Không có ý nghĩa điều trị, vì sao vẫn để hàng ngàn trẻ xét nghiệm Elisa tìm sán lợn?

Ngọc Minh |

Xét nghiệm ELISA không đủ để khẳng định trẻ nhiễm giun sán. Tuy nhiên, vì không được hướng dẫn, giải thích nên người dân vẫn ồ ạt đưa con đi xét nghiệm trong những ngày qua.

Cục Y tế dự phòng chính thức lên tiếng

Sáng 18/3, sau nhiều ngày dư luận ồn ào về vụ hàng ngàn phụ huynh hoảng hốt, ồ ạt đưa con đi xét nghiệm vì e ngại con mắc sán lợn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chính thức lên tiếng.

Cục cho biết, việc chẩn đoán hiện tại trẻ nhỏ ở Bắc Ninh có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần phải dựa vào nhiều yếu tố. Chỉ riêng xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính không thể đủ để khẳng định trẻ mắc bệnh.

"Vì rất có thể trước đó trẻ đã bị nhiễm bệnh trước đó nay đã hết, nhưng kết quả xét nghiệm vẫn dương tính", thông báo của Cục ghi rõ.

Theo Cục Y tế dự phòng, xét nghiệm ELISA cũng không phải là căn cứ để xác định được nguồn lây lan bệnh sán lợn. Việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.

Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút, hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.

Không có ý nghĩa điều trị, vì sao vẫn để hàng ngàn trẻ xét nghiệm Elisa tìm sán lợn? - Ảnh 1.

Quá lo lắng sau khi ăn thịt nghi nhiễm sán, hàng trăm phụ huynh tại Bắc Ninh đã đưa con đi xét nghiệm.

Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài, đau đầu, buồn nôn…; và các kết quả xét nghiệm.

Hiện nay, bệnh ấu trùng sán lợn đã điều trị được khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.

Phản ứng quá chậm, sự việc bị đẩy đi quá xa?

Ăn thịt bị sán lợn nếu chưa nấu chín sẽ gây ra bệnh nhiễm sán trưởng thành "Taeniasis", bệnh biểu hiện rất nhẹ và không gây nguy hiểm.

Đất, nước, thức ăn (chủ yếu là rau) nhiễm trứng sán lợn mới có thể gây ra bệnh nang ấu trùng lợn "Cysticercosis" với các biến chứng về thần kinh, mắt…

Trong những ngày qua, vì quá lo lắng mà rất nhiều bậc phụ huynh tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã đưa con đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để làm xét nghiệm, do nghi ngờ nhiễm sán lợn.

Số lượng trẻ sau khi xét nghiệm có ELISA dương tính tăng, khiến cho người dân có con nhỏ tại Bắc Ninh càng thêm hoang mang.

Trước sự lo lắng của cha mẹ, sự quan tâm của dư luận, nhiều bác sĩ đã phải lên tiếng trên Facebook cá nhân về việc thực hiện xét nghiệm ELISA là không cần thiết, và cũng không có ý nghĩa điều trị.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi I cho hay, việc xét nghiệm là không cần thiết vì không giải quyết được vấn đề là tìm được nguồn gây bệnh, làm chỉ thêm rối và hoang mang. Vì thực tế với xét nghiệm ELISA trẻ đang nhiễm giun, đã từng nhiễm giun, nhiễm giun nhưng đã hết vẫn có kết quả dương tính.

"Đa số khi giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể người tự thải. Nếu giun sán ký sinh trên người vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay qua da cũng sẽ di chuyển vào ruột người để thải ra môi trường nhằm "nhân giống".

Nếu loại giun sán ký sinh trên động vật khác khi "lỡ" đi vào người có thể đi lạc lên cơ quan khác nhưng tình huống này rất hiếm, sợ nhất là lên não, thường ở da.

Chỉ bệnh nhân có triệu chứng ký sinh trùng di chuyển lạc chỗ dưới da (nổi sấn, nổi cục), vào não (co giật, hôn mê, yếu liệt chi, đau đầu)... và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng mới cho chỉ định xét nghiệm", bác sĩ Khanh nói.

Nghi ngờ ăn phải thức ăn có thể nhiễm giun sán thay vì việc đi làm xét nghiệm thì nên uống thuốc xổ giun. Thuốc tẩy giun sán có thể dùng như: albendazol, mebendazol, pyrentel. Nếu nghi sán lợn thì dùng Praziquantel hay albendazol.

Còn theo một bác sĩ khác đang là giảng viên Khoa Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, sán dây lợn gây bệnh ở đường tiêu hóa do ăn thịt lợn gạo thường nhẹ, ăn rau nhiễm sán gây ra bệnh ở da, cơ, mắt, não thì mới để lại biến chứng nặng nề. Người ăn thịt lợn gạo sẽ không bị bệnh ở da cơ mắt não như người ăn rau nhiễm ấu trùng sán.

Không phải tất cả các trường hợp nhiễm đều có triệu chứng, nên không phải ai cũng được điều trị. Nếu điều trị thì chỉ cần uống thuốc 1 ngày là khỏi. Nếu không điều trị thì khoảng 2-3 năm sau sán cũng sẽ chết.

Từ khẳng định của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế và các bác sĩ có chuyên môn, có thể thấy sự việc phụ huynh ồ ạt đưa con đi xét nghiệm sán lợn như những ngày qua là không cần thiết, gây ra sự tốn kém và hoang mang trong dư luận xã hội.

Có ý kiến cho rằng, nếu những hướng dẫn chuyên môn này được đưa ra sớm hơn, thì diễn biến sự việc có thể đã khác - không khiến cho hàng nghìn gia đình phải "đứng ngồi không yên" như những ngày qua. Cơ quan chức năng của Bộ Y tế trong vụ việc này đã phản ứng quá chậm.

Không có ý nghĩa điều trị, vì sao vẫn để trẻ làm xét nghiệm?

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, chỉ riêng xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính không đủ để khẳng định trẻ mắc bệnh. Xét nghiệm này cũng không phải căn cứ để xác định nguồn lây lan bệnh sán lợn.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao những cơ quan chuyên môn như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương lại không biết điều đó mà vẫn đồng ý làm xét nghiệm cho hàng ngàn trẻ, gây ra sự hoang mang lớn trong dư luận và sự tốn kém về kinh tế cho các gia đình?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại