Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Xuất sắc thăng hạng lên Bảng 1 Tank Biathlon - Điều gì chờ đợi Việt Nam?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Nếu không có gì thay đổi, từ mùa giải Tank Biathlon 2021, Việt Nam sẽ lên thi đấu ở Bảng 1 với các quốc gia hùng mạnh về xe tăng như Nga, Trung Quốc, Belarus...

Và một câu hỏi lớn mà đông đảo người hâm mộ đặt ra là: Ở sân chơi lớn đó, Đội tuyển xe tăng Việt Nam sẽ thể hiện như thế nào?

Nhìn lại 3 năm tham gia Tank Biathlon

Mặc dù tuổi đời khá trẻ so với các binh chủng khác trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, song Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG) đã lập rất nhiều chiến công vẻ vang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Hiện nay, trong điều kiện hòa bình, thống nhất, cán bộ chiến sĩ toàn Binh chủng Binh chủng Tăng Thiết giáp vẫn đang ngày đêm luyện tập nhăằm nâng cao sức mạnh chiến đấu, góp phần cùng toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, bảo vệ cuộc sống an lành hạnh phúc của nhân dân.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn nghèo, chưa có điều kiện mua sắm các trang bị mới nên cho đến nay, hầu hết trang bị trong biên chế các đơn vị TTG vẫn là những chiếc xe tăng T-54, T-55 có tuổi thọ đã vài chục năm, trong đó có nhiều chiếc đã tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Năm 2013, theo sáng kiến của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, một sân chơi mới mang tên "Hội thao quân sự quốc tế" - Army Games ra đời nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa quân đội các nước anh em, bạn bè, trong đó có giải đấu xe tăng Tank Biathlon và ngày càng rộng mở.

Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, mãi tới năm 2018 Việt Nam mới bắt đầu tham gia Army Games với 3 nội dung. Tiếp đó, năm 2019 tăng lên 8 nội dung và năm 2020 là 11 nội dung. Trong cả 3 năm đó thì Binh chủng TTG Việt Nam đều cử đội tuyển xe tăng tham gia thi đấu.

Khó khăn lớn nhất khi nhận lời tham gia giải đấu Tank Biathlon 2018 đối với Bộ đội xe tăng Việt Nam là trong biên chế của QĐND Việt Nam chưa hề có một chiếc xe tăng T-72B3 nào.

Các số liệu cơ bản và quy trình thao tác, sử dụng có được chủ yếu thông qua một số cán bộ đã được đào tạo ở Nga về song cũng chỉ là T-72, những phiên bản đầu tiên, lạc hậu nhiều so với T-72B3 được dùng để thi đấu chính thức.

Muốn đi thi thì phải luyện tập cho giỏi. Thế mà lại không có T-72B3 trong tay, đội tuyển xe tăng Việt Nam bắt buộc phải luyện tập trên những chiếc T-54 cũ kỹ, mặc dù đã được cải tiến song có quá nhiều điểm khác biệt với T-72B3.

Ngoài ra, còn một số khó khăn khác nữa như thao trường luyện tập chật hẹp, số nhiên liệu, số đạn được sử dụng hạn chế v.v...

Trong điều kiện đó, đội tuyển xe tăng Việt Nam mang đến Tank Biathlon 2018 một quyết tâm to lớn. Chỉ được làm quen ít giờ trên xe T-72B3, họ đã lên xe dự thi. Kết quả cuối cùng, Việt Nam về thứ 17/22 đội dự thi, xếp trên một số nước như: Lào, Angola, Zimbabwe... và không được vào đấu bán kết. Điều đó cũng hoàn toàn hợp lý.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Xuất sắc thăng hạng lên Bảng 1 Tank Biathlon - Điều gì chờ đợi Việt Nam? - Ảnh 2.

Sang năm 2019, thấu hiểu những khó khăn mà đội tuyển Việt Nam gặp phải, theo đề nghị của phía Việt Nam, Bộ Quốc phòng Nga đã cho phép đội tuyển Việt Nam sang sớm khoảng gần 1 tháng để làm quen xe tăng T-72B3.

Nhờ vậy, đội Việt Nam đã mang đến Tank Biathlon 2019 một gương mặt mới. Cùng với sự cải tiến Quy chế giải đấu, họ đã không chỉ vào chung kết mà còn giành ngôi vị thứ nhì của Bảng 2, chỉ thua đội Uzbekistan, xếp hạng 14/23 đội tham gia.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Xuất sắc thăng hạng lên Bảng 1 Tank Biathlon - Điều gì chờ đợi Việt Nam? - Ảnh 3.

Năm 2020, do đại dịch Covid-19, số nước tham gia Tank Biathlon chỉ còn 16. Bởi vậy, tât cả các đội nếu đủ 3 kíp dự thi đều được vào vòng bán kết. Trong thực tế, ở Bảng 2 chỉ còn có 5 đội dự thi để lấy 4 đội vào chung kết. Đội Việt Nam vào chung kết và giành huy chương Vàng, đứng ở ngôi đầu, xếp thứ 9/16 đội dự thi.

Nhìn lại quá trình dự thi của Đội tuyển xe tăng Việt Nam có thể nhận thấy có sự tiến bộ liên tục và thứ hạng liên tục được cải thiện. Từ vị thế một đội "lót đường" năm 2018 tiến lên hạng nhì bảng 2 năm 2019 và giải nhất Bảng 2 năm 2020.

Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích về mặt thành tích trong thi đấu thì biểu đồ không đi lên một cách thuận chiều như vậy. Hãy xem xét thời gian hoàn thành nhiệm vụ của mỗi kíp xe, vì đánh giá về kỹ năng sử dụng trang bị nên chỉ lấy thành tích ở vòng thi đơn xe:

Nếu như vòng loại năm 2018, thành tích trung bình hoàn thành nhiệm vụ của một kíp xe Việt Nam là 43,5 phút thì sang năm 2019 đã tiến bộ vượt bậc là 34 phút, giảm được gần 10 phút. Tuy nhiên, sang năm 2020 thì lại tăng lên - phải mất 35 phút mới hoàn thành nhiệm vụ.

Từ kết quả này có thể rút ra đôi điều: sở dĩ năm 2019 có sự tiến bộ vượt bậc so với năm 2018 là bởi đội tuyển Việt Nam đã có thời gian gần 1 tháng tập huấn trên xe tăng T-72B3 trước khi vào giải.

Những kỹ năng sử dụng xe tăng T-72B3 của các tuyển thủ được hình thành trong đợt tập huấn này dẫu chưa thật thuần thục đến mức kỹ xảo song đã giúp đội tuyển Việt Nam tiến rất xa.

Năm tiếp theo, các tuyển thủ lại trở về luyện tập trên những chiếc T-54 quen thuộc. Do có sự khác nhau về tính năng, về các cơ cấu điều khiển... nên những kỹ năng đã hình thành trước đó lại tạm phải quên đi để sử dụng loại trang bị cũ này.

Những kỹ năng đó chỉ được phục hồi một phần khi họ có vài giờ làm quen lại trước giải đấu (trong tình trạng không nổ máy). Có lẽ đó chính là lý do làm thành tích trung bình của đội năm 2020 sụt giảm so với năm 2019.

Và có lẽ sẽ không sợ sai khi nói thành tích mà Đội tuyển Việt Nam đạt được năm 2019 sẽ là "trần", là giới hạn nếu họ cứ tiếp tục luyện tập trên T-54 rồi sang thi đấu trên xe tăng T-72B3.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Xuất sắc thăng hạng lên Bảng 1 Tank Biathlon - Điều gì chờ đợi Việt Nam? - Ảnh 4.

Điều gì chờ đợi đội tuyển Việt Nam khi lên thi đấu ở Bảng 1?

Nếu không có gì thay đổi, với thành tích vô địch Bảng 2 năm 2020, đội Việt Nam sẽ lên thi đấu tại Bảng 1 mùa giải Tank Biathlon 2021 trở đi. Và tất yếu là tại đây, chúng sẽ phải đương đầu với rất nhiều đội mạnh đã sở hữu T-72 từ lâu cũng như có kinh nghiệm thi đấu nhiều năm.

Đó sẽ là một khó khăn vô cùng lớn bởi khoảng cách về mặt thành tích giữa Việt Nam với các đội ở Bảng 1 nhìn chung còn khá xa. Trong vòng loại giải đấu 2020 vừa rồi, thành tích tốt nhất là của đội Nga với thời gian hoàn thành nhiệm vụ trung bình một kíp đấu là 19,5 phút, kém nhất là đội Kyrgyzstan cũng chỉ mất 28,3 phút.

Như vậy, đội kém nhất của Bảng 1 năm nay cũng nhanh hơn đội tuyển Việt Nam đến gần 7 phút. Đó quả thật là một khoảng cách khá lớn và rất khó để bắt kịp và vượt qua. Và tất nhiên, nếu không san bằng được khoảng cách ấy sẽ không vào được bán kết chứ đừng nói gì đến chuyện huy chương.

Ngoài ra, khi đại dịch đi qua sẽ có sự trở lại của một số đội mạnh nữa như: Armenia, Ấn Độ, Mông Cổ, Venezuela... Khi đó, cửa vào bán kết sẽ càng hẹp hơn và càng trở nên xa vời hơn với tầm tay của đội tuyển Việt Nam.

Bởi vậy, để có thể khẳng định được mình tại sân chơi Tank Biathlon, để có thể chơi "ngang ngửa" bên cạnh những đội tuyển mạnh thì đội tuyển Việt Nam cần phải tạo ra sự đột phá, phải "chọc thủng cái trần" đang chụp trên đầu mới có thể tiến về phía trước được.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Xuất sắc thăng hạng lên Bảng 1 Tank Biathlon - Điều gì chờ đợi Việt Nam? - Ảnh 6.

Để cải thiện thành tích, Việt Nam cần phải làm gì?

Chúng ta đều biết để gặt hái được thành công trong các giải đấu đỉnh cao - kể cả thể thao hay các lĩnh vực khác thì yếu tố mang tính quyết định là bản lĩnh của đội tuyển.

Bản lĩnh đó được hợp thành bởi kỹ năng của cá nhân các tuyển thủ theo chuyên môn của mình kết hợp với trình độ hiệp đồng trong từng kíp xe và đấu pháp, chiến thuật của lãnh đội.

Trong các yếu tố trên thì kỹ năng, khả năng chuyên môn của các tuyển thủ mang tính quyết định nhất, là cái gốc của mọi vấn đề, là cơ sở để hợp đồng tốt và cũng là cái nền móng để người chỉ huy triển khai đấu pháp của mình.

Đương nhiên, kỹ năng chuyên môn không tự nhiên có được mà chỉ được hình thành sau một quá trình luyện tập lâu dài, bền bỉ.

Từ những kỹ năng học thuộc ban đầu dần dần nâng lên mức thành thạo, thuần thục và cao hơn nữa thành kỹ xảo - nghĩa là người sử dụng có thể hành động không cần suy nghĩ xem thứ tự thế nào mới đúng và đặc biệt, còn có thể sáng tạo, cải tiến cho nó hợp ký hơn.

Đó là cả một quá trình luyện tập lâu dài, kiên trì và rất gian khổ. Chẳng thế, trong Binh chủng TTG Việt Nam đã từ lâu lưu truyền câu ca dao: "Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi" đó thôi.

Song để hình thành được kỹ năng kỹ xảo một cách vững chắc ngoài sự bền bỉ luyện tập của tuyển thủ cần có phương tiện bảo đảm cho quá trình luyện tập đó.

Và tất nhiên là khi đã luyện tập thành thục trên một loại phương tiện nào đó thì khi chuyển sang loại phương tiện khác cần phải làm quen và luyện tập lại từ đầu.

Đó chính là khó khăn mà đội tuyển xe tăng Việt Nam gặp phải trong những năm vừa qua.

Luyện tập trên T-54 đã thành kỹ năng. Khi sang thi đấu trên xe tăng T-72B3, kỹ năng đó phải quên đi để hình thành kỹ năng mới và như phân tích ở phần trên, họ khó có thể chọc trần, vượt qua giới hạn. Nếu có vượt qua chắc chẳng đáng bao nhiêu.

Kết luận lại, để nâng cao thành tích trong thi đấu, đội tuyển Việt Nam cần và phải được luyện tập thường xuyên trong thời gian dài trên chính phương tiện mà họ sẽ thi đấu, trong những điều kiện tương đương về thao trường, bia bãi v.v..

Tất nhiên, vấn đề này nằm ngoài tầm tay của đội tuyển mà thuộc về các cơ quan ở cấp cao hơn. Rất mong các cơ quan có thẩm quyền lưu tâm đến vấn đề này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại