Mới đây, tờ National Interest xuất bản bài viết "Can Turkey Defeat Russia’s Army in Syria?" (tạm dịch: Thổ Nhĩ Kỳ có thể đánh bại Quân đội Nga ở Syria?) của tác giả Michael Peck.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, đặc biệt là trong bối cảnh Nga đã ra "tối hậu thư" cho phiến quân ở Idlib, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Nếu chiến sự tây bắc Syria bùng nổ, lộ tử huyệt, Nga sẽ ở "thế yếu"?
Michael Kofman, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân Hoa Kỳ (và cũng là một chuyên gia phân tích quân đội Nga) mới đây đã đưa ra bình luận:
"Nếu xét về tương quan sức mạnh giữa các lực lượng tham chiến tại Syria, kết quả của xung đột leo thang (giữa Thổ và Nga) sẽ rất xấu đối với Moscow".
Tại sao lại có sự "phi lý" này? Nga đã thừa hưởng gần như toàn bộ sức mạnh siêu cường của Liên Xô, duy trì quân đội đủ sức răn đe cùng với kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù là một trong những thành viên mạnh của NATO nhưng vẫn chỉ là một cường quốc hạng trung không có vũ khí hạt nhân. Nhưng điều đó không thể vượt qua "yếu tố then chốt" trong bất kỳ hoạt động quân sự nào đó là "xuất phát điểm".
Sức mạnh quân sự của Nga nằm cách khác xa so với Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: Statista).
Ưu thế quân sự tổng thể của Quân đội Nga không đồng nghĩa với sự vượt trội trên chiến trường tây bắc Syria, nơi Quân đội Arab Syria (SAA) đã tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm giải phóng toàn bộ khu vực so với Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) và đồng minh.
Nga chỉ có một căn cứ không quân lớn ở Syria (căn cứ không quân Khmeimim ở Latakia) và một căn cứ hải quân tại Tartus.
Đây chính là "lỗ hổng" được thể hiện bằng sự phụ thuộc của lực lượng Nga ở Syria (ước tính vài nghìn binh sĩ và hàng chục máy bay chiến đấu) vào các chuyến hàng bổ sung nhu yếu phẩm và đạn dược.
Các chuyến tàu từ Biển Đen vượt eo biển Bosporus do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát trước khi đến các cảng của Syria ở phía đông Địa Trung Hải. Và không giống như người Mỹ, Nga không có năng lực không vận ồ ạt để duy trì lực lượng viễn chinh ở ngoài nước.
Ông Kofman bổ sung: "Những hạn chế về cơ sở hạ tầng và hậu cần đồng nghĩa với việc Nga không thể tăng cường lực lượng ở Syria vượt xa mức hiện tại".
Trong kịch bản mà người Nga có một căn cứ không quân, để mở rộng sự hiện diện đòi hỏi phải di chuyển liên tục thông qua "yết hầu" Bosporus để hỗ trợ hậu cần, lực lượng Nga ở Syria đang thực sự ở một vị thế rất dễ bị tổn thương".
Mặc dù Nga có sự hiện diện mạnh ở tỉnh Homs và thành phố Aleppo, họ chỉ có 2 căn cứ chính thức ở Syria là Khmeimim và Tartous.
Ankara có thật sự muốn "tất tay" ở tây bắc Syria hay không?
Bằng việc ký Thỏa thuận Moscow hôm 5/3 và thiết lập lệnh ngừng bắn ở Idlib từ 0 giờ ngày 6/3, Thổ và Nga đã chứng minh cho thế giới thấy rằng họ đang tránh hướng tới một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp trên đất Syria.
Đây là cách các cuộc xung đột diễn ra như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mỹ và Liên Xô đã tránh các cuộc đụng độ trực tiếp và thay vào đó đối đầu với nhau bằng các "lực lượng ủy nhiệm".
Khoảng 7.000 binh sĩ, máy bay không người lái (UAV) và pháo binh của TAF đang hỗ trợ các đồng minh phiến quân, ngược lại máy bay Nga đang yểm trợ đường không, cố vấn và lực lượng đặc biệt Nga đang cộng tác chặt chẽ với các mũi tấn công của SAA ở Idlib.
Điều này đồng nghĩa với một "tương lai đen tối" của Moscow và Ankara có thể diễn ra bất kỳ lúc nào.
Ví dụ, một kịch bản có thể xảy ra là cuộc tập kích bằng bộ binh hay pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ vào SAA có thể làm bị thương các cố vấn Nga (những người có thể kêu gọi máy bay Nga yểm trợ đường không để trả đũa).
Hoặc một kịch bản khác khi máy bay TAF "vô tình" bắn rơi máy bay Nga và sau đó Moscow có thể sẽ trả đũa bằng cách hạ gục máy bay Thổ Nhĩ Kỳ.
Kofman tiếp lời: "Mặc dù cả Moscow và Ankara đều không muốn đầu trực tiếp (ở Syria), cả 2 đều không thể lùi bước và chấp nhận việc binh lính thiệt mạng mà không trả đũa".
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có một lịch sử phức tạp, bao gồm một loạt các cuộc chiến từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Trớ trêu thay, "thùng thuốc súng" Syria xuất hiện khi Moscow và Ankara càng ngày càng "xích lại gần nhau hơn" những năm gần đây.
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân tại khu vực ngoại vi Saraqeb.
Liệu có "tia sáng cuối đường hầm" ngăn xung đột ở Idlib?
Câu hỏi đặt ra là hiện tại là liệu Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có những mục tiêu không thể hòa giải ở Syria hay chỉ đơn thuần là theo đuổi mục tiêu khác nhau và có thể tìm ra "phương án thỏa mãn" cả hai.
Ankara đang chiếm đóng một dải lãnh thổ ở miền bắc Syria với tuyên bố tạo "vùng đệm" với các tay súng người Kurd. Họ cũng mong muốn "sự thay đổi" trong nhà cầm quyền Syria hiện tại.
Tuy nhiên "yếu tố then chốt" nhất của các hoạt động quân sự ở tây bắc Syria hiện tại là do áp lực của gần 1 triệu người tị nạn ở biên giới sau các cuộc tấn công của SAA vào "Idlib lớn" (khu vực phiến quân kiểm soát ở tây bắc Syria).
Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), gần 1 triệu người tị nạn đang tập trung tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib.
Về phần mình, Nga quyết tâm bảo vệ đồng minh Syria. Moscow và Damascus đã là đồng minh từ những năm 1960 và Tartous là căn cứ hải quân duy nhất trên thế giới nằm bên ngoài lãnh thổ Nga.
Quyết tâm đó thể hiện bằng cam kết yểm trợ của máy bay Nga - cùng với binh lính từ Iran và Lebanon (lực lượng Hezbollah) đã trở thành các "thanh bảo kiếm" giúp vực dậy một quân đội Syria liên tục thất bại tới việc tái chiếm lại phần lớn lãnh thổ.
Ông Kofman kết luận: "Có thể hiểu rằng người Nga sẽ can thiệp nếu sự ổn định và sống còn của Damascus bị thách thức. Tuy nhiên, họ sẽ không "ra mặt" và thay thế cho binh lính Syria ở Idlib. Người Nga không cần Idlib".
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng các lệnh ngừng bắn nào ở Idlib sẽ chỉ là tạm thời, cuối cùng người Nga sẽ ủng hộ mong muốn của chính phủ Syria tái chiếm các các vùng lãnh thổ đó.
Bulent Aliriza, giám đốc Dự án phân tích về Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, DC bình luận: "Khi đó, (Tổng thống Nga) Putin sẽ ở "thế khó" khi đồng minh Syria "nuốt chửng và tiêu hóa" các vùng lãnh thổ mà phe đối lập đã kiểm soát".
Không quân Vũ trụ Nga không kích các vị trí khủng bố ở Idlib (Nguồn: ANNA News).