Bí ẩn rừng thiêng nguyên sinh, đầy muông thú giữa… đồng bằng

Đây có lẽ là một điều đặc biệt mà không nơi nào có được, ngoại trừ khu rừng Lòi Chùa tại thôn Đông Thành, xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Khu rừng đặc biệt

Rừng Lòi Chùa là khu rừng nguyên sinh hiếm hoi hiện hữu sát bên những ngôi nhà ngói ở thôn Đông Thành - nằm cách TP.Đồng Hới chừng 10km, cách Quốc lộ 1A chừng 4km. Đã hàng trăm năm nay, người dân luôn xem đây là khu rừng thiêng và là “lá phổi xanh” cho cả dân làng. Rừng nằm ngay sát trục đường chính của xã, trên khu đồi thấp rộng chừng 5ha. Ngay sát bìa rừng, những mái ngói đỏ tươi của những ngôi nhà dân sống ở xung quanh càng tô điểm thêm cho sự đặc biệt của khu rừng. Bởi lẽ, chỉ đi vào vài chục bước chân sẽ hiện lên một thế giới khác, đầy nguyên sinh và huyền bí với những thảm thực vật quý giá, những thân cây cổ thụ cao lớn vươn mình nảy lộc đầu xuân.

Dẫn chúng tôi băng qua vườn rau phía sau nhà, mệ Võ Thị Chuynh, 73 tuổi chỉ tay ra khoảnh đất ngay sát hàng rào cạnh một lối mòn nhỏ dẫn vào rừng, hỏi: “Chắc mấy chú băn khoăn vì răng rừng có tên là Lòi Chùa, đúng không?”. Rồi với đôi tay thoăn thoắt, mệ Chuynh vạch đám cỏ dại để hiện lên những tảng đá lớn nằm thẳng hàng ngay sát mặt đất, mệ nói: “Đây là những dấu tích còn lại của một ngôi chùa cổ”. Rồi mệ kể, ngày xưa, từ khi mệ còn rất nhỏ ở đây đã có một ngôi chùa. Chả biết chùa có từ khi nào, nhưng ông bà của mệ cũng nói là đã có từ rất lâu, nên xem đây là một ngôi chùa cổ. Chùa rất linh thiêng, người dân thường thắp hương, cầu khấn để được yên ổn mỗi khi có bất trắc xảy ra. Chùa cũng trở thành nơi chở che cho người dân trong làng mỗi khi có bão táp, phong ba. Ngay sau ngôi chùa cổ này là một khu rừng nguyên sinh với rất nhiều cây cổ thụ và muông thú.

Cảm nhận được sự thiêng liêng của ngôi chùa và khu rừng, nên người dân đã có ý thức bảo vệ khu rừng từ thuở đó. Cũng vì vậy mà rừng có tên là Lòi Chùa. “Thế nhưng, khi giặc Pháp đến, bọn chúng đã phá tan ngôi chùa rồi đốt cháy, nên vết tích ngôi chùa cổ giờ chỉ còn lại hàng móng bằng đá nằm dưới đất sâu”, mệ Chuynh kể trong sự nuối tiếc.Ông Võ Văn Thuyên -Trưởng thôn Đông Thành nói đầy tự hào: “Rừng Lòi Chùa thiêng trong tâm khảm người dân. Bởi trong thực tế, rừng đã che chở cho người dân địa phương vượt qua mưa bom bão đạn kẻ thù. Thời chiến tranh, rừng là nơi trú ẩn cho người dân và bộ đội, cũng có thời kỳ nhiều cơ quan hành chính đã sơ tán về khu rừng này để làm việc. Là người dân địa phương, ông Thuyên đã bao lần chứng kiến cảnh rưng rưng nước mắt của những người lính già khi được trở lại nơi đây, gặp lại rừng, gặp lại những người dân địa phương đã một thời được rừng thiêng che chở, rưng rưng nhớ lại những ngày tình quân - dân thấm đượm dưới những tán rừng già nơi đây.

Nguyên sinh giữa…đồng bằng

Mệ Chuynh nói về những gì còn sót lại của ngôi chùa cổ.

Đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định sự đặc biệt của rừng Lòi Chùa, bởi lẽ đây là khu rừng nguyên sinh nhưng lại nằm… giữa đồng bằng, xung quanh là đất ruộng, ngay sát các khu dân cư đông đúc. Trong “cơn lốc” của quá trình đô thị hóa và sự “tàn phá” thiên nhiên của không ít bộ phận người dân nói chung thì ở đây vẫn sừng sững hiện hữu một khu rừng già nguyên sinh. Đây là một điều hiếm ở nơi nào có được. Dẫn chúng tôi đi vào rừng từ một lối mòn nhỏ xuyên qua những tán lá xanh rờn, chằng chịt của các loài cây khác nhau, thi thoảng ông Thuyên lại dùng tay vỗ đôm đốp vào những thân cây cổ thụ đầy vẻ tự hào. Ông nói, phần lớn các cây ở đây toàn cao từ 10-20m, như cây huỵnh, cây trám, cây phao lái, bài lài…

Như để khẳng định sự cổ thụ của khu rừng, ông cùng tôi ôm thử một gốc cây huỵnh, nhưng 2 vòng tay của chúng tôi vẫn ôm không xuể, hàng trăm cây huỵnh nơi đây đều cả trăm năm tuổi. “Mỗi cây ở khu rừng này đều là báu vật của làng cả đó”, ông Thuyên khẳng định chắc nịch.Trong tiếng gió lùa vào rừng qua những tán cây xanh mướt, tiếng chim hót xen lẫn với tiếng gà rừng gáy sớm. Rất vất vả, chúng tôi mới vạch được đường đi bởi sự “cản trở” của chằng chịt các dây leo, bụi gai mọc chen chúc, mọc từ dưới đất lên cao quá tầm mắt.

Cu Tủn - 8 tuổi, cháu ông Thuyên - nói như khóc khi bị một con sóc rừng lao ngang qua trước mặt lúc đang cố gắng chui ra từ đám cây gai chằng chịt: “Ông ơi, về thôi, cháu sợ lắm rồi!”, khiến ai cũng phá lên cười.Càng đi sâu vào rừng, bên cạnh sự nguyên sinh của khu rừng, chúng tôi càng cảm nhận được sự linh thiêng khi rừng mang trong mình những dấu tích của của những năm tháng chiến tranh. Dưới những tán lá xanh, xen lẫn với chằng chịt những cây gai là dấu tích của những nhà kho, căn hầm, trận địa… Càng vào sâu trong rừng, những lối mòn nhỏ dần biến mất nên ai ai cũng phải tự túc, người dùng rựa, người dùng dao hoặc cây gậy để tự bạt đường mà đi.

Thấy tôi nín thở, gồng mình nhảy qua những chiếc hố đã bị cây gai mọc đầy bao phủ vì tưởng là hố sâu bẫy thú rừng, ông Thuyên cười lớn: “Làm chi có chuyện đặt bẫy thú rừng ở đây hả chú. Với người dân nơi đây, rừng là linh thiêng nên không bao giờ có chuyện phá rừng hay các sản phẩm từ rừng, chú nhìn rừng là biết mà. Các hố đó là dấu tích của một thời đạn lửa chiến tranh đó”. Người dân ở đây cho biết, vào mùa hè dù trời nắng to nhưng trong khu rừng chỉ le lói vài ánh nắng bởi các tán cây um tùm che chở. Vì thế, rừng chính là “lá phổi xanh” cho cả dân làng. Gần xế trưa, chúng tôi mới bắt đầu ra khỏi rừng, diện tích rừng không lớn, nhưng việc đi lại rất khó khăn và tốn thời gian bởi rừng đang còn ít dấu chân người.

Ông Thuyên vừa đi vừa nói: “Vì là rừng thiêng nên không phải ai cũng được vào sâu trong rừng đâu. Với lại do có ý thức bảo vệ rừng, nên người dân cũng không tự ý vào rừng. Đó cũng là một cách thể hiện tình cảm với rừng, vì mỗi lần vào là phá vỡ tính nguyên sơ, rừng “đau” lắm”.

Để mãi là lộc của làng

Ra khỏi bìa rừng, chúng tôi vào nhà ông Võ Văn Chung (71 tuổi) và bà Nguyễn Thị Dinh (61 tuổi). Bà Dinh nói: “Đợt trước Tết, ông Chung cùng người dân trong làng ai cũng tất bật dọn rừng. Đợt bão năm ngoái đã làm nhiều cây trong rừng bị gãy đổ, đặc biệt là ở chỗ bìa rừng, khiến dân làng chúng tôi đau xót lắm!”. Chính vì vậy, vào những ngày đầu năm, vợ chồng ông Chung cũng như người dân trong làng đã cùng nhau huy động trồng lại cây ở những vị trí đã bị gãy đổ do bão. Uống bát nước chè xanh, ông trưởng thôn Thuyên khẳng định: “Ý thức bảo vệ rừng đã ăn sâu vào máu thịt người dân trong làng, như vậy thì rừng mới mãi là lộc của làng. Việc bảo vệ rừng Lòi Chùa đã được người dân đưa vào hương ước từ hàng chục năm nay”.

Theo bà Dinh, nhà ngay sát rừng nhưng chưa bao giờ bà vào rừng chặt cây. Để có củi để đun bếp, bà chỉ vào bìa rừng nhặt những cành cây đã khô hoặc bị rơi rụng xuống đất. Còn ông Chung thì lâu lâu lại một mình vào rừng kiểm tra. Mỗi lần như vậy, ông lại nhổ những cây con như cây huỵnh để trồng xen kẽ vào bìa rừng hoặc ở chỗ trống, ít cây lớn để nó phát triển lên. Bà Dinh kể vui: “Mấy ngày trước, đám sóc và chồn trong rừng đã lẻn vào chuồng gà nhà tui ăn cắp mất mấy quả trứng gà. Tui tiếc đứt ruột nên đợt ni phải mua lưới về giăng quanh chuồng gà cho chắc ăn”.

Trên đường trở về nhà, ông Thuyên còn hồ hởi dẫn chúng tôi đến trụ sở nhà văn hóa thôn vì ở đây có hàng chục cây huỵnh rất lớn, nằm sát nhau trên một gò đất cao. Ông nói: “Mỗi lần sinh hoạt tập thể hay ra hương ước làng, cả dân làng đều tập trung nơi đây để cảm nhận được lộc của rừng, để được rừng thiêng che chở, do đó ý thức bảo vệ rừng đã ăn sâu vào máu người dân địa phương, chỉ sợ người ngoài vào… phá rừng thôi”. Cũng đã nhiều lần, chính quyền trong xã bắt được người ngoài vào rừng chặt cây, ra án phạt rất nặng, có lần phạt lên đến hàng chục triệu đồng.UBND xã Nam Trạch cho biết, về lâu dài sẽ quy hoạch rừng Lòi Chùa và hồ nước Bàu Chùa ngay sát bìa rừng thành một khu công viên và du lịch sinh thái. Hiện tại, việc canh gác và bảo vệ rừng về danh nghĩa được giao cho một người dân địa phương phụ trách. Tuy nhiên, do việc giữ rừng đã được đưa vào hương ước từ bao đời nay nên việc bảo vệ khu rừng nguyên sinh này là trách nhiệm của tất cả người dân địa phương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại