Theo hồ sơ vụ án, Công ty Thiên Sơn là đơn vị đã ký hợp đồng số 315 với BVĐK Hòa Bình về xử lý hệ thống nước RO số 2, sau đó công ty này chuyển công việc đó cho Công ty Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc.
LS Nguyễn Danh Huế (đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của BVĐK Hòa Bình tại tòa) từng cho biết, giá trị hợp đồng Thiên Sơn ký với BVĐK Hòa Bình là khoảng 99 triệu, trong khi ký với Trâm Anh là 49 triệu, chênh lệch 50 triệu (xem chi tiết).
Theo LS Đinh Hương, Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2004, có bề dày kinh nghiệm trong các hoạt động kinh doanh thuốc và các thiết bị y tế, là đối tác lâu năm, có uy tín của BVĐK Hòa Bình. LS Hương cho rằng, Thiên Sơn đã cung cấp máy chạy thận với chất lượng tốt nhất thế giới cho BVĐK Hòa Bình, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của BV.
LS đại diện Thiên Sơn xác nhận, giá thuê máy chạy thận đối với BVĐK Hòa Bình là 7,7 USD cho tất cả các hợp đồng. Trước đó, vào chiều qua, LS Nguyễn Danh Huế đã cung cấp thông tin trước tòa rằng giá thuê máy của Thiên Sơn với BVĐK Hòa Bình đắt gấp đôi mức ở BV Bạch Mai (ở BV Bạch Mai giá là 3,5 - 4 USD/máy).
Tuy vậy, bà Hương cho rằng: "Toàn bộ bệnh nhân chạy thận của BV Hòa Bình được bảo hiểm y tế trả tiền, chứ không phải bệnh nhân nộp tiền cho Thiên Sơn hay BV Hòa Bình. Ở đây, giá cao hay giá thấp phụ thuộc vào hợp đồng kinh doanh, hợp đồng liên kết giữa BVĐK Hòa Bình với Công ty Thiên Sơn".
Về hợp đồng cung cấp, sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, LS Đinh Hương nói:
"BV Hòa Bình quản lý máy móc RO số 2 được Công ty Thiên sơn cung cấp thông qua trúng thầu. Công ty Thiên Sơn đã hoàn thành hợp đồng cung cấp từ 2010. Việc công ty Thiên Sơn sửa chữa hệ thống RO số 2 đã trải qua 1 quá trình khảo sát và đàm phán.
Phía BV đã nhận thức rõ ràng việc sửa chữa nguồn nước phải xét nghiệm để loại trừ các độc tố trước khi đưa vào lọc máu, nên trong hợp đồng có điều khoản xét nghiệm là điều khoản ký kết bắt buộc. Điều này cũng phù hợp với tất cả các hợp đồng sửa chữa trước cũng như lời khai của ông Trương Qúy Dương từ bút lục số 40141".
Bà Hương cho rằng, việc đưa nguồn nước chưa xét nghiệm, chưa có bàn giao nghiệm thu vào để lọc máu cho bệnh nhân là vô cùng nguy hiểm, thể hiện tột cùng cho sự cẩu thả, đây là hành vi gây ra hậu quả cho vụ án này.
Từ đó, bà Hương khẳng định rằng, Thiên Sơn không có mối liên hệ nhân quả trực tiếp, không có lỗi trong hành vi về việc xảy ra sự cố đối với các bệnh nhân của BV tại sự cố ngày 29/5/2017.
Về chuyện các luật sư nói Thiên Sơn "bán thầu", LS Đinh Hương nói không có căn cứ cho rằng Thiên Sơn bán thầu, khoa học pháp lý không có từ ngữ nào là "bán thầu" cả.
"Việc đưa ngôn ngữ gây hiểu lầm để làm ảnh hưởng uy tín của Thiên Sơn tôi hoàn toàn phản đối. Không có hành vi nào là 'bán thầu'", bà Hương nhấn mạnh.
"Bệnh viện không thể phủ nhận việc tự ý đưa nguồn nước chưa có xét nghiệm, vào lọc máu gây hậu quả nghiêm trọng cho các bệnh nhân là điều ngoài mong muốn của Thiên Sơn và Thiên Sơn cũng không thể nào ngăn cản được điều này.
Thiên Sơn không cùng gây ra thiệt hại với BVĐK Hòa Bình. Trách nhiệm phải bồi thường dân sự là trách nhiệm của BVĐK Hòa Bình".
Đối với nội dung BVĐK Hòa Bình cho rằng, Thiên Sơn có hành vi sai phạm trong quản lý đấu thầu, bà Hương cho rằng, đây là tranh chấp kinh doanh thương mại, hoàn toàn không liên quan đến hậu quả của vụ án nên không có căn cứ để cho rằng Thiên Sơn phải bồi thường thiệt hại.
Kết lại phần trình bày của mình, LS Đinh Hương nói: "Tôi đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc ban hành quy trình văn bản liên quan đến lọc máu. Đề nghị HĐXX chấp nhận nguyên nhân gây ra cái chết của các nạn nhân là đưa nguồn nước không đảm bảo vào sử dụng. Đề nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn".