho thấy sự liên quan giữa vi rút viêm gan C và ung thư gan.
Hiện nay, đường lây của bệnh thường là bệnh nhân bị nhiễm nếu có sinh hoạt tình dục không an toàn theo đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với bạn tình bị nhiễm bệnh, khiến máu, nước bọt, tinh dịch hoặc dịch âm đạo xâm nhập cơ thể bạn.
Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm cũng xảy ra nếu dùng chung dụng cụ tình dục không rửa hoặc không dùng bao cao su.
Virus có trong dịch tiết của người nhiễm và xâm nhập vào cơ thể bạn qua các vết xước nhỏ và phát triển trong trực tràng và âm đạo của bạn khi quan hệ tình dục.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B chiếm 8-25% dân số, ước tính đến năm 2020 sẽ có 8 triệu người Việt nhiễm virus viêm gan B mạn tính.
Viêm gan virus đứng thứ ba trong số nguyên nhân gây tử vong ở nước ta, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là viêm gan siêu vi B.
Điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao trong quần thể dân cư nói chung, chịu hậu quả nặng nề của bệnh. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B trung bình 8-25%, viêm gan C 2,5-4,1%.
Bên cạnh đó còn ghi nhận các trường hợp viêm gan A, D, E. Đặc biệt trong nhóm người tiêm chích ma túy có đến 54% mắc viêm gan siêu vi C.
Tỷ lệ dân cư mắc bệnh này có sự khác nhau giữa các địa phương. Cao nhất ở Hà Bắc 25,5%, tiếp đến là Vĩnh Phúc 23,2%, Lâm Đồng 16,74%, Khánh Hòa 15,48%, TP HCM 11,3%...
Tình hình nhiễm virus viêm gan B ở nhóm phụ nữ có thai khá cao. Đây là yếu tố quan trọng gây viêm gan B ở trẻ sơ sinh và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ. Các nghiên cứu cho thấy 90% trẻ mắc viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành viêm gan B mạn tính.