Ra hàng trà đá hay ngồi quán phở chốc chốc lại thấy có người lắc đầu trước hành động “khóa môi” ngay dưới sân khấu sáng ánh đèn kia.
Dư luận không còn quá khắt khe với việc người nọ hôn người kia nơi đông người như trước kia. Có chăng chỉ là vài ba bài viết phản ánh mà người ta cũng sẽ quên ngay sau đó. Thế nhưng dư luận chẳng thể ngồi yên trước hành động ca sĩ “khóa môi” nhà sư trong buổi bán đấu giá vật phẩm với mục đích tốt đẹp quyên tiền giúp một người bạn đồng nghiệp vượt qua cơn bạo bệnh.
Ca sĩ "khóa môi" nhà sư tại phòng trà - câu chuyện thu hút sự chú ý của dư luận trong suốt tuần qua.
Tạm thôi không nói về nụ hôn tai tiếng kia, xin phép được tạt sang câu chuyện con cái “vứt” bố ra hè phố cũng từng khiến dư luận sôi sục mấy tháng trước. Ông cụ năm nay 87 tuổi – là bố của những đứa con vương trưởng và thành đạt nhưng lại phải gặm nhấm một nỗi đau không sao tả siết ấy là việc con cái "vứt" mình ra đường.
Thói đời có con cái nhà ai lại mang bố mình ra hè phố nằm khi ông cụ vừa xuất viện? Hè phố hôm đó khi thì ướt nhèm nhẹp vì nước mưa lúc lại nóng hầm hầm vì trời nắng lên. Con đường hôm đó vẫn đông đúc như mọi ngày, người qua lại không ngớt.
Các con cháu của cụ mắt ai nấy đều hãy còn tinh tường nhưng vì những lợi ích của riêng mình mà họ phải giả vờ câm điếc cả. Người đời có kéo đến nhìn ông cụ thương cảm hay xì xào bàn tán thì cũng mặc kệ. Họ biện minh cho cách cư xử vô văn hóa của mình rằng: Họ thương bố lắm nhưng vì bất đắc dĩ nên mới phải làm vậy.
Hai câu chuyện trên là cách ứng xử của người lớn, còn giới trẻ thì sao? Mới đây thôi chuyện một chàng trai trẻ công khai dè bỉu những người thợ xây trên trang Facebook cá nhân của mình đã khiến không ít người chạnh lòng.
Trong con mắt của người này, hình ảnh những người thợ xây tỉnh lẻ “nhai cơm, húp canh” thật chẳng khác nào “lợn ăn cám”. Cách ví von phản văn hóa của chàng trai trẻ sau đó đã nhận được vô số những phản ứng gay gắt từ dư luận.
Đó là một trong vô số những biểu hiện coi khinh người lao động bình dân, cũng là thái độ coi thường dân tỉnh lẻ trong một số người thành phố mà bấy lâu nay vẫn tự cho mình sang trọng hơn người.
Có một điểm chung trong ba câu chuyện được nhắc đến ở trên là tất cả những nhân vật chính đều hành động rất “vô tư” và không hề biết sợ “gạch đá” của thiên hạ. Có lẽ với họ trên đời này không còn tồn tại bất cứ một ranh giới nào. Việc họ nói gì hay làm gì trước tiên là để sướng mồm, sướng tay mình.
Sự sai lệch trong suy nghĩ đã khiến một bộ phận người Việt quên mất những giá trị đẹp đẽ của dân tộc - nhân tố góp phần quan trọng trong việc điều tiết mối quan hệ nhịp nhàng giữa người với người từ hàng nghìn năm qua. Văn hóa ứng xử ở thời hiện tại vì thế mà có những vết nám những chỗ thô ráp không khác gì vỏ cam sành – như lời ví von đầy chua xót của người đàn ông già bán trà đá trong câu chuyện tếu táo với cánh thanh niên chúng tôi.