Một người bạn của tôi đến từ nước Pháp đã nhún vai sợ hãi khi chứng kiến cảnh chen lấn rất khủng khiếp của một đám đông khi cánh cửa xe buýt vừa bật mở đón khách.
Trong đám đông ấy ai cũng vội, ai cũng muốn lên xe trước tiên để giành lấy chỗ ngồi thoải mái nhất. Để thỏa mãn bản thân nhiều bạn trẻ quên mất rằng trong đám đông cùng lên xe khi ấy còn có một bà cụ hai tay xách hai chiếc làn nặng trĩu.
Chuyện thường tình ở những điểm chờ xe buýt
Rồi nếu vào một đẹp trời bạn đang lịch sự xếp hàng ở cây xăng thì cũng đừng quá bực mình nếu có một người từ sau phóng xe tới "vượt mặt" tranh lượt đổ xăng với bạn. Sự thật đáng buồn ấy bây giờ đã trở thành "chuyện thường tình ở huyện".
Nhiều người không thích xếp hàng vì họ không thích chờ đợi, họ phớt lờ những cặp mắt tròn xoe ngạc nhiên pha chút bực tức của những người phía sau đang ném về phía mình. Còn những người bị "vượt mặt" thì chỉ biết tặc lưỡi bụng bảo dạ: "Ờ, người ta chả dại xếp hàng làm gì cho mất thì giờ, mình lịch sự hóa ra mình dại".
Ở nước ta bây giờ ngay cả những lúc bình yên nhất, người ta vẫn thích bon chen, xô lấn nhau. Đấy chính là một trong những căn nguyên khiến hình ảnh Việt Nam không được đẹp trong mắt những vị khách quốc tế.
Một ngày nếu tình cờ lọt vào giữa đám đông háo hức chờ mua hàng khuyến mãi vào giờ vàng ở các siêu thị thì bạn sẽ bực tức kết luận rằng văn hóa xếp hàng ở Việt Nam đã chết từ lâu rồi.
Người ta nhốn nháo, người ta luồn lách, thậm chí là giẫm đạp lên người khác để mua được món đồ yêu thích với giá hời. Hóa ra ở thời này, kẻ mạnh phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ của bản thân.
Bàn về văn hóa xếp hàng lại nhớ đến lá thư được TS Hà Minh Thành - một người Nhật gốc Việt chia sẻ trên trang blog của một người bạn sau khi thảm họa kép động đất - sóng thần ập xuống Nhật Bản.
Nội dung bức thư kể về một cậu bé 9 tuổi, là nạn nhân trong trận thiên tai, đang đứng chờ phát thực phẩm, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi trong khi trời rất lạnh.
TS Thành đã đưa cho cậu bé phần lương khô mang theo của anh và nói cậu hãy ăn cho đỡ đói vì cậu bé xếp cuối hàng. Cậu bé cảm ơn anh và mang phần lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.
TS Thành rất ngạc nhiên, hỏi lại cậu bé tại sao lại làm như thế và anh nhận được câu trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".
Người dân Nhật xếp hàng nhận khẩu phần lương thực tại một siêu thị ở Ogawara, tỉnh Miyagi sau khi thảm họa đi qua
Trong những hoàn cảnh khốn cùng nhất, người Nhật từ những cụ già cho đến đứa trẻ 9 tuổi vẫn bình thản xếp hàng. Điều đó đủ cho thấy lòng tự trọng và trách nhiệm xã hội của họ lớn đến đâu đồng thời giải thích tại sao nước Nhật phát triển và cả hồi sinh mạnh mẽ đến như vậy.
Những đám đông nhốn nháo có lúc còn hung hãn ở nước mình bây giờ chẳng phải là biểu hiện của lòng ích kỷ đó sao. Ra là xã hội càng phát triển, người ta quen được ấm êm thì lòng ích kỷ lại càng lớn hơn.
Đôi khi giữa những lộn xộn của cuộc sống hiện tại, nhiều người thèm được quay về thời bao cấp vô cùng - thời ấy thiếu thốn trăm bề nhưng người ta luôn biết xếp hàng để chờ hứng từng xô nước, mua từng cân gạo, lạng thịt bằng tem phiếu.