Bầy thú hoang dã ở ven sông Hồng: Ta giật mình, Tây lo lắng

Đào Thanh Tuy |

Ngay sau khi thông tin về sự xuất hiện của bầy thú hoang dã ở bãi nổi sông Hồng, nhiều nhà khoa học đã vô cùng ngạc nhiên.

Trong quá trình lần theo dấu chân của loài thú rừng sắp tuyệt chủng này, chúng tôi được biết chúng đang bị đám dân nhậu săn lùng, và ngay cả đám thợ săn thiện nghệ cũng đã “thấy hơi”, đang rình mò tìm đến.

Bảo vệ loài thú rừng quý hiếm này đang là lời khẩn cầu dành cho mọi người, đặc biệt là những cơ quan chức năng liên đới.

Sửng sốt: Bầy thú sắp tuyệt chủng xuất hiện ở ven sông Hồng

Nguy cơ “lên bàn nhậu” của loài thú sống hoang dã ở ven sông Hồng

Giật mình trước thông tin lạ

Anh Trần Quang Phương, Quản lý Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê, thuộc Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm, Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã ngay lập tức liên lạc với chúng tôi sau khi thông tin về bầy thú được đăng tải.

Qua điện thoại, anh Phương cho biết, đó là thông tin thật sự gây sốc và vô cùng quý giá với những người làm công tác bảo tồn động thực vật quý hiếm. Hiện tại, trung tâm cũng đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để bảo vệ loài động vật hoang dã này.

Theo lời mời của anh Phương, chúng tôi đã tìm đến Vườn quốc gia Cúc Phương, đại bản doanh của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã quý hiếm, nơi đang bảo tồn loài thú quý được cho là đã xuất hiện ở bãi nổi sông Hồng.


Chuồng cứu hộ mèo rừng ở Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã, Vườn quốc gia Cúc Phương.

Chuồng cứu hộ mèo rừng ở Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã, Vườn quốc gia Cúc Phương.

Trung tâm cứu hộ nằm dưới tán rừng thâm u. Biết chúng tôi xuống, cán bộ của trung tâm cả người Ta và Tây rất đỗi mừng rỡ. Mọi người đều nói, họ rất bất ngờ trước thông tin mà chúng tôi có được.

Anh Phương bảo, căn cứ theo thông tin mà báo đăng tải thì loài thú hoang dã đang sống ở bãi nổi sông Hồng là dòng mèo rừng. Tuy nhiên, cụ thể thuộc nhóm nào thì cần phải nghiên cứu, khảo sát kỹ càng hơn.

Đó là những động vật quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt!”, anh Phương mở đầu câu chuyện.

Theo anh Phương, trước đây, mèo rừng phân bố ở khắp các cánh rừng từ Bắc- Trung- Nam. Vòng đời của chúng thường từ 13-15 năm. Cá thể mèo rừng trưởng thành có thể sinh sản 2-3 lần trong một năm. Mỗi lứa, mèo rừng đẻ từ 3-5 con.

Theo Nghị định 32 của Chính phủ, mèo rừng được xếp vào loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, và nằm trong nhóm “cấm săn bắn, sử dụng vì mục đích thương mại”.

Mừng như bắt được vàng

Khẳng định loài thú xuất hiện ở bãi nổi sông Hồng là dòng mèo rừng nhưng anh Phương vẫn vô cùng bối rối vì không biết đích xác chúng thuộc loại nào.

Theo anh Phương, cá thể mèo rừng trưởng thành thì trọng lượng cũng chỉ tương đương mèo nhà, nặng từ 2-4kg.

Tuy nhiên, căn cứ vào lời kể của những nông dân ở bãi nổi, những người từng thấy và từng bắt được loài thú này thì chúng nặng tới cả yến thì đó là điều khó hiểu và đáng mừng gấp bội.

“Nếu thế thì chúng là mèo cá rồi, loài này đúng là sắp tuyệt chủng đấy. Ở Việt Nam bây giờ, chúng chỉ còn vài cá thể ở rừng U Minh thôi”, anh Phương mừng rỡ.

Anh Phương cho biết, mèo cá là loài thú quý hiện đang được bảo vệ ở mức nguy cấp. Mức độ này chứng tỏ mèo cá đang được xếp vào nhóm… chuẩn bị tuyệt chủng.

Ở nước ta, các nhà khoa học phát hiện chúng đang sống mãi rừng U Minh Thượng xa xôi. Tuy nhiên, số lượng của chúng cũng không còn nhiều.


Đây là con mèo rừng đang được nuôi tại Vườn quốc gia Cúc Phương, trọng lượng tối đa của chúng chỉ là 4 kg, nhẹ hơn loại mèo mà người dân ở bãi nổi sông Hồng từng nhiều lần bắt được.

Đây là con mèo rừng đang được nuôi tại Vườn quốc gia Cúc Phương, trọng lượng tối đa của chúng chỉ là 4 kg, nhẹ hơn loại mèo mà người dân ở bãi nổi sông Hồng từng nhiều lần bắt được.

“Đầu tháng vừa rồi, Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới cũng đã có cuộc hội thảo ở Nê- Pan về giống mèo này. Những nhà khoa học tham gia hội thảo đều khẳng định, mèo cá đang là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Vì thế, những cá thể mèo cá ở U Minh đang được các tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã đặc biệt quan tâm, chú ý”, anh Phương cho biết.

Theo anh Phương, ngay trong tuần tới, trung tâm sẽ cử cán bộ tới bãi nổi sông Hồng để khảo sát, điều tra về loài động vật quý hiếm này.

“Nếu chúng thường xuyên xuất hiện như vậy thì khảo sát dễ dàng thôi. Chỉ cần đặt bẫy ảnh là có thể biết chúng có phải là mèo cá hay không. Nếu là mèo cá thì đúng là một sự kiện gây sốc đấy”, anh Phương phấn khích.

Cũng theo anh Phương, khi điều tra, khảo sát xong, trung tâm sẽ kết hợp với chính quyền, các cơ quan liên quan thực hiện những biện pháp khẩn cấp để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

“Nếu thấy môi trường sống của chúng phù hợp thì khoanh vùng, tuyên truyền để người dân cùng tham gia bảo vệ. Còn thấy chúng “ngụ cư” ở đó không ổn thì phải tích cách di dời chúng đến nơi phù hợp hơn”, anh Phương chia sẻ.

Vì quý hiếm nên chăm hơn cả… con mình

Anh Phương cho biết, hiện tại trung tâm cũng đang chăm sóc 3 cá thể mèo rừng. Chúng là được người dân cùng các cán bộ trung tâm giải cứu, đưa về đây từ khi còn bé xíu.

“Đưa được chúng về đây và nuôi chúng lớn bằng ngần này không phải là chuyện dễ dàng”, anh Phương nhớ lại.


Cán bộ trung tâm cứu hộ thả mèo rừng về với tự nhiên.

Cán bộ trung tâm cứu hộ thả mèo rừng về với tự nhiên.

Theo lời anh Phương thì cá thể mèo rừng đầu tiên được trung tâm giải cứu từ năm 2007. Theo đó, ngay sau khi nhận được tin báo một hộ gia đình ở Vĩnh Phúc đang nuôi nhốt cá thể mèo rừng này, anh Phương và các cán bộ trung tâm vội vàng tìm đến.

Tới nơi, tận thấy chú mèo rừng nhỏ xíu đang bị giam hãm, anh Phương và các cán bộ trung tâm đã hết lời thuyết phục để gia chủ giao lại con vật quý hiếm ấy. Thuyết phục hết lời, thế nhưng, nghĩ chú mèo có giá trị cao nên gia đình này đã khăng khăng khước từ.

Hết cách, anh Phương phải nhờ cậy đến lực lượng công an và kiểm lâm. Chỉ sau khi những lực lượng này xuất hiện thì gia chủ mới chịu bàn giao con vật tội nghiệp trên.

Đưa chú mèo ấy về, cán bộ trung tâm phải chăm sóc không khác gì… con mọn. Cứ 2 tiếng một lần, bất kể ngày đêm, mọi người phải cho mèo uống sữa.

Không những thế, chú mèo này còn được hưởng chế độ chăm sóc y tế hơn cả… con người. Ngày nào cá thể mèo rừng này cũng được các bác sĩ thú y tới thăm khám, kiểm tra sức khỏe.

Sau 3 tháng uống sữa, chú mèo rừng này chuyển qua chế độ ăn dặm. “Thịt lợn loại ngon được xay, vằm nát được cán bộ trung tâm phục vụ tận miệng. Đúng là con mình còn chả được chăm bằng”, anh Phương chia sẻ.

Theo anh Phương, tới giờ, trung tâm đã phóng thích 10 cá thể mèo rừng về với thế giới tự nhiên. Khi được thả thì những cá thể mèo rừng này đã thuần thục khả năng săn mồi, chống chọi với những hiểm nguy của môi trường hoang dã.

Chuyên gia nước ngoài lo lắng

Heidi Quine, cô gái đến từ nước Úc, hiện đang là cố vấn kỹ thuật của trung tâm. Gặp chúng tôi, Heidi bảo, cô rất lấy làm ngạc nhiên khi biết loài thú quý hiếm trên lại được phát hiện ở bãi nổi sông Hồng, nơi có quần thể dân cư đông đúc.

 


Heidi, chuyên gia đến từ Úc thấy lo lắng cho số phận những con báo mèo được phát hiện ở bãi nổi sông Hồng.

Heidi, chuyên gia đến từ Úc thấy lo lắng cho số phận những con "báo mèo" được phát hiện ở bãi nổi sông Hồng.

Theo Heidi, cô đang vô cùng lo lắng cho số phận những con thú quý hiếm này bởi hiện tại vẫn chưa có cơ quan có trách nhiệm nào biết tới sự tồn tại lạ lùng này, dù chúng đã xuất hiện ở từ năm 1994.

Theo nghiệp bảo tồn động vật hoang dã, cô đã công tác ở nhiều nước, trong đó có cả những nước phát triển. Việc thú rừng xuất hiện ở khu dân cư, chuyện này cô cũng đã thấy nhiều.

Tuy nhiên, với những nơi đó, cô không hề có cảm giác lo lắng. “Họ không hề ăn thịt thú rừng nên việc chúng xuất hiện cũng chẳng có gì đáng ngại, nhưng ở đó thì…”, Heidi bỏ dở câu nói.

Theo Heidi, ở nước cô hay một số nước khác phát triển khác, khi phát hiện thú rừng xuất hiện ở khu dân cư, nếu thấy sự an toàn của chúng hoặc người dân bị đe dọa thì ngay lập tức các chức năng phải có mặt.

“Cơ quan nào ở gần nhất thì phải có mặt đầu tiên, sau đó là cảnh sát, lực lượng cứu hộ”, Heidi chia sẻ.

Cũng theo Heidi, chuyện cả trăm người với trang thiết bị hiện đại, hùng hậu đến để “giải cứu” một con chim hay một con thú bị mắc kẹt trong thành phố ở nước cô là chuyện rất đỗi bình thường.


Không chỉ bị biến thành mồi nhậu, vì có bộ lông đẹp nên loài thú này còn bị săn lùng để làm cảnh. (Ảnh chụp tại một nhà hàng ngay gần Vườn quốc gia Cúc Phương)

Không chỉ bị biến thành mồi nhậu, vì có bộ lông đẹp nên loài thú này còn bị săn lùng để làm cảnh. (Ảnh chụp tại một nhà hàng ngay gần Vườn quốc gia Cúc Phương)

Tại Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm, trò chuyện với chúng tôi, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng chung một nỗi lo lắng như Heidi.

Những chuyên gia này bảo, Việt Nam có nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm. Tuy nhiên, hành vi săn bắn, nhất là thái độ thờ ơ của con người trước cuộc sống của những sinh vật này là nguyên nhân chúng mai một và đi đến… biến mất hoàn toàn.

Chính quyền xã... không biết!

Khi chúng tôi thông tin về sự xuất hiện của loài thú lạ ở bãi nổi sông Hồng trên, ông Nguyễn Văn Như, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Khê đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Ban đầu, ông cho rằng, không thể có thú rừng sống ở đó.

Theo ông Như, vì bãi nổi Văn Quán ở giáp với khu dân cư nên nhiều vật nuôi của người dân như chó, mèo có thể lạc ra đó và biến thành… thú hoang.

Tuy nhiên, sau khi phóng viên đưa ra những thông tin khẳng định loài thú trên không liên quan gì đến… chó, mèo người dân nuôi mà là loài động vật vô cùng quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt thì ông Như nói, ông sẽ cho kiểm tra thông tin này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại