Xe tăng "phá niêm" ùn ùn đến Syria: Đòn trên cơ của Nga định đoạt bên thắng cuộc?

Hoài Giang |

Nga đang nỗ lực trong việc huấn luyện và trang bị cho đồng minh Syria và chứng minh rằng chiến thắng cuối cùng của họ ở Idlib là điều khó có thể đảo ngược

Ngày 19/3, Nga đã gửi tới phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn "tối hậu thư" yêu cầu phải rút khỏi khu vực phía nam cao tốc M4 ở Idlib trước cuối tháng 3.

Trong bối cảnh một "vòng xoáy xung đột" tiếp theo rất có thể sẽ xảy ra trong vòng 10 ngày tới ở tây bắc Syria, nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn khách quan, đặc biệt là tương quan sức mạnh trong khu vực, chúng tôi xin được lược dịch bài viết:

"Rearming Syria: Russian deliveries of T-62MVs and BRM-1(K)s arrive" (tạm dịch: Cách người Nga tiến hành "tái cấu trúc" (quân đội) Syria: T-62MV và BRM-1(K) đã đến) của tác giả Stijn Mitzer.

Xe tăng T-62M, cách người Nga giải bài toán tái cấu trúc QĐ Syria?

Kể từ khi những chiếc xe tăng T-62, xe bọc thép BMP-1/2 (và pháo tự hành 2S9) được chuyển tới Syria năm 2017, sự xuất hiện của chúng ở mặt trận Idlib đã chứng minh vai trò của Nga trong việc tái cấu trúc Quân đội Arab Syria (SAA).

Moscow đang thể hiện nỗ lực trong việc huấn luyện và trang bị cho các lực lượng chính quy đã "tơi tả" sau 9 năm chiến tranh của Damascus.

Trái với suy đoán rằng SAA sẽ nhận thêm xe tăng T-72B3, T-90A và BMP-3 (các vũ khí tiên tiến hơn nhiều so với trang bị hiện tại của họ) hầu hết vũ khí được Nga bàn giao hiện tại là các vũ khí "dư thừa" của Quân đội Nga.

Xe tăng phá niêm ùn ùn đến Syria: Đòn trên cơ của Nga định đoạt bên thắng cuộc? - Ảnh 1.

Một số chiếc T-62M và T-62MV trên đường vận chuyển tới Syria.

Sự lựa chọn này được cho là phù hợp với năng lực của SAA (xe cơ giới bàn giao cho người Syria chủ yếu là vận hành đơn giản và dễ dàng bảo trì).

Ngoài số lượng nhỏ T-72B3, T-90A và BMP-2 được giao trong năm 2015, các đợt bàn giao vũ khí của Nga cho Syria chủ yếu là xe tăng T-62M, xe bọc thép BMP-1(P), pháo M-1938 122mm (M-30) xe bánh hơi như Ural, GAZ, KamAZ và UAZ và các loại vũ khí hạng nhẹ.

T-62M không được trang bị các hệ thống phòng thủ chủ động như Shtora trên T-90A, nhưng nếu so với T-55 và T-62, chúng vẫn được đánh giá là có những "bước tiến vượt bậc" tiệm cận T-72 và là một bổ sung đáng kể sau những thiệt hại cơ giới trong 9 năm chiến tranh.

Xe tăng phá niêm ùn ùn đến Syria: Đòn trên cơ của Nga định đoạt bên thắng cuộc? - Ảnh 2.

Xe bọc thép BRM-1K và xe tăng T-62M hoạt động tại Homs, Syria.

"Không chốn dung thân" ở Nga

T-62M là kết quả của một chương trình nâng cấp một số biến thể của T-62 đầu những năm 1980 theo một tiêu chuẩn chung. Chương trình nhằm khắc phục những thiếu sót của T-62 trong hỏa lực, phòng thủ và khả năng cơ động.

Để sử dụng toàn bộ tiềm năng của pháo chính 115mm, hệ thống điều khiển hỏa lực "Volna" với máy đo khoảng cách laser KTD (LRF) đã được lắp đặt. Với cải tiến này, T-62M được cho là có khả năng tác chiến ban đêm nếu so với các biến thể T-62 trước đó.

T-62M có mặt trước thân xe và hông tháp pháo được bổ sung lớp giáp yếm BDD làm tăng khả năng chống đạn nổ lõm chống tăng. Bộ giáp yếm BDD được cho là đã tăng cường khả năng phòng thủ của T-62 lên đến mức của T-64A hoặc T-72M1.

Xe tăng phá niêm ùn ùn đến Syria: Đòn trên cơ của Nga định đoạt bên thắng cuộc? - Ảnh 3.

Một chiếc T-62M tham chiến trong chiến tranh Chechnya lần 1.

Biến thể T-62MV được bổ sung giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-1 thay vì giáp yếm BDD, tuy nhiên chủ yếu T-62M vẫn chỉ trang bị giáp yếm BDD, bởi giáp yếm rẻ hơn và dễ lắp đặt hơn. Trọng lượng tăng lên do bổ sung giáp được bù lại bằng động cơ diesel V-55U 620 mã lực.

Ngoài các cải tiến nói trên, xe tăng còn được trang bị bộ ổn định nòng pháo mới, ống bọc chịu nhiệt cho pháo 115mm và một khối ống phóng lựu đạn khói chống ATGM ở bên phải tháp pháo.

Tuy nhiên, T-62M vẫn có những điểm yếu cố hữu như khoang lái chật chội, không có hệ thống nạp đạn tự động ảnh hưởng tới tốc độ bắn (thực tế chỉ khoảng 4-5 phát/phút, hơi chậm hơn so với T-54/55 và xe tăng M60) khiến cuối cùng Liên Xô phải lựa chọn phát triển và trang bị T-72.

Xe tăng phá niêm ùn ùn đến Syria: Đòn trên cơ của Nga định đoạt bên thắng cuộc? - Ảnh 4.

Xe tăng T-62M niêm cất tại Cộng hòa Buryatia.

Sau nhiều thập niên liên tục chống khủng bố và ly khai tại khu vực Caucasus (Kavkaz), T-62 chỉ mới được Quân đội Nga rút khỏi trang bị. Chúng được niêm cất trong các kho quân sự khổng lồ của Nga nằm ở các Quân khu Trung tâm và Đông, đặc biệt là ở Cộng hòa Buryatia thuộc Nga.

Một số lượng lớn T-62 đã được người Nga khôi phục lại hoạt động (liên quan tới cuộc tập trận Vostok năm 2018) nhằm đánh giá khả năng phản ứng trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện.

Tuy nhiên với hàng nghìn xe tăng hiện đại hơn đang được niêm cất (T-64/T-72/T-80), Quân đội Nga gần như không có lý do để đưa T-62M trở về niêm cất.

Đứng trước việc một đồng minh tiêu hao xe tăng lớn trong chiến tranh như Syria, người Nga đã tìm thấy một "đầu ra" cho những chiếc xe tăng "không chốn dung thân".

Xe tăng phá niêm ùn ùn đến Syria: Đòn trên cơ của Nga định đoạt bên thắng cuộc? - Ảnh 5.

T-62M và T-62MV trên sa mạc ở Syria. Nhiều khả năng các xe tăng này thuộc về một loạt khoảng 40 xe tăng được nhìn thấy ở cảng Tartous vào tháng 9/2019.

"Đòn trên cơ" định đoạt bên thắng cuộc ở Syria?

Trước khi xuất hiện ở Syria, một số chiếc T-62M đã được phát hiện khi di chuyển trên khắp nước Nga để chuẩn bị đến cảng Tartous của Syria tháng 5/2018. Những chiếc xe tăng không được che phủ được các nhà phân tích đánh giá là một "động thái truyền thông" của Nga.

Cho đến tháng 8/2019, người ta mới có bằng chứng về sự hiện diện của những xe tăng này ở Syria, khi một chiếc bị hỏng và sau đó bị nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) bắt sống.

Chủ yếu T-62M được nâng cấp từ các biến thể T-62 Ob'yekt 1967 (biến thể này không trang bị súng máy DShK 12,7mm trên tháp pháo) và T-62 Ob'yekt 1972.

Điều khá thú vị ở Syria là SAA đã nhận được cả T-62 Ob'yekt 1967/1972 không nâng cấp lẫn T62M (giáp BDD) và T-62MV (giáp Kontakt-1).

Ít nhất một trong những chiếc T-62 Ob'yekt 1972 không được nâng cấp đã bị phiến quân bắt sống gần Barsah, Tỉnh Idlib vào giữa tháng 1/2020.

Xe tăng phá niêm ùn ùn đến Syria: Đòn trên cơ của Nga định đoạt bên thắng cuộc? - Ảnh 7.

Chiếc T-62 Ob'yekt 1972 bị bắt sống tại Idlib tháng 1/2020.

Cùng với việc liên tục bị hỏng và bắt sống (chủ yếu do ATGM của đối phương), nhiều nhà phân tích cho rằng việc Nga công khai quá trình trang bị cho SAA các biến thể xe tăng T-62 mang lại hiệu quả lâu dài hơn là thay đổi ngay lập tức tình thế trên chiến trường Syria.

Liên Xô, Tiệp Khắc và Triều Tiên đã sản xuất khoảng 22.700 chiếc T-62 và cho tới thời điểm hiện tại, Quân đội Nga đang niêm cất hàng nghìn chiếc và viện trợ cho Syria từ 40 đến 200 chiếc T-62 các biến thể.

Nga đang chứng minh với khu vực và thế giới thấy rằng với khả năng bổ sung gần như vô hạn xe tăng và xe cơ giới, chắc chắn SAA (bất chấp tiêu hao trong chiến sự) sẽ trở lại vị thế của một lực lượng quân sự "đáng gờm".

Nó cũng chứng minh rằng chiến thắng cuối cùng của SAA ở Idlib là điều khó có thể đảo ngược, kể cả những điều "bất ngờ" có thể xảy ra trong tương lai.

Quân đội Arab Syria (SAA) và các lực lượng đồng minh tổ chức tấn công đêm tại Saraqeb, Idlib hôm 29/2. Việc xe tăng và xe cơ giới chiến đấu trong đêm và đẩy lui các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân tại thị trấn chiến lược này đã dẫn đến Thỏa thuận Moscow hôm 5/3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại