Trong quá trình lần theo dấu chân của loài thú rừng sắp tuyệt chủng này, chúng tôi được biết chúng đang bị đám dân nhậu săn lùng, và ngay cả đám thợ săn thiện nghệ cũng đã “thấy hơi”, đang rình mò tìm đến.
Bảo vệ loài thú rừng quý hiếm này đang là lời khẩn cầu dành cho mọi người, đặc biệt là những cơ quan chức năng liên đới.
Thèm nhậu thì bắt thú rừng
Như chúng tôi đã thông tin ở bài viết trước, ở Văn Quán (Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội) thi thoảng người dân vẫn bắt được báo mèo. “Chỉ khi nào chúng đánh nhau bị thương thì mới bắt được”, ông Phạm Văn Sơn, một nông dân ở bãi nổi này cho biết.
Cũng theo ông Sơn, nhiều năm nay, đám thanh niên trong xóm và vùng lân cận thường hay săn loài động vật quý hiếm này mỗi khi… thèm nhậu.
Loài vật này vô cùng tinh ranh nhưng với đám thanh niên như “ma xó” thì việc “quy hàng” chúng cũng chẳng khó khăn gì.
Anh Nguyễn Văn T., người từng nhiều lần bắt được báo mèo ở bãi nổi.
Hôm chúng tôi tìm đến khu bãi nổi này thì may mắn đã gặp anh Trần Văn T., một “thợ săn” chính hiệu. Nói là thợ săn cho oách vậy thôi chứ anh T. là người có kinh nghiệm trong việc lùng bắt báo mèo.
Theo anh T., để bắt loài báo mèo này thì không thể dùng sức mà phải dùng mưu. Chúng chạy nhanh, thoắt cái đã biến vào những đám lau lách rậm rạp. Và khi đã ẩn mình vào đó rồi thì có mắt thần cũng không thể phát hiện bởi loài vật này là bậc thầy về ngụy trang.
Bởi nắm chắc đặc tính trên nên khi phát hiện ra nơi con mồi có thể ẩn nấp, anh T. và đám thanh niên từ từ khép vòng vây.
“Mọi người phải phát, đánh bạt những bụi có ở gần phía mình. Sau đó mới từ từ tiến vào. Khi không còn chỗ trú ẩn nữa thì lao vào mà vồ thôi.
Nếu bắt không đúng cách để con mồi phản công bằng những cú tát, cú cào chí mạng thì chỉ có mang thương tật suốt đời", anh T. kể.
“Triết lý”… vào nồi!
Biết giá của báo mèo ở quán nhậu cao ngất ngưởng, bán một con có thể nghỉ làm, chơi cả tháng nhưng anh T. không thể làm điều đó. “Mang ra ngoài người ta bắt được thì sợ lắm, chẳng dại”, anh T. thật thà.
Cách đây vài năm, một nhóm thanh niên cũng nghĩ cách săn báo mèo đem ra phố bán. Để an toàn, họ đem loài vật sắp tuyệt chủng này đến “sở thú” để mặc cả. Thế nhưng, nhân viên của sở thú trả với giá rẻ như biếu không.
Nghĩ công sức mình vất vả mới kiếm được “lộc rừng” mà tiền thu lại chả được là bao nên ý định kiếm tiền “đặc sản quê nhà” của đám thanh niên trên đổ bể. “Giờ cứ vớ được con nào là cho vào nồi con ấy”, anh T. bộc tuệch.
Cũng theo anh T., trước đây, đám báo mèo chỉ sống ở đám lau lách cạnh bờ sông nhưng giờ, bởi “dân số” đông, chúng tràn cả vào cánh đồng hoa màu ở gần trong xóm. Thậm chí, trong khu dân cư chúng cũng chẳng sợ sệt mà sẵn sàng viếng thăm.
Theo đó, thời gian gần đây, nhiều gia đình ở Văn Quán bị mất gà, vịt. Ban đầu ai cũng nghĩ do mấy ông nghiện vượt tường vào bắt.
Tuy nhiên, khi có nhà phát hiện nơi góc vườn nhà mình có đống xương gà trắng hếu thì mọi người đã biết thủ phạm là ai. Bởi sợ “những tên trộm tinh ranh” đột nhập nên giờ những nhà ở ria bãi khi nuôi gia cầm thì đều phải đóng lồng sắt cẩn mật.
Nói chuyện loài vật hoang dã này ghé thăm nhà dân, anh T. giật mình bảo: “Không biết có phải do em giết hại nhiều đồng loại của chúng không mà chúng còn đến cả nhà em đấy”.
Cứ khi nào thèm nhậu thì nhiều thanh niên ở Văn Quán lại nghĩ tới báo mèo.
Nhà anh T. ở gần giữa xóm. Theo lời kể của thanh niên này thì chừng 4-5 tháng trước, giữa đêm, một con báo mèo nặng 6 kg đã lọt vào sân nhà anh. Thấy có mùi lạ, mấy con chó trong nhà sủa inh ỏi và hồng hộc đuổi bắt.
Không có đường thoát thân, con vật có gốc gác từ đại ngàn ấy đã vọt thẳng vào nhà.
Thấy tiếng chó sủa ầm ĩ, đồ vật trong nhà đổ vỡ loảng choảng, tưởng nhà có trộm anh T. bật dậy. Khi điện được bật lên thì anh Tiến đã vô cùng ngạc nhiên khi ở góc cầu thang chú báo mèo đang ngồi thu lu.
Anh T. bảo, vài hôm sau kể lại chuyện đó với mọi người, anh đã được phen sởn da gà sợ hãi.
Những “kẻ ngụ cư” bất đắc dĩ
Ở bãi nổi Văn Quán có bao nhiêu cá thể báo mèo? Với những người dân ở đây thì câu hỏi trên thật khó trả lời.
“Không ai biết số lượng của chúng đâu. Càng ngày thì lại thấy chúng càng đông. Nếu mọi người không bắt thì giờ có đến cả nghìn con ấy chứ”, ông Lê Viết Chữ, một lão nông ở thôn này cho biết.
Báo mèo ra cả đường lớn phóng uế.
Cho đến bây giờ nhiều người ở Văn Quán vẫn không biết loài thú rừng này từ đâu mà đến và đến đất này từ khi nào. Ông Phạm Văn Sơn bảo, lần đầu tiên ông thấy loài động vật quý hiếm này là từ năm 1994.
Lần đó, ông cùng người cháu đi soi cá ở bãi lau sậy trên xã Thạch Đà ngay cạnh xã Văn Khê. Bãi lau sậy này liền một dải với bãi nổi Văn Quán. “Ngày đó, bãi sậy ấy như mê cung, ai không quen vào là không biết lối ra”, ông Sơn cho biết.
Theo lời kể của ông Sơn, đêm đó, khi đang lần mò soi cá, bắt chim thì hai chú cháu ông đã giật mình bởi những tiếng sột soạt ngay trong bụi cây gần đó. “Tiếng động đó lớn lắm, giữa đêm tôi với thằng cháu đã phát hoảng”, ông Sơn hào hứng nhớ lại.
Lia đèn về bụi cây phát ra tiếng động trên, hai chú cháu ông Sơn đã bủn rủn chân tay khi thấy trước mắt mình là con vật giống y hệt con báo gấm mà ông vẫn thấy trên vô tuyến. Thấy ánh đèn, “quái thú” trên chẳng hề sợ hãi, cứ đứng im trợn mắt nhìn.
Nghĩ mình gặp thú dữ, ông Sơn ra hiệu cho người cháu từ từ rút lui. “Tôi cứ phải dí ánh đèn vào mắt nó rồi đi giật lùi về phía sau. Hồi ấy tôi tưởng nó còn tấn công, ăn cả thịt người như loài hổ báo cơ”, ông Sơn kể.
Bãi lau sậy tại xã Thạch Đà (Mê Linh) nơi lần đầu tiên người dân phát hiện có báo mèo trú ngụ.
Ngay sáng hôm sau, ông Sơn cùng mấy người nữa vác gậy gộc lên bãi Thạch Đà tìm “quái thú” mà ông đã thấy đêm qua. Thế nhưng, luồn khắp các ngóc ngách trong bãi mà không thấy bất cứ dấu tích gì.
Ngay sau lần tận mắt nhìn thấy báo mèo ấy, ông Sơn cứ day dứt bởi không biết con vật kỳ lạ đó từ đâu mà đến. Và rồi, một đận vào mùa lũ ông đã có câu trả lời.
Lần ấy, nước lũ về gần như trắng bãi. Đi vớt củi, ông thấy một con con báo mèo đang chới với trên cành cây đang quay tít ở giữa dòng.
“Có thể con báo mèo ấy cũng bị nước lũ đưa về từ rừng. Khi lạc về đây, thấy xung quanh đều là nhà thì chúng không đi đâu được nữa, chấp nhận làm công dân thành phố rồi sinh con đẻ cái”, ông Sơn nhận định.
Sẽ khảo sát và lên phương án bảo vệ
Trong khi nông dân ở những nơi khác khổ sở vì bị chuột phá hại mùa màng thì ở bãi nổi Văn Quán tìm mỏi mắt cũng không thấy loài gặm nhấm này. Theo những nông dân ở đây, trồng hoa màu họ chẳng phải mất công giăng lưới hay đặt bẫy đánh chuột.
“Cứ con chuột nào lảng vảng ngoài này là thành mồi của báo mèo ngay, nhà nông chúng tôi phải cảm ơn lũ báo mèo đấy!”, lúc nghỉ tay ông Lê Viết Chữ, một lão nông ở Văn Quán phấn khởi cho hay.
Với nhiều người nông dân ở Văn Quán thì báo mèo là loài vật có ích vì chúng là khắc tinh của chuột.
Đã hơn 20 năm nay (kể từ năm 1994) báo mèo xuất hiện ở vùng bãi nổi Văn Quán. Sự hiện diện của chúng đương nhiên là “miếng mồi ngon” cho cánh thợ săn thính mũi.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sơn bảo, nếu không bị săn bắt thì loài vật quý hiếm này có đến cả nghìn con.
Ông Lương Xuân Hà, Trưởng phòng Bảo tồn tài nguyên sinh vật, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã vô cùng sửng sốt trước thông tin báo mèo xuất hiện cả bầy ở bãi nổi Văn Quán.
Ông Hà cho biết, nếu thông tin trên là chính xác thì rất đáng mừng bởi báo mèo là loài thú quý hiếm, rất cần được bảo vệ.
Căn cứ vào sự mô tả của chúng tôi, theo ông Hà thì báo mèo, hay còn gọi là báo đá thực chất là là mèo rừng, có những đặc tính cơ bản giống mèo nhà.
“Chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm lâm cơ sở kiểm tra ngay, nếu có thì sẽ ngay lập tức lập phương án bảo vệ”, ông Hà khẳng định.
Báo mèo sinh sôi bầy đàn ngay tại lòng Hà Nội là tin mừng cho các nhà khoa học, các cơ quan bảo tồn động vật hoang dã. Bởi thế, ngay lúc này, các cơ quan ban ngành nên có những hành động cụ thể để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.