4 - 5 năm nữa giao thông HN sẽ phức tạp
Phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào sáng nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chung cho biết, bình quân hàng tháng, Hà Nội có đăng ký mới 18.000- 22.000 xe máy, 6.000-8.000 xe ô tô.
Với tốc độ này, chưa tính đến 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm sẽ tăng lên, đến 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô, chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang và các tỉnh vào Hà Nội và sẽ có 7 triệu xe máy.
"Hà Nội đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Chỉ cần với tốc độ như hiện nay nếu không có ngay giải pháp thì 4 - 5 năm nữa vấn đề giao thông phức tạp”, tướng Chung nói.
Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị Chính phủ rà soát, phê duyệt qui hoạch thoát lũ; qui hoạch hệ thống đê điều sông Hồng và sông Thái Bình để các địa phương căn cứ quản lý theo qui hoạch và khai thác các vùng đất ngoài đê.
Hiện nay, qua thống kê, dân ở ngoài đê thuộc quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên có khoảng 35 vạn. Do vướng Luật Đê điều nên toàn bộ các công trình hạ tầng liên quan trường học, y tế… ở ngoài đê không thể xây dựng được.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp xuống các vùng này, đề nghị Chính phủ sớm có quy định để giúp các vùng này của Hà Nội và các tỉnh ven sông Hồng xây dựng công trình an sinh xã hội cho người dân.
Trong phần báo cáo, đánh giá về nhiệm vụ công tác năm 2015, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết:
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TP HN cũng nhận thấy cũng còn một số hạn chế là hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN còn gặp khó khăn, có những việc liên quan đến thủ tục, hành chính chưa được tháo gỡ kịp thời.
Quản lý đô thị có chuyển biến nhưng còn xảy ra những vụ việc gây bức xúc dư luận như xây dựng trái phép, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính, xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan còn hạn chế…
Cùng với đó, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP. HCM đề nghị CP chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN...
Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho DN thông qua xây dựng các hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và phòng vệ để DN chủ động trước sức cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu.
Ông Phong cũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên ODA cho các dự án lớn trên địa bàn nhưng xe buýt nhanh, nạo vét luồng Cửa Đạt, cải thiện môi trường nước giai đoạn 3, danh mục mục tiêu Quốc gia…
Hỗ trợ cơ chế tạo vốn để phục vụ cho phát triển giao thông cho TP HCM...
Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 8 năm
Trước đó, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp.
Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; thị trường tài chính ổn định. Công tác quản lý thu-chi NSNN đươc tăng cường, thu NSNN cả năm ước vượt dự toán.
"Kinh tế tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua, vượt mục tiêu đề ra, tạo đà cho sự phát triển 5 năm tới", Bộ trưởng Vinh nói
Sản xuất công nghiệp có mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai và đạt nhiều kết quả; chính sách phát triển thủy sản, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia được chú trọng.
Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, sức mua và tổng cầu được cải thiện đáng kể....
Cơ cấu lại nền kinh tế đạt được nhiều kết quả; môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu được cải thiện đáng kể; hoạt động phát triển doanh nghiệp trong nước chuyển biến tích cực.
Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt khá, đặc biệt là thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cũng nêu rõ:
Trong năm 2016 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP;
Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%...
Dự thảo Nghị quyết cũng nhấn mạnh, trong năm 2016 sẽ quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương.
Chỉ bổ sung dự toán chi ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp trong năm 2016 cho các địa phương thực sự khó khăn, không có khả năng cân đối ngân sách nhà nước.