Xét xử vụ chạy thận 9 người chết: Tranh cãi tưởng chừng không dứt giữa 2 luật sư

PV |

Tranh cãi giữa hai luật sư đại diện cho BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn vẫn chưa chấm dứt và càng trở nên căng thẳng hơn tại phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương chiều nay (29/5/2018).

Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, Luật sư đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn, tỏ ra “sốc” khi chiều hôm qua Luật sư Nguyễn Danh Huế (Luật sư đại diện cho BVĐK tỉnh Hòa Bình) kiến nghị HĐXX khởi tố đối với ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình).

Theo luật sư Hương, chưa bao giờ “phong trào” yêu cầu khởi tố ông Dương lại mạnh mẽ đến vậy, nhưng nếu là từ phía các gia đình bị hại còn dễ hiểu. Bà Hương tỏ ra sốc khi đây là yêu cầu từ phía bệnh viện.

“Luật sư Huế là người đại diện cho BVĐK tỉnh Hòa Bình nên tôi hiểu rằng yêu cầu khởi tố ông Dương là ý chí của tập thể bệnh viện"- bà Nguyễn Thị Đinh Hương nói. “Tôi thấy đau lòng cho cái bệnh viện này. Tình đồng nghiệp, tình thầy trò ở đâu? Ở đây có hai ông Phó Giám đốc bệnh viện đang ngồi đây, tôi thấy đau lòng cho tình đồng nghiệp của các ông”.

Tranh luận với Luật sư Hương, Luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng Luật sư của Công ty Thiên Sơn đã cố tỏ ra rất “nhân văn” khi đề cập đến việc này. Tuy nhiên, ông Huế tố bà Hương nói sai sự thật.

“Kiến nghị của chúng tôi là kiến nghị xem xét lỗi của ông Dương và xem xét trách nhiệm dân sự của ông Dương, chứ không đề nghị khởi tố ông Dương”-ông Huế nói. “BVĐK tỉnh Hòa Bình không né tránh trách nhiệm, bệnh viện muốn nhân cơ hội này cải tổ lại mình và nhìn vào sự thật. Bệnh viện muốn làm rõ yếu tố cá nhân là như thế, chứ không phải muốn làm hại đồng nghiệp của mình. Bệnh viện muốn làm rõ sự thật là phải đi sâu vào vấn đề, chứ không phải là bới lông tìm vết”.

Xét xử vụ chạy thận 9 người chết: Tranh cãi tưởng chừng không dứt giữa 2 luật sư - Ảnh 1.
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (đứng) và Luật sư Nguyễn Danh Huế (ngoài cùng bên trái).

Luật sư Nguyễn Danh Huế cũng khẳng định lại trước HĐXX, trước đại diện VKS, các cơ quan báo chí và người nhà nạn nhân: “BVĐK tỉnh Hòa Bình đề nghị xem xét khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn (GĐ Công ty Thiên Sơn). Với ông Trương Quý Dương, bệnh viện đề nghị xem xét nếu bệnh viện phải bồi thường cho nạn nhân thì ông Dương phải bồi thường thay cho bệnh viện”.

Tuy nhiên, Luật sư của Thiên Sơn cho rằng yêu cầu khởi tố đối với ông Tuấn là “vô căn cứ”, không có căn cứ nào về pháp lý để đưa ra yêu cầu này.

Kết luận điều tra cho rằng nguyên nhân gây nên cái chết của các nạn nhân là do tồn dư hóa chất trong đường ống RO. Tuy nhiên, đại diện Công ty Thiên Sơn cho rằng làm thế nào để đưa được hóa chất vào cơ thể bệnh nhân thì phải có hành vi.

“Nếu BVĐK tỉnh Hòa Bình xét nghiệm các chỉ tiêu thì nguồn nước đưa vào chạy thận có gây chết người không?” - bà Hương đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, để có kết quả xét nghiệm phải mất từ 10-15 ngày, theo lời các bác sỹ tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Tại tòa, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cũng khẳng định AAMI chỉ là khuyến cáo và không bắt buộc, các bệnh viện phải cho máy chạy liên tục chứ không thể ngừng nghỉ.

Về việc Công ty Thiên Sơn cho thuê máy chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, Luật sư Huế cho rằng BVĐK tỉnh Hòa Bình luôn lỗ trong hoạt động chạy thận. Bà Hương phản bác lại Luật sư Huế khi cho biết tài sản Công ty Thiên Sơn bỏ ra hàng chục tỷ đồng, bệnh viện không phải bỏ ra gì nhưng lại kêu thua lỗ là điều vô lý.

Bà Hương cũng phản bác lập luận của ông Huế khi ông Huế cho rằng việc liên danh liên kết giữa bệnh viện và Thiên Sơn có nội dung khuất tất. Vậy vai trò của bệnh viện ở đâu trong suốt thời gian từ năm 2010 đến nay.

“Các ca chạy thận bắt đầu từ 2010 đến nay, hiện nay đã lên đến 8.000 ca/năm, vậy nếu lỗ thì các ông đừng làm nữa. Đề nghị HĐXX xác định rõ trách nhiệm ở đâu, tránh làm oan cho người vô tội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả pháp nhân tham gia tố tụng như Thiên Sơn”, Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương nói.

Xét xử vụ chạy thận 9 người chết: Tranh cãi tưởng chừng không dứt giữa 2 luật sư - Ảnh 2.

Tranh cãi tưởng chừng không có hồi kết giữa hai luật sư.


Tiếp tục đối đáp với đại diện của công ty Thiên Sơn, Luật sư Nguyễn Danh Huế tỏ ra gay gắt: “Khi sự cố này xảy ra, công ty Thiên Sơn luôn trốn tránh trách nhiệm và không bao giờ nói đến việc chuyển nhượng thầu. Việc bệnh viện và Thiên Sơn thanh lý hợp đồng sau 2 tháng đặt ra nghi vấn có sự bắt tay để phù phép, làm thiệt hại cho nhà nước”.

Về ý kiến bệnh viện không có đóng góp gì trong việc hợp tác chạy thận, Luật sư Huế cho rằng tuy không đầu tư máy móc thiết bị, nhưng bệnh viện phải đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất. Đồng thời đặt lại nghi vấn bệnh viện và Thiên Sơn móc ngoặc, vả nói thẳng ra là Công ty Thiên Sơn là công ty sân sau của ông Trương Quý Dương.

Cuối cùng, Luật sư Nguyễn Danh Huế đặt câu hỏi về việc tại sao ông Trương Quý Dương không mua trực tiếp thiết bị y tế mà phải thông qua Thiên Sơn, để rồi Thiên Sơn lại mua lại từ công ty Anh Quân, nhưng hóa đơn lại ghi là công ty Nam An. Từ sự “đánh võng” này của bệnh viện, ông Huế đặt nghi vấn có hành vi mua bán hóa đơn và lợi ích nhóm tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại