Theo quan điểm của Bác sĩ Lương Trường Sơn, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh, trong vụ việc hàng loạt trẻ tại Bắc Ninh có kết quả dương tính với sán lợn không thể kết luận trẻ đang nhiễm giun sán. Để chứng minh cho vấn đề này bác sĩ Sơn đã đưa ra 3 vấn đề sau:
1. Phản ứng miễn dịch có trong cơ thể
Nếu như kết quả xét nghiệm huyết học dương tính với kháng thể sán lợn, cũng chưa thể kết luận trẻ nhiễm bệnh. Về nguyên tắc, bất kỳ ký sinh trùng nào nhiễm vào cơ thể thì cơ thể đó cũng sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt ký sinh trùng.
Ví dụ, khi chúng ta tiêm vắc xin bất kỳ, bản chất là tiêm vi khuẩn, vi rút đã được bất hoạt vào cơ thể. Tuy nhiên, khi có các vi khuẩn, vi rút tương tự tấn công vào cơ thể kháng thể (vắc xin trước đó đã tiêm) sẽ được sinh ra để vào vệ cơ thể không bị phát bệnh.
Kết quả xét nghiệm máu dương tính với sán lợn, không có nghĩa là trẻ nhiễm sán lợn, ảnh minh họa.
Cơ thể con người rất kỳ diệu có tính bảo vệ, vì vậy khi giun sán vào cơ thể, ngay lập tức hệ thống miễn dịch sẽ phóng ra kháng thể để tiêu diệt con giun, sán đó. Nhưng nếu bị nhiễm quá nhiều, kháng thể không đủ để chống lại cơ thể đó sẽ bị phát bệnh.
Bác sĩ Sơn cho biết: "Một cơ thể đã từng bị nhiễm giun, sán đã chết, người đó vẫn duy trì miễn dịch trong cơ thể từ 3-5 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Trong trường hợp này nếu xét nghiệm trẻ vẫn dương tính dù không có giun, sán trong người".
Bác sĩ Sơn cũng lưu ý, phụ huynh không cần phải quá hoang mang với kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính.
2. Phản ứng chéo huyết thanh
Bác sĩ Sơn cho hay, kháng thể có thể dương tính với nhiều loại giun, sán chứ không phải riêng sán lợn.
Ví dụ, trẻ có thể nhiễm một loại giun, sán nào đó và sinh ra kháng thể gần giống với sán lợn, có nghĩa khi xét nghiệm sán lợn vẫn dương tính, nhưng thực tế không phải là nhiễm sán lợn.
"Tình trạng này còn gọi là dương tính chéo, vì trên thực tế có những kháng thể có thể chung cho 4-5 loại ký sinh trùng", bác sĩ Sơn nói.
Độ đặc hiệu của xét nghiệm sẽ không cao
Vấn đề thứ 3, được bác sĩ Sơn đưa ra là bộ kít thử kháng thể trong huyết thanh, độ đặc hiệu không bao giờ đạt được 100%.
Vì vậy, việc cần làm hiện nay theo bác sĩ Sơn là theo dõi các triệu chứng và có thể điều trị dự phòng ở các cháu có phản ứng kháng thể dương tính với sán lợn. Trong trường hợp, trẻ đúng là nhiễm sán, phụ huynh không nên hoảng sợ, vì bệnh có thể điều trị khỏi.
Lưu ý thức ăn hàng ngày phải ăn chín – uống chín, khám sức khỏe định kỳ và tẩy giun sán theo quy định.
"Dân quá hoang mang và nhìn thấy thức ăn bẩn tạo ra tâm lý đám đông kéo nhau đi xét nghiệm là không cần thiết", bác sĩ Sơn nói.
Việc quan trọng là phải điều tra dịch tễ để tìm ra nguồn lây bệnh cho trẻ ở đâu tại trường hay ở cộng đồng.
Hiện nay, tỷ lệ mắc giun sán ở miền Bắc vẫn rất cao, sau đó tới miền Trung và miền Nam. Ở miền Bắc có những nơi tỷ huyết thanh dương tính ở cộng đồng có thể lên tới 10%.