Sếp FPT Online: Nếu tôi là Hà Đông, việc đầu tiên tôi sẽ làm là..

Ban Biên Tập |

(Soha.vn) - "Việc đầu tiên tôi suy nghĩ tới, đó là tìm kiếm một Advisor đủ kiến thức và kỹ năng giúp cho tôi hiểu những gì tôi sẽ phải đối mặt", ông Phạm Công Hoàng nói.

Bài 1: Giao lưu trực tuyến: "AI ĐÃ GIẾT CHẾT FLAPPY BIRD?"

Bài 2: Phó TGĐ FPT Online dùng từ "rất rất rất" tuyệt để nói về Hà Đông

Bài 3: “Con chim Flappy Bird không chết”

Bài 4: "Nguyễn Hà Đông đi bằng tên lửa thì có thể chết bất cứ lúc nào"

Bài 5: "Không có chuyện Hà Đông sẽ tạo ra sóng lần 2"

Bài 6: “Quyết định bỏ game Flappy Bird: Khôn ngoan đúng hơn là cáo già”

Trong buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức tại Báo điện tử Trí thức trẻ 14h00 ngày 12/2/2014, Ông Phạm Công Hoàng, Phó TGĐ FPT Online đã có nhiều đánh giá sắc sảo về Nguyễn Hà Đông.

Một số báo chí so sánh Hà Đông với Nguyễn Duy Biểu (Chàng cử nhân bán rong với giấc mơ cà phê Việt) - một người thành công mà khiêm tốn, không bao giờ nói tới doanh thu trước truyền thông và họ cho rằng Hà Đông quá dại khi nói doanh thu của mình. Ông nghĩ sao về điều này? (Minh Thư)

Như những gì báo chí mô tả thì Đông là một người khá ít nói và khiêm tốn. Việc trả lời truyền thông về doanh thu của game có thể là sơ suất của Đông vì cậu chưa bao giờ ở trong tình huống này. Tuy nhiên, cái mà Đông không lường trước được chính là phản ứng của truyền thông Việt Nam.

Đặt giả sử ông trong trường hợp của Hà Đông ông sẽ ứng xử như thế nào khi game của mình đạt được thành công như vậy? (Huyền Trâm – 24 tuổi)

Việc đầu tiên tôi suy nghĩ tới, đó là tìm kiếm một Advisor đủ kiến thức và kỹ năng giúp cho tôi hiểu những gì tôi sẽ phải đối mặt. Quan trọng hơn là tìm kiếm được những người cùng đứng chung chiến tuyến với mình để vượt qua khó khăn.

Sau đó, tôi sẽ tiếp tục phát triển tốt sản phẩm của mình, tất nhiên sẽ cố gắng để không phải gỡ sản phẩm của mình xuống (cười).

Thưa ông Phạm Công Hoàng, trên thị trường game thế giới, đã bao giờ có chuyện 1 game đang ở đỉnh cao lại bị chính tác giả gỡ xuống như trường hợp Flappy Bird chưa? Và nếu có thì câu chuyện sau đó là thế nào? (Kim Anh – Vĩnh Phúc)

Việc này không phải không có tiền lệ, tuy nhiên những sản phẩm trong tình trạng tương tự hầu hết dừng vì sản phẩm đều do một lý do khách quan. Với Đông tôi thấy đấy là quyết định mang tính cá nhân nhiều hơn, như Đông trả lời các báo thì vì Flappy Bird đã trở nên quá gây nghiện nên mới gỡ xuống. Nếu thật sự như vậy, tôi rất khâm phục đam mê của Đông (cười).

Đa phần, những sản phẩm như vậy đều có một câu chuyện với một kịch bản tương tự, tác giả đầu tư hoặc nhận đầu tư để tiếp tục một hoặc nhiều sản phẩm mới, và hầu hết các sản phẩm tiếp sau đó đều thành công vượt trội. Tôi cũng hy vọng Đông sẽ đạt được nhiều thành công như vậy.

Theo ông thì công thức nào đã giúp Flappy Bird thành công như vậy? Giả sử Nguyễn Hà Đông (hoặc một người viết ứng dụng khác) dùng lại đúng công thức đó, thì liệu còn khả năng thành công hay không? (Phạm Nhật Anh)

Như đã nói ở trên, công thức của Đông được tích lũy từ kinh nghiệm và đam mê. Sẽ rất khó để người khác làm lại được đúng công thức như vậy. Ai cũng có thể thành công, và sẽ chỉ thành công nếu họ có công thức riêng cho mình.

Việc những người lập trình đơn lẻ có những bước tiến thành công giống như Nguyễn Hà Đông có tác động gì tới sự phát triển của các công ty phát triển, phát hành game như FPT và những đơn vị khác không? (Tiến Hòa)

Chắc chắn là có, giấc mơ trở thành triệu phú trong mảng lập trình game mobile đã được bắt đầu từ rất lâu trên thị trường quốc tế. Đã và đang có rất nhiều người theo đuổi giấc mơ và đam mê này. Thành công của Đông sẽ như một đòn bẩy cho việc phát triển game của Việt Nam trong tương lai.

Trong các hoạt động dịch vụ trực tuyến, game là 1 dịch vụ khá hút khách. Ông đánh giá như thế nào với sức hút của Hà Đông và Flappy Bird trong thời gian qua? (Long Thành – 45 tuổi)

Truyền thông đã thể hiện rõ rồi, đâu đâu tôi cũng thấy Flappy Bird, facebook có, ngoài quán café có, ở nhà cũng có .. Việc này càng khẳng định hơn, game là một dịch vụ giải trí sẽ còn gắn liền với cuộc sống của chúng ta dài dài (cười)

Có người nói rằng, truyền thông là bệ phóng khủng khiếp cho những thành công kiểu như Hà Đông. Với lĩnh vực game, truyền thông quan trọng như thế nào thưa ông? (Oanh – Hà Nội)

Phải nói đúng hơn là truyền thông xã hội (social media). Nếu không từ một số bài review trên một số cộng đồng quốc tế, hay một số clip review game trên youtube, Flappy Bird sẽ không nhận được một lượng người chơi nền tảng đủ lớn, kết hợp với yếu tố ai cũng chơi được game, có tính thách thức cao khiến mọi người chia sẻ trên các mạng xã hội liên tục. Sau khi đã đủ hiệu ứng qua social media và viral, các kênh truyền thông chính thống cũng bắt đầu vào cuộc, sự chấp nhận cũng là bình thường.

FPT là một công ty lớn kinh doanh trong lĩnh vực khai thác mạng internet, vậy FPT có định tuyển dụng một nhân tài như Hà Đông? Và nếu tuyển dung, ông sẵn sang trả mức giá bao nhiêu cho những nhân tài như thế này?

Tôi nghĩ là với tính cách của mình, có lẽ Đông sẽ tiếp tục gắn bó với đam mê của mình trong việc phát triển Indie Game như hiện tại. Số doanh thu từ Flappy Bird mang lại sẽ giúp Đông chắp cánh cho đam mê 4 năm vừa qua. Nếu có cơ hội hợp tác, nhất định tôi sẽ mời Đông tham gia ở những mảng mà Đông có thể phát huy được thế mạnh của mình một cách tốt nhất.

Về tuyển dụng nhân tài, quan điểm của tôi là nếu dùng tiền để mua người, sẽ có nhiều người khác có thể dùng tiền nhiều hơn (và hơn rất nhiều lần) để mua lại. Lương hay thu nhập với người như Đông có lẽ không phải quá quan trọng. Nếu không có môi trường đủ tốt để phát triển, không chung chí hướng, không chung đam mê và tầm nhìn thì sẽ khó đi với nhau lâu được.

Và tôi tin là ở FPT, đam mê, niềm tin và thu nhập luôn luôn được cân bằng (cười).

Thưa ông, sau hiệu ứng Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông, liệu Việt Nam có thể xuất hiện thêm 1 Hà Đông thứ 2 khuấy đảo cộng đồng game thế giới?

Sẽ khó nhưng không phải không có khả năng này. Ngày càng nhiều người đang theo đuổi đam mê giống như Đông và ngày càng có những con người trẻ tuổi với đam mê cùng tham gia trên con đường Đông đã chọn. Nếu Đông thành công vì đam mê của mình, tôi tin là chúng ta sẽ còn đón nhận nhiều thành công hơn nữa trong tương lai, không chỉ ở mảng game mà còn rất nhiều cách lĩnh vực khác.

Những ngày qua, chứng kiến Hà Đông trải qua những tâm trạng như vậy, ông có nhắn nhủ gì với Hà Đông để vượt qua những ngày này? Ông muốn có lời gì đối với những nhà lập trình game trẻ?

Chưa có cơ hội để tiếp xúc với Đông nhưng tôi hy vọng là Đông sẽ tiếp tục kiên định, tiếp tục theo đuổi đam mê, và truyền đạt thành công, kinh nghiệm của mình cho những bạn trẻ giống như Đông. Thành công của ngày hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu mà thôi, sẽ còn vô vàn khó khăn, nhưng có khó khăn, thách thức thì mới có thể trưởng thành hơn được.

Cuối cùng, ông có thể chia sẻ những điều mà ông tâm đắc nhất từ sự kiện đình đám này?

Tập trung ý tưởng và làm sản phẩm thật tốt thì sẽ đến lúc sản phẩm của mình được người dùng đón nhận, đôi khi cũng phải “bơ” đi nhiều thứ để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình là những điều tôi muốn nói với Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại