Vụ 5 triệu yen chứa trong thùng loa: Tòa sẽ phán xét?

Võ Hương - Bảo Bình - Trà My |

Công an có quyền điều tra, xác minh tài sản trong vụ 5 triệu yen chứa trong thùng loa hay không? Hay việc xác định chủ sở hữu là việc của tòa?

Vụ việc 5 triệu yen Nhật chứa trong thùng loa vì cho rằng xuất hiện tình tiết mới nên cơ quan công an Q.Tân Bình (TP.HCM) đã có văn bản đề nghị cần có thời gian để tiếp tục điều tra, xác minh vụ việc.

Vậy theo quy định của pháp luật, công an có thẩm quyền điều tra, xác minh vụ việc hay không?

Công an chỉ giữ và trả lại tài sản

Theo luật sư (LS) Hồ Ngọc Diệp, Đoàn luật sư TP.HCM, tinh thần quy định tại các điều 239, 241 Bộ luật dân sự (BLDS) về xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu hay vật do người khác đánh rơi, bỏ quên… thì trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã hoặc cơ quan công an, được xác định chung, là nơi có thẩm quyền tiếp nhận, thông báo và giao trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

Ngoài những công việc nêu trên, điều luật không có quy định nào nói rõ trong thời hạn thông báo công khai, nếu có người đến nhận tài sản thì UBND cấp xã, cơ quan công an có thẩm quyền xem xét công nhận hoặc bác bỏ tư cách sở hữu của họ hay không. 

Và việc xem xét công nhận hay bác bỏ tư cách sở hữu này sẽ được tiến hành theo trình tự, thủ tục nào?          

Điều tra, xác minh để xác định chủ sở hữu là việc của tòa

LS Hồ Ngọc Diệp khẳng định căn cứ vào các quy định chung của BLDS cũng như phần xác định về thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) hiện hành, có thể thấy bất kỳ quan hệ pháp luật nào liên quan đến tài sản và quyền sở hữu, một khi đương sự có yêu cầu công nhận hay tranh chấp đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Bà Phạm Thị Ngọt trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ - Ảnh: Đức Thanh

Trong vụ việc này, mặc dù hiện nay các đương sự chưa có tranh chấp nhưng bản thân bà Ngọt đã có đơn yêu cầu công nhận số tiền 5 triệu yen là của mình.

Trong khi đó theo quy định của pháp luật, cơ quan công an lại không có thẩm quyền công nhận hay xác định quyền sở hữu  tài sản thuộc về ai.                   

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (giữa) đã làm đơn khiếu nại Công an quận Tân Bình về số tiền 5 triệu yen Nhật

LS Hồ Ngọc Diệp cho biết để đảm bảo việc xử lý tài sản đúng pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan (công an hay tòa án) trước hết cần căn cứ vào nội dung tường trình sự việc của bà Ngọt.

Theo đó, nếu bà Ngọt cho rằng số tiền trên là tài sản thuộc sở hữu riêng của chồng bà thì về nguyên tắc, phải chính người chồng đến xin nhận lại tài sản.

Việc bà Ngọt có đơn yêu cầu được nhận lại tài sản trong trường hợp này là không hợp pháp vì bà không phải là chủ sở hữu tài sản.                        

Cũng vì không phải là chủ sở hữu tài sản nên sự xuất hiện của bà Ngọt không có ý nghĩa pháp lý, không làm gián đoạn thời hạn thông báo công khai theo quy định tại các điều 239, 241 BLDS.

Và như vậy, tính đến thời điểm này, thời hạn thông báo công khai đã hết nên số tiền trên mặc nhiên được xem là tài sản không xác định được chủ sở hữu.

Trái lại, nếu bà Ngọt cho rằng số tiền trên là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng bà, và nay bà có đơn đề nghị được nhận lại tài sản thì cần xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc trong trường hợp này thuộc về tòa án - LS Hồ Ngọc Diệp cho biết thêm.

LS Hà Hải, đại diện pháp lý cho chị Hồng, cũng cho rằng việc cơ quan Công an Q.Tân Bình dừng trao trả tài sản 5 triệu yen lại cho chị Hồng là không đúng.

Vì trong trường hợp ông Caleb Afolayan (quốc tịch Nam Phi) mà bà Ngọt gọi là chồng có đầy đủ chứng cứ chứng minh tài sản thì bà Ngọt cũng không đủ tư cách đứng ra làm đương sự đòi lại tài sản, vì giữa bà Ngọt và ông Caleb không có giấy tờ đăng ký kết hôn.

Ngoài ra, bà Ngọt cũng không đưa ra được giấy tờ hay bằng chứng nào xác minh đó là tài sản của chồng bà.

Trong trường hợp đó, cơ quan công an có quyền bác bỏ yêu cầu nhận lại tài sản của bà Ngọt vì không đủ cơ sở pháp lý.           

Nếu cần thiết sẽ khiếu kiện ra tòa án

LS Hà Hải cũng đề nghị Cơ quan Công an Q.Tân Bình căn cứ theo điều 239 BLDS, trao trả lại số tiền cho chị Hồng và kết thúc vụ việc.

Phía chị Hồng và LS Hà Hải cũng chờ xem phản hồi của Cơ quan Công an Q.Tân Bình để có những bước chuẩn bị kế tiếp.

Trong trường hợp quyền lợi chính đáng của chị Hồng bị xâm phạm thì phía LS Hải sẽ giúp chị Hồng gửi đơn khiếu kiện lên tòa án.

LS Hà Hải khẳng định hiện nay lẽ phải nghiêng về chị Hồng chứ không phải bà Ngọt.

Theo LS Nguyễn Văn Hậu, cần khuyến khích tính trung thực và sự tử tế của người dân trong việc nhặt được của rơi trả lại người mất.

Việc bà Ngọt xuất hiện vào phút chót và đến thời điểm hiện tại bà cũng không phải là đương sự của vụ việc và cũng chưa chứng minh được chồng bà là chủ của tài sản 5 triệu yen, nên nếu sau khi giao trả tiền cho chị Hồng có nảy sinh tranh chấp giữa chị Hồng và bà Ngọt hay một đương sự mới thì lúc đó bà Ngọt có thể khiếu kiện ra tòa án đề nghị giải quyết tranh chấp theo luật tố tụng dân sự - LS Hậu cho biết thêm.

>> "Đột nhập" tổ ong kỳ lạ đáng giá cả gia tài không ai dám trộm

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại