Xạ thủ tên lửa Việt Nam kỳ tài, sát cánh chiến đấu cùng đặc công Rừng Sác: Lập công lớn

Nguyễn Hữu Mão |

Tháng 5/1974, Nguyễn Quang Lộc được giao nhiệm vụ phối hợp với Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, luồn sâu vào vùng kiểm soát của địch, bí mật, bất ngờ diệt một mục tiêu quan trọng.

Trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa phòng không Anh hùng (24/7/1965 - 24/7/2020) mới rồi, tôi (Nguyễn Hữu Mão) đã có dịp trò chuyện với những xạ thủ tên lửa A72 "Mũi tên xanh" vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (năm 2018) và biết tường tận hơn về những chiến công đặc biệt của họ.

Trận chiến đầu tiên trong đời quân ngũ

Cùng đồng hương Vĩnh Phú, cùng nhập ngũ tháng 8/1971 khi tròn 18 tuổi, Anh hùng Nguyễn Quang Lộc cũng có những nét giống với Anh hùng Nguyễn Ngọc Chiến - Người phóng 11 quả đạn tên lửa A72, tiêu diệt 6 máy bay địch - hiệu suất chiến đấu cao hiếm thấy!

Vừa chân ướt chân ráo vào chiến trường là Nguyễn Quang Lộc cùng các xạ thủ tên lửa Việt Nam lao ngay vào cuộc chiến đấu với kẻ thù. Cho đến hôm nay, gần 50 năm đã trôi qua mà anh vẫn không quên trận chiến đấu đầu tiên trong đời quân ngũ của mình.

Xạ thủ tên lửa Việt Nam kỳ tài, sát cánh chiến đấu cùng đặc công Rừng Sác: Lập công lớn - Ảnh 1.

Đó là ngày 13/5/1972, đơn vị tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ tại Bình Long. Trong trận đánh ấy, Nguyễn Quang Lộc đã lập công xuất sắc, bắn hạ một chiếc máy bay AD6 của Mỹ. Viên Đại úy phi công nhảy dù ra bị quân ta bắt sống.

Đêm hôm đó, anh đã thao thức mừng vui và viết những dòng nhật ký đầu tiên cho mẹ: "Mẹ biết không, chính con cũng không hiểu nổi, một cậu học trò, một đứa con thơ dại của mẹ hôm nào chỉ biết cưỡi xe đạp đi học, trưa về cơm chưa chín là mặt đã xịu ra.

Thế mà nay đã là một anh Giải phóng quân chững chạc. Hôm nay con đã bắn rơi máy bay Mỹ rồi, còn bắt sống cả giặc lái nữa mẹ ạ. Chiến công này con gửi tặng mẹ".

Ngay hôm sau, ngày 14/5/1972, khoảng 10 giờ, Nguyễn Quang Lộc lại tiếp tục bắn rơi một chiếc máy bay trinh sát OV10 của địch.

Sau chiến công xuất sắc ngày đầu ra trận ấy, Nguyễn Quang Lộc đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba và được đi báo cáo thành tích với Bộ Tư lệnh Miền.

Mặc dù lập công lớn trong ngày đầu ra trận, nhưng xạ thủ Nguyễn Quang Lộc không thỏa mãn, mà ngày đêm học tập, miệt mài nghiên cứu, nhằm tìm ra cách đánh địch hiệu quả hơn.

Bởi sau hai lần bị bắn hạ, dường như địch đã nắm được chiến thuật của ta, nên thay đổi tác chiến, cố tình bay thấp, hoặc triệt để lợi dụng các đám mây để ẩn nấp, có lúc bay liên tục, rồi ngoặt gấp để tránh làn đạn phòng không.

Cùng với đó, mỗi khi sử dụng máy bay ném bom, chúng đều thả pháo sáng để gây nhiễu. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động mới của kẻ thù, Nguyễn Quang Lộc cùng đồng đội tiếp tục giáng cho địch những đòn chí mạng.

Ngày 11/11/1972, anh bắn rơi chiếc máy bay thứ ba của địch tại Tây Ninh. Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 18/12 năm ấy, Nguyễn Quang Lộc bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay L19 trên bầu trời Kiến Đức (Đắc Nông).

Sau chiến công này, anh được phong cấp bậc Hạ sĩ, được kết nạp vào Đảng ngay tại mặt trận. Như vậy chỉ trong 2 năm chiến đấu, Nguyễn Quang Lộc đã tham gia nhiều trận đánh trên khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ, tiêu diệt 4 máy bay Mỹ gồm 3 kiểu loại khác nhau.

Với những chiến công xuất sắc đó, anh được bình bầu là 1 trong 3 xạ thủ bắn giỏi của Tiểu đoàn 172, thuộc Đoàn 75 pháo binh Miền Đông Nam bộ.

Xạ thủ tên lửa Việt Nam kỳ tài, sát cánh chiến đấu cùng đặc công Rừng Sác: Lập công lớn - Ảnh 3.

Xạ thủ Nguyễn Quang Lộc tại buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Sát cánh chiến đấu cùng đặc công Rừng Sác

Do lập nhiều chiến công xuất sắc, tháng 5/1974, Hạ sĩ Nguyễn Quang Lộc là một trong số các xạ thủ tên lửa A72 được giao nhiệm vụ phối hợp với Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, theo thông tin của lực lượng tình báo, biệt động ta báo ra, đã luồn sâu vào vùng kiểm soát của địch, bí mật, bất ngờ nổ súng tiêu diệt một mục tiêu quan trọng của chúng.

Đây là nhiệm vụ đặc biệt và đầy thử thách bởi có thể hy sinh hoặc rơi vào tay giặc bất cứ lúc nào.

Nhớ lại quãng thời gian gần 1 năm tham gia chiến đấu gian khổ, khốc liệt tại chiến trường Rừng Sác ấy, Nguyễn Quang Lộc tâm sự: "Mặc dù chẳng biết đến bao giờ chiến tranh mới kết thúc, nhưng anh em chúng tôi ai cũng vững một niềm tin sắt đá vào chiến thắng cuối cùng".

Xạ thủ tên lửa Việt Nam kỳ tài, sát cánh chiến đấu cùng đặc công Rừng Sác: Lập công lớn - Ảnh 4.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Quang Lộc.Anh hùng Nguyễn Quang Lộc phát biểu trong một cuộc gặp mặt truyền thống Bạn chiến đấu tên lửa A72.

Và rồi ngày đó cũng đến. Đó là ngày 9/3/1975, Nguyễn Quang Lộc cùng đồng đội được lệnh hành quân thần tốc về Sài Gòn, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 25/4/1975, được sự giúp đỡ, chỉ đường của nhân dân, tổ A72 của anh đã áp sát quận Gò Vấp, sẵn sàng tiêu diệt và khống chế máy bay địch ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hỗ trợ cho xe tăng, bộ binh của ta tiến công giải phóng Sài Gòn.

Vào 9 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, có một máy bay C119 của địch bay lượn nhiều vòng trên đầu, liên tục bắn pháo hiệu và hỏa lực xuống đội hình ta. Tuy nhiên, chiếc cánh bằng ma mãnh này đã lọt vào tầm ngắm của chiến sĩ tên lửa A72 Nguyễn Quang Lộc.

Ngay lập tức anh nhấn cò, một "mũi tên xanh" đã lao vút lên trúng chiếc máy bay địch khiến nó bùng cháy tan xác ngay trên bầu trời Sài Gòn. Đây là chiếc máy bay chỉ huy đang tìm cách ngăn chặn đà tiến công của Quân Giải phóng.

Chiến công trước ngày toàn thắng 30/4 có ý nghĩa rất lớn, sống mãi trong ký ức của Nguyễn Quang Lộc và đồng đội - những xạ thủ tên lửa Việt Nam kỳ tài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại