“Con chim Flappy Bird không chết”

Ban Biên Tập |

(Soha.vn) - Đó là đánh giá của ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng thư ký hội truyền thông số Việt Nam trong buổi giao lưu trực tuyến “Ai đã giết chết Flappy Bird” do Báo điện tử Trí Thức

Bài 1: Giao lưu trực tuyến: "AI ĐÃ GIẾT CHẾT FLAPPY BIRD?"

Bài 2:  Phó TGĐ FPT dùng từ "rất rất rất" tuyệt để nói về Hà Đông

- Xin hỏi các vị khách mời có chơi Flappy Bird không? Cảm nhận của các ông về trò chơi này? (Long Nhật – 21 tuổi – Hà Nam)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Sự kiện Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird là một mốc son, điểm sáng cho Việt Nam nói chung và giới công nghệ thông tin Việt Nam nói riêng. Như một người Việt, tôi rất tự hào về điều này. Chính vì vậy, tôi cũng đã cài và chơi ngay khi được biết về sản phẩm này. Nhưng có thể nói, đây là một trò chơi khó, con gái của tôi chơi giỏi hơn tôi.

- Các ông đánh giá thế nào và thành công của Flappy Bird đối với cá nhân Hà Đông và làng game Việt Nam? (Minh Anh – Yên Bái)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Theo tôi, với cá nhân Hà Đông thì đây là một thành công có thể nói rất vĩ đại và đến với cậu ấy tương đối bất ngờ. Thành công này là hệ quả đến từ rất nhiều nỗ lực cá nhân cũng như việc tận dụng được các trào lưu mới về công nghệ và truyền thông của xã hội.

Đã có giai đoạn dư luận xem game như một cái gì đấy rất xấu mà không cần hiểu đó là gì. Sự kiện này đã làm cho xã hội Việt Nam quan sát kỹ hơn, công bằng hơn về những người làm game tại Việt Nam. Và đây là cơ hội để làng game Việt Nam thể hiện mình trước cộng đồng.

Đối với cả Hà Đông và làng game Việt Nam, đây là một thành công cấp thế giới, là cấp độ mà rất ít ngành – người ở Việt Nam có thể đạt tới.

- Theo các ông, việc Hà Đông khai tử Flappy Bird có nguyên nhân từ đâu? Truyền thông, sức ép dư luận có phải là một trong những nguyên nhân chính khiến Hà Đông đi đến quyết định bất ngờ đó? (Mai Phương - Hà Nam)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Trước hết, theo tôi, con chim Flappy Bird không chết. Bởi vì khi game này còn mang lại niềm vui cho người chơi và vẫn còn người chơi thì con chim này không chết.

Nguyễn Hà Đông là một lập trình viên, một người đam mê làm sản phẩm và khi đột nhiên thành công thì không được chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với sự nổi tiếng, dẫn tới sự quấy rầy của môi trường xung quanh và cả các vấn đề pháp lý, pháp luật có liên quan tới đời sống con người.

Theo tôi, Đông đã quyết định tạm dừng cung cấp game này để chuẩn bị tốt hơn cho việc đối xử phù hợp với môi trường xung quanh là khôn ngoan. Quyết định này sẽ giúp Đông và các sản phẩm của mình được hoàn thiện hơn, được nhiều người biết đến hơn và được thông cảm nhiều hơn nếu có điểm thiếu sót gì.

 

Buổi giao lưu trực tuyến đầu cầu Hà Nội.

Buổi giao lưu trực tuyến đầu cầu Hà Nội.

- Gỡ Flappy Bird có phải là cách ứng xử tốt nhất của Hà Đông trong lúc này? (Tiểu Thương - Cầu Diễn, Hà Nội)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Không dám nói là tốt nhất nhưng đây cũng là một lựa chọn hợp lý.

- Thưa ông Thanh, có người “trách nhẹ” truyền thông vì có lỗi trong việc bới móc đời sống riêng tư quá nhiều của Nguyễn Hà Đông. Quan điểm của ông thế nào về việc này? (Thu Huệ, Bắc Ninh)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Việc truyền thông quan tâm tới các sự kiện lớn như sự kiện Flappy Bird là điều hiển nhiên và có tác động tích cực đến câu chuyện này. Cá nhân tôi thấy truyền thông tương đối công bằng với các ý kiến ủng hộ cũng như các ý kiến băn khoăn về thành công của Flappy Bird. Đương nhiên, bất cứ ai đã trở nên nổi tiếng đều phải chấp nhận sẽ khó khăn trong việc giữ kín cuộc sống riêng của mình.

- Thưa bác Thanh, có ý kiến cho rằng: Trong chuyện này, truyền thông Việt có tội hơn có công, bác nghĩ sao về điều này? (Cháu Vũ Kim Chi, quê Phú Thọ)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Như tôi đã trả lời câu hỏi của bạn Thu Huệ (Bắc Ninh) ở trên, truyền thông đặc biệt là truyền thông xã hội đóng vai trò tương đối quan trọng cho thành công của các sản phẩm nội dung số nói chung và game Flappy Bird nói riêng. Và với Đông, cách ứng xử với giới truyền thông trong thời gian qua chắc chắn sẽ làm Đông trưởng thành và chín chắn hơn, tạo tiền đề cho những thành công lớn trong tương lai.

- Sau khi Flappy Bird bị gỡ, rất nhiều game nhái game này hiện đang sống khỏe. Theo ông Thanh, liệu Nguyễn Hà Đông có thể kiện tác giả các game đó không? Và có nên kiện không? (Hưởng – HV Bưu chính Viễn thông)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Đông có quyền để kiện tác giả của các sản phẩm nhái nhưng việc kiện hay không hoàn toàn do cá nhân Đông quyết định. Theo tôi đoán thì Đông sẽ không kiện các tác giả đó bởi vì mục tiêu của Đông khi tạo ra Flappy Bird không nặng về mục đích kinh tế mà mục tiêu mang lại nhiều niềm vui cho người sử dụng.

- Theo ông Thanh, điều gì khiến Flappy Bird lại nổi tiếng tới mức như vậy? Có phải nhờ truyền thông không? (bạn đọc gửi từ hòm mail nhoc_con_noi_xa@yahoo.com)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Flappy Bird nổi tiếng thứ nhất vì sản phẩm giải trí mà ai cũng có thể chơi được. Hơn nữa ở đây mỗi một người chơi đều mong muốn cải tiến, sáng tạo để vượt qua chính mình nên dễ “nghiện” game này, đặc biệt khi họ có sự so sánh kết quả với những người xung quanh. Bên cạnh đó, sự thành công do có sự phổ cập của smartphone và các mạng xã hội. Sự thành công của Flappy Bird là minh chứng cho các sản phẩm tốt, ý tưởng tốt có thể nhanh chóng đến được với hàng trăm triệu người dùng trong thời gian rất ngắn và đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ khác.

- Chào tòa soạn, tôi muốn gửi câu hỏi này tới ông Thanh: Thưa ông, Hà Đông luôn né tránh tiếp xúc với báo chí và hầu như chỉ chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Theo ông đây có phải là một hành động thiếu khôn ngoan của Đông, bởi biết đâu nếu cậu ấy xuất hiện trên báo chí và chia sẻ quan điểm cá nhân thì mọi chuyện đã rẽ sang một hướng khác? (Thanh Tân, Hòa Bình)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Đông sử dụng mạng xã hội Twitter để chăm sóc các khách hàng của mình, đó là lý do mà các thông tin về sản phẩm Flappy Bird xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Twitter.

- Đáng tiếc là game Flappy Bird nổi tiếng với người Việt là thông qua những bài báo, bài phỏng vấn từ báo nước ngoài. Điều này có thể hiện sự non yếu của truyền thông Việt Nam không, thưa ông Thanh? Qua sự việc này truyền thông Việt Nam sẽ rút ra bài học gì? (Dương Hân, Nam Định)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Thứ nhất, thành công của Flappy Bird đến từ thị trường toàn cầu trước thị trường trong nước nên báo chí quốc tế phát hiện ra sự kiện này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, truyền thông Việt Nam đáng ra phải khai thác sâu hơn chủ đề này để tận dụng cơ hội quảng bá cho đất nước và con người Việt Nam như giới truyền thông Hàn Quốc đã làm với Geangnam Style thì lại tập trung vào các vấn đề cụ thể. Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm.

- Vừa rồi có một nhà báo nước ngoài đã đăng đàn xin lỗi Hà Đông. Theo ông, sau sự kiện này, truyền thông trong nước có cần rút kinh nghiệm gì không trong việc đưa tin? (Vũ Tuyết, Tam Điệp, Ninh Bình)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Về nguyên tắc, ta cần phân biệt được đưa tin và bình luận. Đưa tin thì cần đúng sự thật và tập trung vào các vấn đề mà độc giả quan tâm. Bình luận thì cần làm cho độc giả hiểu rằng đây là quan điểm của người bình luận.

Các đơn vị báo chí và truyền thông trong nước khi viết về sự kiện Flappy Bird thì chủ yếu chia ra làm 2 hướng: Tự đưa tin, bình luận và các tin bài dịch. Trong đó, các phần tin bài dịch có thể đã gây ra hiểu lầm rằng: Truyền thông trong nước không ủng hộ Hà Đông còn phần tin, bài do báo chí trong nước tự sản xuất nói chung là công bằng. Bài học kinh nghiệm nếu có là cẩn trọng hơn khi đưa tin lại từ báo chí nước ngoài.

- Làm cách nào để người nổi tiếng sống chung với sự “xâu xé” của truyền thông, thưa ông Thanh? (Thụy Khuê, Đăk Lăk)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Để sống chung với sự “xâu xé” của truyền thông hãy sống như chính bản thân mình vì không ai “diễn” được suốt cả cuộc đời!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại