“Bưởng” vàng đất Kim Sơn: Thời vàng son giờ thành tàn tạ

LỆ ANH |

Con sông Xa Phì cuồn cuộn lũ trói chân tôi cùng gần một chục tốp người của các đội vàng khác. Cũng như tôi, những bao tải, gồng gánh thực phẩm mà họ mang vác kia đang trên đường vào vùng vàng Mà Xa Phì, xã Nậm Xây, Văn Bàn, Lào Cai. Nơi nào có dân huyện Kim Sơn đến là nơi ấy có vàng, nơi nào có vàng là có dân Kim Sơn đến.

Những lúc cao điểm, mảnh đất Kim Sơn, Ninh Bình nơi có nhà thờ đá Phát Diệm nổi tiếng có tới hàng trăm đội thợ chuyên tìm vàng toả đi khắp xứ Đông Dương.

Dân Kim Sơn là bá chủ của những bãi vàng và vì thế luôn có vui sướng bất tận cùng những tai ương khủng khiếp đón chờ họ.

Kỳ 1: Theo chân “Bưởng” Kim Sơn đến bãi vàng

Vượt sông

Đội tải lương của chúng tôi mang vác 20 cân thịt lợn muối, 50 cân bí ngô và một tạ gạo, tất cả được chia ra 5 balô cho 5 thanh niên người địa phương vác thuê.

Anh Vực - ông chủ của số hàng - là dân Kim Sơn, Ninh Bình chính hiệu, tôi được người quen - vốn là em họ Vực - gửi gắm ở ga Hà Nội khi Vực về Kim Sơn thanh toán tiền lương.

Hiện Vực đang làm “lái xe” cho đội thợ gần hai chục người trong bãi vàng. Không như chức danh “lái xe” ở trong tù chỉ là chân lon ton sai vặt, “lái xe” của các đội vàng hầu như làm hết mọi chuyện: Mua bán, giao dịch, thưởng phạt...

Còn tướng (hay bưởng) chỉ dùng uy của mình để lập lãnh địa. Cả ngày bên dòng nước lũ, hết ăn lại ra xem nuớc lên xuống, đến sáng ngày thứ hai, Vực quyết định: “Đóng bè! Vượt sông! Một ngày nữa mà không có lương thực là loạn.

Có hơn hai chục đội thợ trong ấy, quá nửa mắc ngoài này rồi. Mấy trăm con nguời thiếu cái ăn, bắn giết nhau như chơi”.

Có 4 bãi vàng là bãi Mán 1, 2, 3, 4 (cách gọi xách mé của dân đào vàng khi đến đây họ chỉ thấy sự xuất hiện của người dân tộc thiểu số). Vừa bước qua tấm biển trơ trọi có dòng chữ “Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn.

Cấm chặt phá rừng...” thì dường như đã bước vào một thế giới khác. Tại chân tấm biển ấy, 5 người - 5 chiếc balô được chia làm 5 hướng: “Muốn đi thế nào thì đi, cấm đi đường chính, miễn chiều tối có mặt tại bãi 4”.

Lý giải cho sự khó hiểu này, ông “lái xe” già đời giải thích: “Đang lúc “giáp hạt”, dễ bị cướp hàng lắm. Đi tụm lại với nhau nó cướp là mất hết, tản ra, nếu có gì cũng còn có tí chút gỡ gạc”.

Đến chiều tối mới vào đầu bãi Mán 4, thật lạ là hôm nay tôi thấy mặt trời xuống núi vàng hơn bao giờ hết, mới thấy câu “mệt vàng mắt” của tiền nhân thuần nghĩa đen.

Gần chục ông tướng người đen trùi trũi, đánh mỗi cái quần cộc từ trong bụi lao ra mừng rỡ: “Hàng về! Hàng về...”.

Một ông liến thoắng: “Anh Vững (tướng của đội thợ - PV) bảo bọn em ra ngoài này đón các anh. Trong ấy đánh nhau mấy trận vì miếng đớp rồi”.

Vùng vàng hoang dã

Chờ ở đầu bãi gần nửa tiếng, 5 vị khuân vác kia mới tập trung đầy đủ, hàng còn nguyên vẹn. Về đến lán đã gần nửa đêm, một chiếc giường vĩ đại vừa là giường vừa là nền nhà làm bằng các thân tre tươi buộc gác lên bốn gốc cây, trên căng bạt nilon.

Vừa trông thấy đoàn về, “tướng” đích thân ra đón: “Vất vả quá, nghỉ đi. May chúng mày vào kịp chứ không thì đêm nay cũng phải cho bọn trẻ con đi làm liều, “khoắng” đâu đó một mẻ”.

Tướng tên là Vững, trái ngược với quan niệm về một bưởng vàng bặm trợn, anh Vững có cái ung dung của một lão phú nông. Cơn mệt rã rời khiến mấy anh em chìm ngay vào giấc ngủ.

Tôi bị đánh thức bằng hàng loạt tiếng mìn nổ liên tiếp, mặt đất cứ rung rinh vài phút đồng hồ, dường như cả quả núi đang nhẩy múa. Anh Vững vừa bảo: “Giờ nổ mìn đấy, có gì lạ đâu. Lúc này đừng xớ rớ ra ngoài, tan xác như chơi”.

Thì ra, hơn hai chục đội thợ ở đây tuy tranh giành nhau từng mét đất, từng cân gạo nhưng lại thống nhất về giờ nổ mìn: 8h và 12h.

Quy định này có quan hệ sinh tử. Số là kiểu đánh “vàng nẹp” thì cứ đào các đường vào sâu trong lòng núi, gặp vỉa đá nào có vàng thì khoan lỗ, nhét thuốc nổ, châm ngòi rồi chui ra chờ nổ xong thì vào hầm khuân đá ra.

Khi nổ mìn thì không chỉ hầm của mình mà tất cả các hầm xung quanh đều có nguy cơ bị sập, vì vậy, phải thống nhất giờ nổ mìn để các đội thợ biết thời gian mà rút ra ngoài trước khi khai hoả.

Sau trận động đất ấy 15 phút, các loại máy xay đá bắt đầu chạy điếc tai, nghiến đá ken két (đá xay xong cho vào bể xyanua, vàng tan trong dung dịch này, gọi là nước heo sau đó phân kim ra vàng).

Sương tan dần, cả bãi vàng hiện ra với bao con người như đột ngột chui từ lòng đất lên (mà có lẽ cũng như vậy thật). Một công trường lớn, mỗi người một việc, tất cả cặm cụi tìm kiếm vận may cho riêng mình.

Một loạt quy định quan hệ đến sinh mạng được thông qua tức thì: Không được đi sau lưng tướng (mưu đồ ám toán à?), không được mò sang bãi vàng hàng xóm, không bắt chuyện hỏi han nhờ vả với các đội thợ khác khi chưa có lệnh, không giữ tiền vàng trong người (nếu là của mình thì phải gửi lái xe).

Có việc đi ra ngoài thì phải thay quần áo mới, thay trước mặt tướng.

Nạn nhân của vụ sập hầm vàng được đưa lên thị trấn Minh Lương cấp cứu. 
Nạn nhân của vụ sập hầm vàng được đưa lên thị trấn Minh Lương cấp cứu. 

Tử thần khắp nơi

Sau hai ngày hì hụi đào hầm mới, cuối cùng họ đã tìm được vỉa đá có vàng. Van nài mãi, tôi mới được phép vào trong hầm vàng. Quyết định này suýt làm tôi phải ngậm hờn dưới lòng đất.

Hầm chỉ đủ để cúi lom khom, tôi cùng hai cậu tiểu yêu là Quân và Long vào trong khuân đá, đèn pin đeo trên trán, trước ngực đeo chiếc balô bằng vải bạt, đi khoảng 50m đã đến chỗ vừa nổ mìn, những hòn đá tách ra từ vỉa đá chứa vàng sàn sàn như nhau bằng chiếc ấm pha chè, đây là tuyệt kĩ của dân Kim Sơn, độ sâu của mũi khoan và hướng khoan theo thớ của vỉa đá cũng như lượng thuốc nổ quyết định sự đều nhau này.

Mỗi balô được nhét 10 viên đá, riêng tôi được ưu tiên 8 viên, balô đeo trước bụng như mẹ địu con lại lom khom ra ngoài.

Xem viên đá, anh Vững bảo “Vỉa “cốm”! Cũng khá đấy”. Đá có chứa vàng được chia làm 4 loại từ cao đến thấp: Nếp, cốm, tẻ, cám. Vỉa “cốm” nếu làm cật lực mỗi ngày cũng được gần 1 cây vàng, nói chung là thắng lợi tương đối.

Bỗng có mấy giọt nước nhỏ thánh thót lên gáy tôi, sực nhớ lời dặn của mấy anh khi trước, tôi rú lên: “Có nước! Long, Quân ơi”, câu vừa dứt thì nước cũng chảy có vòi, ồng ộc từ trần hang chảy xuống, câu nói bị cắt ngang vì tiếng động khủng khiếp của đất đá rơi xuống, thoáng cái đã không thấy ánh đèn pin trong kia đâu, tôi quay người cắm cổ chạy, sao chỉ có 50m mà lại dài thế này? Ánh sáng cửa hầm làm tôi loá mắt, nghẹn thở mất gần nửa phút.

Khi tôi vào rửa qua cái mặt thì anh Vững cũng vừa từ cửa hầm bên cạnh chiếc vừa sập bước ra: “Hầm này còn tốt, đào ngách thông sang bên kia ngay đi, mang ván chống trần vào, chống cho chắc, gặp đá khả năng phải nổ mìn đấy”.

Bây giờ, tôi mới nhận ra tất cả các hầm ở đây đều có đôi, hai đường hầm chạy song song, cửa hầm cách nhau 5m, sáng nổ mìn một hầm, chiều nổ mìn một hầm, kiểu gì cũng phải giữ một hầm trong tình trạng nguyên vẹn.

Tóm lại, hầm này là đường cứu nạn cho đường kia và ngược lại. Không thể vào chiếc hầm vừa sập để moi đất đá vì đào bao nhiêu thì đất đá lại càng sập xuống bấy nhiêu.

Lò dò theo cảm tính, tôi ước lượng khoảng cách và dừng lại: “Đây! Khoảng chỗ này”. Ngắm nghía, ước lượng xong, anh Vững bảo: “Chống trần, từ chỗ này, trước sau 10m, bắt đầu khoan”.

Thật không có gì kinh khủng hơn khi nằm trong hầm sâu mà phải nghe tiếng mũi khoan siết vào đá.

May mắn là không phải nổ mìn, chỉ 5m đường hầm mà mất cả buổi chiều, đường hẹp không thể nhiều người cùng làm, dứt mũi khoan mới chuyển đất đá ra.

Lúc tôi ra mang sẵn cáng, thanh nẹp, dây garo để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất thì trời đã tối om, lúc quay vào, nước chảy ràn rụa trên nền hầm.

Điều này báo một tin vui và một tin không vui. Tin vui là đã đào gần đến hầm bên kia, tin không vui là nước nhiều thế này khả năng hai ông bạn trong kia có thể đã bị ngạt nước. Chết đuối trong lòng núi - điều khôi hài quái đản ấy có thể xảy ra lắm.

Khi đào thông sang hầm bị sập đã thấy hai cu cậu thò đầu ra, thở phì phì, hai khuôn mặt thất thần, trắng bệnh vừa được lôi dưới âm ti lên. Vừa cõi chết trở về, thằng Quân nằm bệt vì đá đè, hình như nó đã chớm bị bệnh hoảng loạn.

Tôi còn hoảng loạn hơn nó, đi viết bài kiếm mấy đồng nhuận bút, chả biết ngu dại thế nào mà lại chui vào cái chốn âm ti, địa ngục ấy. Anh Vực vỗ vai: “Chưa chết được, giời cho chết mới được chết. Dân đào vàng thằng nào chả dính sập hầm dăm bận”.

Cả bọn thất thểu kéo nhau ra ngoài, anh Vững ngồi lại rồi bảo tôi và Long thuê người khênh thằng Quân (bị vỡ xương gót chân) về quê Kim Sơn. (Còn tiếp)

Ông Nguyễn Thanh Tân - nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn (Lào Cai) - cho biết: Trước đây, đã nhiều lần lực lượng của huyện vào giải tán bãi vàng, thu giữ máy móc nhưng do đường xa, khó vận chuyện nên đành phải dùng biện pháp phá hủy máy móc của dân đào vàng tại chỗ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại