Trẻ bị hành hạ thường xuyên có thể thành... tội phạm để trả thù?

Đình Phong |

(Soha.vn) - “Bạo hành tạo ra những đứa trẻ nhút nhát, luôn sợ hãi thậm chí có tâm lý căm thù người lớn khiến trẻ phát triển nhân cách một cách méo mó”.

Clip quay cảnh bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (Quận Thủ Đức, TP. HCM) ra sức đánh đập, dúi đầu trẻ xuống đất, tát bôm bốp vào mặt, bóp cổ và hăm dọa nhốt vào thùng nước nếu các bé khóc không ăn đang tạo ra làn sóng vô cùng căm phẫn, gây rúng động trong dư luận.

Hàng ngàn người lo lắng, hoang mang cho “số phận” của con cái họ khi gửi ở trường và đặt niềm tin tuyệt đối cho những người được gọi là “bảo mẫu”.

Khi xem clip này, chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trịnh Trung Hòa rất căm phẫn trước hành vi tàn ác, mất lương tâm của hai bảo mẫu trẻ.

TS. Tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, những đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nếu bị bảo mẫu hành hạ.

TS. Tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, những đứa trẻ bị bảo mẫu bạo hành sẽ bị ảnh hưởng tâm lý.

Nhìn nhận về góc độ tâm lý, theo ông Hòa thì việc một đứa trẻ bị hành hạ thường xuyên trong môi trường học đường sẽ vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách, tính cách của đứa trẻ sau này.

“Người ta chỉ thấy những ảnh hưởng về chấn thương trên cơ thể đứa trẻ khi bị đánh đập như bầm tím, sức khỏe, chấn thương trên tay, chân, tuy nhiên điều nguy hiểm hơn chính là sự biến động về tâm lý.

Những đứa trẻ bị hành hạ thường xuyên sẽ căm thù người hành hạ nó, căm ghét người lớn bởi chúng sẽ không phân biệt được đó là người xấu và cho rằng tất cả người lớn đều xấu xa, đánh đập nó. Với suy nghĩ đó, lớn lên nhân cách đứa trẻ sẽ phát triển méo mó, phát triển không lành mạnh. Thậm chí trẻ có thể trở thành những kẻ tội phạm để trả thù cho những oan ức mà chúng phải chịu đựng hồi nhỏ”, TS Trịnh Trung Hòa khẳng định.

Hơn nữa, việc bị đánh đập, hành hạ chúng sẽ tạo ra những đứa trẻ nhút nhát, luôn luôn sợ hãi và cảm thấy cuộc sống không an toàn, bất kể lúc nào chúng cũng nghĩ bị nhốt vào nhà vệ sinh, dọa cho vào thùng nước, đánh đập…

Mổ xẻ nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này xảy ra ngày càng nhiều, theo ông chính là việc tuyển chọn đội ngũ làm bảo mẫu hiện nay không được chú trọng. Nhiều người không được đào tạo qua trường lớp nên rất dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc.

TS giải thích thêm: “Tôi khó tưởng tượng được khi nghe câu chuyện một trường tuyển người đã từng bán thịt lợn làm bảo mẫu. Tôi nghĩ mình không nên coi thường việc tuyển chọn đội ngũ bảo mẫu, không phải ai cũng làm được mà cần phải được đào tạo sư phạm, đạo đức.

Ngoài ra, nguyên nhân gây ra hành vi bạo hành trong nhà trường chính là lòng thương yêu trẻ con của một số người bị xuống cấp, thậm chí họ hành hạ cả con ruột của mình”.

Mặt khác, theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa việc quản lý các trường mầm non, đào tạo đội ngũ giáo viên của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, giám sát còn lỏng lẻo.

“Tôi ủng hộ việc đặt máy quay ở nhà trẻ, lắp camera ở khắp nơi trong trường, lớp là hợp lý, bởi như thế những kẻ ác độc không thể độc ác được, tất cả hành vi bạo hành sẽ bị phơi bày và bị xử lý thật nghiêm để răn đe”, TS Tâm lý Trịnh Trung Hòa kiến nghị.

Chân dung của hai bảo mẫu Trường mầm non Phương Anh có hành vi dã man đối với trẻ.
Chân dung của hai bảo mẫu Trường mầm non Phương Anh có hành vi dã man đối với trẻ.

Ông cũng cho rằng, việc xử lưu động đối với hai cô bảo mẫu là hợp lý (mức án cao nhất là 23 năm tù). Có ý kiến cho rằng, việc xử như thế là quá nặng và mình nên nhân đạo, cho hai cô bảo mẫu một con đường nhìn nhận tội lỗi của mình.

Tuy nhiên, về việc này TS Trịnh Trung Hòa phản đối và cho rằng: “Bảo mẫu được coi như mẹ để chăm sóc, dạy dỗ đứa trẻ ở trường. Nhưng rõ ràng hai cô bảo mẫu này không có nhân cách, không có tình yêu thương con trẻ. Tôi nghĩ đến bao nhiêu đứa trẻ, nếu mình nhân đạo với họ chính là mình đang ác với những đứa trẻ vô tội.  Sau khi ra tù không nên cho họ trở lại nghề nghiệp”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại