Nhà báo Bùi Ngọc Hải - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Trí Thức Trẻ:
Thưa các vị khách mời!
Những ngày này, chúng ta đang chứng kiến sự biến ảo rất thực của thế giới phẳng. Một con chim nhỏ bé cũng có thể biến một chàng trai chưa tên tuổi, sống lặng lẽ ở một góc nhỏ tại một quốc gia còn lạc hậu, thành nhân vật nổi tiếng toàn cầu, được tiếp xúc với những chính khách hàng đầu.
Gần giống như điệu nhảy Gangnamstyle, câu chuyện về Nguyễn Hà Đông và trò chơi Flappy Bird, thêm một lần nữa thay đổi hẳn tư duy làm giàu và cách nắm bắt cơ hội: Không cửa hàng, cửa hiệu, không công ty riêng cũng có thể trở thành tỉ phú.
Từ trái sang phải, ông Nguyễn Lâm Thanh, nhà báo Bùi Ngọc Hải, ông Trần Hoàng Minh, ông Bùi Quang Minh tại đầu cầu Hà Nội.
Nhưng sự kì diệu ấy, không chỉ mang lại niềm vui, mà còn cả nỗi buồn cho chính Hà Đông và hàng triệu người Việt. Khi cha đẻ game Flappy Bird "không thể chịu được nữa" thì cũng là lúc dư luận xã hội bắt đầu nói đến sự tàn nhẫn của truyền thông, thói đố kỵ của người Việt, thậm chí là chiêu trò kinh doanh trong quyết định bức tử chú chim... Rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà chưa có lời giải thấu đáo:
- Truyền thông đã giết chết chú chim (Flappy Birt) hay chính Nguyễn Hà Đông muốn giết nó như anh tâm sự?
- Nguyễn Hà Đông nên ứng xử như thế nào khi nổi tiếng quá nhanh? Cách ứng xử vừa qua của Hà Đông vừa qua có gì ổn và chưa ổn?
- Nguyễn Hà Đông có thể tiếp tục tái tạo kỳ tích đó trong một game khác? (Nhiều chuyên gia cho rằng điều này là cực khó)
- Sự kiện Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird đem đến những hy vọng nào cho ngành game non trẻ của Việt Nam?
- Những người lập trình game Việt nên làm gì để có những thành công vang dội trong thế giới phẳng?
Nhưng dù con chim ấy, theo lời chính tác giả, có thể chết vĩnh viễn, nhưng nó cũng đã kịp làm sống dậy những hy vọng mới cho thị trường game Việt Nam nói riêng và thế hệ trẻ nói chung.
Tôi xin được trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã có mặt tại đây để bàn về sự kiện đình đám này cũng như nhiều bài học được rút ra từ nó.
Ở đầu cầu Hà Nội:
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng thư ký hội truyền thông số Việt Nam
Ông Bùi Quang Minh - Giám đốc khối Soha Game của công ty VCCorp
Ông Trần Hoàng Minh - Giám đốc Trung tâm VTC Game
Ở đầu cầu TP.HCM:
Ông Nguyễn Thế Khoa - Chuyên viên tư vấn tài chính khối doanh nghiệp JP Mogan Bank Úc
Ông Phạm Công Hoàng - Phó TGĐ Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT
Xin các vị khách bắt đầu cuộc giao lưu trực tuyến ý nghĩa này.
- Xin hỏi các vị khách mời có chơi Flappy Bird không? Cảm nhận của các ông về trò chơi này? (Long Nhật – 21 tuổi – Hà Nam)
Ông Nguyễn Thế Khoa: Vì tôi không thích chơi game nên tới hôm qua tôi mới chơi thử game này. Tôi chơi để cảm nhận và tôi thấy rằng mức độ khó tỷ lệ thuận với tính chất thương mại hoá.
Ông Bùi Quang Minh: Tôi có chơi trò này. Đây là trò chơi tiếp cận rất đơn giản, ai cũng có thể chơi, nhưng đồng thời cũng là trò rất khó để người chơi có thể chinh phục. Tôi thấy đây là một trò khá thú vị. Bên cạnh đó, bạn bè của tôi cũng chơi Flappy bird và thấy nó khá hấp dẫn, chúng tôi còn khoe với nhau về thành tích của mình.
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Sự kiện Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird là một mốc son, điểm sáng cho Việt Nam nói chung và giới công nghệ thông tin Việt Nam nói riêng. Như một người Việt, tôi rất tự hào về điều này. Chính vì vậy, tôi cũng đã cài và chơi ngay khi được biết về sản phẩm này. Nhưng có thể nói, đây là một trò chơi khó, con gái của tôi chơi giỏi hơn tôi.
Ông Trần Hoàng Minh: Tôi có chơi trò này và cảm nhận lần đầu tiên chơi cũng giống như mọi người là khó. Tuy nhiên, game rất đơn giản đủ để phù hợp với tất cả lứa tuổi.
Ông Phạm Công Hoàng: Dĩ nhiên là có rồi, nếu không chơi game thì cũng đâu dám tham gia buổi giao lưu này (cười). Hiện tại điểm cao nhất tôi đang đạt được là 290 điểm và vẫn đang tiếp tục chơi.
Trở thành game hot trên khắp thế giới như bây giờ không phải chỉ có mình Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông làm nên chuyện. Bỏ qua một số yếu tố về mặt kỹ thuật, theo tôi có những điểm như sau đã góp phần tạo nên thành công cho Flappy Bird:
+ Flappy Bird được thiết kế để theo cách đơn giản nhất để ai cũng có thể nắm bắt và chơi được ngay bằng một chạm.
+ Flappy Bird được thiết kế với mức rất khó, không ai chơi mà lại không khó chịu và bực mình khi không thể đạt được 1 hay 2 điểm. Tuy nhiên, cứ mỗi lần vượt qua điểm số trước đó, người chơi lại đạt đến một tâm trạng thỏa mãn mới. Đây là một trong những yếu tố then chốt để người chơi tiếp tục chơi và thử thách mình.
+ Kết hợp cả hai yếu tố trên, khi chơi cùng nhau, người chơi tự tạo nên một phong trào khi “mình không thể thua được” và việc chia sẻ, ganh đua diễn ra hàng ngày hàng giờ.
+ Yếu tố may mắn khi được một lượng người chơi vừa đủ phát hiện và tạo phong trào, social media và các mạng xã hội đã giúp cho Flappy Bird “bay” đến rất nhiều thiết bị trên thế giới.
- Các ông đánh giá thế nào và thành công của Flappy Bird đối với cá nhân Hà Đông và làng game Việt Nam? (Minh Anh – Yên Bái)
Ông Nguyễn Thế Khoa: Cá nhân tôi thấy Flappy Bird là 1 thứ gì đó tạo ra bởi sự đam mê và chia sẻ của Hà Đông. Và đó là sự thành công nhiều nhất đối với bản thân Hà Đông nói riêng. Còn với làng game, dù là một câu chuyện cũ nhưng Hà Đông đang cho những người kinh doanh game một hơi thở mới.
Trò chơi này khiến cho người kinh doanh phải nhìn nhận lại, dốc hết trái tim vào sản phẩm để cho người chơi tìm được sự vui vẻ nhẹ nhàng thay vì sư tức tối và ganh ghét. Các bạn nên nhớ 1 điều rằng, game là để giải trí là phụ trợ cho cuộc sống chứ không phải để sống trong thế giới ảo.
Ông Bùi Quang Minh: Đây có thể xem là thành công vang dội của Hà Đông, rất đáng khích lệ và đáng tôn vinh. Đối với làng Game Việt Nam thì đây có thể xem là cú hích lớn, sự kiện chấn động trong nhiều năm trở lại đây. Nó đã tạo cảm hứng rất lớn cho những lập trình viên, những bạn trẻ trong việc sáng tạo các sản phẩm Game mobi nói riêng và Game nói chung.
Ông Trần Hoàng Minh: Đây là minh chứng nhất rõ ràng nhất cho việc không phải đầu tư nhiều mới là thành công, có thể chỉ là sự sáng tạo, đơn giản và khác biệt cũng có thể đem lại thành công lớn.
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Theo tôi, với cá nhân Hà Đông thì đây là một thành công có thể nói rất vĩ đại và đến với cậu ấy tương đối bất ngờ. Thành công này là hệ quả đến từ rất nhiều nỗ lực cá nhân cũng như việc tận dụng được các trào lưu mới về công nghệ và truyền thông của xã hội.
Đã có giai đoạn dư luận xem game như một cái gì đấy rất xấu mà không cần hiểu đó là gì. Sự kiện này đã làm cho xã hội Việt Nam quan sát kỹ hơn, công bằng hơn về những người làm game tại Việt Nam. Và đây là cơ hội để làng game Việt Nam thể hiện mình trước cộng đồng.
Đối với cả Hà Đông và làng game Việt Nam, đây là một thành công cấp thế giới, là cấp độ mà rất ít ngành – người ở Việt Nam có thể đạt tới.
Ông Trần Hoàng Minh trả lời bạn đọc báo điện tử Trí Thức Trẻ.
- Theo các ông, việc Hà Đông khai tử Flappy Bird có nguyên nhân từ đâu? Truyền thông, sức ép dư luận có phải là một trong những nguyên nhân chính khiến Hà Đông đi đến quyết định bất ngờ đó? (Mai Phương - Hà Nam)
Ông Trần Hoàng Minh: Cá nhân tôi nghĩ từ chính bản thân Đông chứ không phải từ sức ép dư luận, truyền thông. Với tôi đây là quyết định rất bất ngờ. Có lẽ quyết định này cũng khác biệt cũng giống như lúc bạn ấy sáng tạo ra trò chơi này.
Ông Bùi Quang Minh: Tôi xin không đưa ra những phán đoán về quyết định cá nhân của bạn Đông. Tôi tôn trọng và ủng hộ quyết định này. Bởi chỉ có Đông mới hiểu được tại sao lại muốn hạ game xuống.
Ông Nguyễn Thế Khoa: Theo quan điểm của tôi, việc Hà Đông “khai tử đứa con” của mình không hoàn toàn là do truyền thông mà là do những người chơi đã quá lạm dụng nó và tạo nên những hình ảnh không hay về game. Hà Đông, tôi nghĩ bạn ấy không “ngán” gì truyền thông nhưng chỉ vì mọi diễn biến đang xa dần chiều hướng mà bạn ấy hướng tới mà thôi.
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Trước hết, theo tôi, con chim Flappy Bird không chết. Bởi vì khi game này còn mang lại niềm vui cho người chơi và vẫn còn người chơi thì con chim này không chết.
Nguyễn Hà Đông là một lập trình viên, một người đam mê làm sản phẩm và khi đột nhiên thành công thì không được chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với sự nổi tiếng, dẫn tới sự quấy rầy của môi trường xung quanh và cả các vấn đề pháp lý, pháp luật có liên quan tới đời sống con người.
Theo tôi, Đông đã quyết định tạm dừng cung cấp game này để chuẩn bị tốt hơn cho việc đối xử phù hợp với môi trường xung quanh là khôn ngoan. Quyết định này sẽ giúp Đông và các sản phẩm của mình được hoàn thiện hơn, được nhiều người biết đến hơn và được thông cảm nhiều hơn nếu có điểm thiếu sót gì.
Ông Phạm Công Hoàng: Dùng từ “cái chết” thì hơi quá, việc gỡ bỏ game khỏi Apple Store và Goolgle Play không có nghĩa là Flappy Bird đã chết mà chỉ là không phát triển tiếp người chơi mới trên các kênh chính thức mà thôi. Game sẽ vẫn tiếp tục được săn lùng và chia sẻ trên các diễn đàn khác (jailbreak store hoặc share file .apk trực tiếp), khi game vẫn còn người chơi thì sức sống của nó vẫn còn rất mạnh mẽ.
Nếu game vẫn sống, tìm ra lỗi của ai đã giết game nghe hơi vô lý. Nếu lỗi này do chính bản thân game (gây nghiện) như Đông đã nói thì sao? Chúng ta hãy nhìn vào thực tế và tương lai. Nếu có game nào thành công như của Đông xuất hiện, chúng ta sẽ làm như thế nào để hỗ trợ và phát triển cho game và tác giả, làm rạng danh nền công nghệ Việt Nam, để các thế hệ của chúng ta tự hào .. đó mới là câu hỏi đúng trong thời điểm hiện tại.
- Gỡ Flappy Bird có phải là cách ứng xử tốt nhất của Hà Đông trong lúc này? (Tiểu Thương - Cầu Diễn, Hà Nội)
Ông Trần Hoàng Minh: Tôi nghĩ đây là quyết định của cá nhân Đông, vì thế ở góc độ cá nhân không dám nhận xét đó là đúng hay sai. Nếu là tôi, tôi sẽ không gỡ bỏ trò chơi mà tôi sẽ tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ phát triển trò chơi này cũng như các sản phẩm tiếp theo.
Ông Bùi Quang Minh: Đứng ở góc độ một người làm game thì tôi thấy đây là điều đáng tiếc. Còn ở góc độ cá nhân, tôi tôn trọng quyết định của bạn ấy, đây có lẽ là quyết định khiến bạn ấy hài lòng và tĩnh tâm nhất.
Ông Nguyễn Thế Khoa: Bạn ấy đã có 1 quyết định khó khăn, nhưng Đông đã hành xử theo đúng tính chất sư việc. Nếu Hà Đông không đủ kiên nhẫn và không thể làm cho "con chim" của mình đi đúng hướng thì chắc chắn rằng sẽ còn nhiều chuyện khác tồi tệ hơn sẽ xảy ra. Vậy nên, hạn chế nó và cho nó chết dần là cần thiết, vì không biết ngày mai sẽ có bao nhiêu người tiếp tục trải nghiệm Flappy Bird và bao nhiêu chiếc điện thoại và câu chuyện không hay lại diễn ra.
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Không dám nói là tốt nhất nhưng đây cũng là một lựa chọn hợp lý.
- Các ông có lời khuyên nào về ứng xử cho Hà Đông nếu như anh tiếp tục thành công ở một trò chơi khác? (Tiến Mạnh - Nông Cống, Thanh Hóa)
Ông Trần Hoàng Minh: Bản thân lúc này Đông đã có kinh nghiệm rồi, ngoài kế hoạch sáng tạo và làm ra một sản phẩm tốt, Đông nên có những kế hoạch để phát hành một cách bài bản hơn.
Ông Bùi Quang Minh: Nếu bạn Đông tiếp tục thành công trong những trò chơi khác, tôi mong bạn ấy có thể vững vàng hơn, vì đằng sau bạn còn có sự ủng hộ của rất nhiều người trong ngành game, bởi bạn ấy đang mang đến niềm tự hào cho ngành game Việt.
Bạn ấy nên có một đội ngũ chuyên gia về truyền thông, để tránh những áp lực không đáng có.
Ông Bùi Quang Minh trong buổi Giao lưu trực tuyến.
Ông Nguyễn Thế Khoa: Hà Đông cần tiếp tục giữ cho mình đam mê và nhiệt huyết. Hãy cứ là chính mình như hiện tại và không nên quá chạy theo thị trường. Cốt yếu là, Đông có cho mình đôi cánh của chú chim Flappy Bird và điều cần thiết là bảo quản nó thật tốt thay vì tìm 1 quả tên lửa. Bởi lẽ, bay bằng cánh khi bạn có thể điều khiển được nó theo định hướng của mình, khi mệt có thể dừng lại, nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần. Còn đi bằng tên lửa, Đông sẽ có thể “chết” bất kỳ lúc nào.
- Thưa ông Thanh, có người “trách nhẹ” truyền thông vì có lỗi trong việc bới móc đời sống riêng tư quá nhiều của Nguyễn Hà Đông. Quan điểm của ông thế nào về việc này? (Thu Huệ, Bắc Ninh)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Việc truyền thông quan tâm tới các sự kiện lớn như sự kiện Flappy Bird là điều hiển nhiên và có tác động tích cực đến câu chuyện này. Cá nhân tôi thấy truyền thông tương đối công bằng với các ý kiến ủng hộ cũng như các ý kiến băn khoăn về thành công của Flappy Bird. Đương nhiên, bất cứ ai đã trở nên nổi tiếng đều phải chấp nhận sẽ khó khăn trong việc giữ kín cuộc sống riêng của mình.
- Thưa ông Hoàng Minh, nhiều người cho rằng, Flappy Bird là một game chưa thực sự hoàn thiện, nó chỉ tạo cho người chơi cảm giác muốn vượt qua thử thách. Nhưng chính sự may mắn khi đưa nó đến với người dùng nước ngoài trước đã tạo nên sự thành công. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này? (mauhoado1708@gmail.com)
Ông Trần Hoàng Minh: Tôi không đồng tình với ý kiến này vì thực tế không chỉ game đơn giản Flappy Bird mà kể những game lớn trên thế giới cũng không thể gọi là thực sự hoàn thiện. Và game nào cũng tạo cho con người ta cảm giác muốn vượt qua thử thách.
Thực tế ở Việt Nam có rất nhiều đơn vị thực hiện nhưng chưa game nào có được sự thành công như Flappy bird.
- Theo ông Khoa, ai đã giết Flappy Bird? (Hà Nhi, Quảng Bình)
Ông Nguyễn Thế Khoa: Chính những người chơi quá khích đã giết chết Flappy Bird. Chúng ta phải nhìn nhận chính xác, game là game nó không nuôi sống bạn. Tôi biết có những người đang làm ở những vị trí cao trong những công ty lớn, khi chơi game này đã chửi thề và 1 số lại có những hành động quá khích. Điều này tỷ lệ thuận cho sự tò mò và trải nghiệm và dĩ nhiên, khi tới đỉnh điểm truyền thông, nó chỉ là công cụ cho người chơi giết Flappy Bird. Nhìn nhận một cách nhẹ nhàng hơn thì nó chỉ là 1 con chim nhỏ nhưng chính bản thân người chơi biến nó thành 1 thứ khác.
- Thưa ông Bùi Quang Minh, theo ông, việc Hà Đông chọn cách yên lặng trước bão dư luận, không xuất hiện trên báo chí, mà chỉ chia sẻ trên Twitter có phải là hành động đúng và khôn ngoan? Nếu là ông, ông có chọn cách ứng xử như của Hà Đông hay lựa chọn một phương cách khác? (Thu Trang – sinh viên báo chí)
Ông Bùi Quang Minh: Tôi vẫn bảo lưu ý kiến là tôi tôn trọng những quyết định của Hà Đông. Cậu ấy chọn Twitter là phương tiện để phát ngôn, Đông cũng đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn, cởi mở trên phương tiện này.
Nếu tôi đứng ở vị trí của Đông, tôi sẽ thuê một đội ngũ chuyên gia để tư vấn các vấn đề về truyền thông để ứng xử với truyền thông trong và ngoài nước.
- Thưa bác Thanh, có ý kiến cho rằng: Trong chuyện này, truyền thông Việt có tội hơn có công, bác nghĩ sao về điều này? (Cháu Vũ Kim Chi, quê Phú Thọ)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Như tôi đã trả lời câu hỏi của bạn Thu Huệ (Bắc Ninh) ở trên, truyền thông đặc biệt là truyền thông xã hội đóng vai trò tương đối quan trọng cho thành công của các sản phẩm nội dung số nói chung và game Flappy Bird nói riêng. Và với Đông, cách ứng xử với giới truyền thông trong thời gian qua chắc chắn sẽ làm Đông trưởng thành và chín chắn hơn, tạo tiền đề cho những thành công lớn trong tương lai.
Toàn cảnh buổi Giao lưu trực tuyến.
- Thưa ông Hoàng, với cá nhân ông, ông có tự thấy mình học hỏi, rút ra được điều gì từ quá trình chinh phục trò chơi này không, hay game này thật ra vô bổ? Cảm giác của ông thế nào khi game này bị dỡ bỏ? (Nhật Nhật – Đại học Bách khoa Hà Nội)
Ông Phạm Công Hoàng: Về Flappy Bird, theo cách nhìn và quan điểm cá nhân tôi, tôi sẽ không chơi nếu không có bạn bè và các anh em xung quanh cùng chơi. Nếu không có ganh đua so điểm hàng ngày, hàng giờ chắc sẽ không có nhiều chia sẻ đến như vậy.
Giống như Steve Jobs đã từng đưa ra quan điểm, khách hàng đôi khi không biết họ cần gì, cứ làm một sản phẩm thật sự tốt và đưa cho họ, họ sẽ yêu thích nó. Flappy Bird là một sản phẩm gần như là minh chứng rất sát với quan điểm trên.
Về việc bị dỡ bỏ game, Flappy Bird sẽ không chết vì còn rất nhiều người chơi và máy còn cài đặt. Còn về quyết định của Đông, tôi nghĩ đó là một quyết định hợp lý.
- Ngoài Flappy Bird, Hà Đông đang còn 2 game khác cũng khá ăn khách, ngoài ra, từ sự cố của Flappy Bird, 2 game này chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý. Ông Quang Minh có nghĩ nó sẽ tạo sức hút tương tự như Flappty Bird? (Đức Giang - khu tập thể Bệnh viện Tâm thần Trung ương)
Ông Bùi Quang Minh: 2 sản phẩm khác của Đông cũng đang chạy trên các kho ứng dụng và cũng đã thu hút được một lượng người chơi. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, thì cũng khó để đưa ra lời nhận định về sự thành công của 2 game này. Bên cạnh đó, thì 2 sản phẩm này có thành công hay không còn phải phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của chúng.
- Thưa ông Khoa, thế giới đã biết tới cái tên Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông, việc gỡ bỏ game và những ồn ào dư luận có khiến thế giới nghĩ khác về game và các chính sách của Việt Nam đã kìm hãm/giết chết nhân tài? (bạn đọc gửi về từ mail tamazaki@gmail.com)
Ông Nguyễn Thế Khoa: Cảm ơn bạn về câu hỏi này, nhưng chúng ta không nên bàn tán quá nhiều bởi theo quan điểm của tôi, chính những người chơi đang làm mọi thứ quá lên. Chính sách của nhà nước sinh ra để quản lý nhưng trong trường hợp này luật pháp hay chính sách chưa hề gây áp lực cho bạn Hà Đông.
Bạn ấy có quyền đầu quân về những công ty game hàng đầu để phát triển hay qua nước ngoài tu nghiệp. Nhà nước cho bạn nền kinh tế hội nhập, cho các bạn những hệ thống giáo dục, đó chính là cái cần câu và chính những người như Đông hay các bạn trẻ phải dùng cần câu đó đi câu cá. Đông đã biết câu cá và tận hưởng thành quả bạn ấy. Vậy có phải là chính sách kìm hãm không bạn?
- Giới trẻ Việt hiện nay hay a dua theo số đông, không phân định được bản thân đang làm gì, chính bạn trẻ Việt đã giết chết một sáng tạo, vậy ông Bùi Quang Minh có sáng kiến gì để nêu cao nhận thức của thế hệ trẻ? (Thế Hiệp - Lĩnh Nam, Hà Nội)
Ông Bùi Quang Minh: Theo tôi việc Đông tạo nên một sản phẩm gây tiếng vang trên toàn cầu đã là một kỳ tích rất lớn và các bạn trẻ nên nhìn những thành công ở mặt tích cực hơn. Bất kỳ sự thành công nào cũng rất đáng khích lệ và trở thành tấm gương, nguồn cảm hứng để những người Việt trẻ noi theo.
Còn nguyên nhân tại sao Đông lại gỡ bỏ trò chơi này thì chỉ có Đông mới biết chính xác.
- Sau khi Flappy Bird bị gỡ, rất nhiều game nhái game này hiện đang sống khỏe. Theo ông Thanh, liệu Nguyễn Hà Đông có thể kiện tác giả các game đó không? Và có nên kiện không? (Hưởng – HV Bưu chính Viễn thông)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Đông có quyền để kiện tác giả của các sản phẩm nhái nhưng việc kiện hay không hoàn toàn do cá nhân Đông quyết định. Theo tôi đoán thì Đông sẽ không kiện các tác giả đó bởi vì mục tiêu của Đông khi tạo ra Flappy Bird không nặng về mục đích kinh tế mà mục tiêu mang lại nhiều niềm vui cho người sử dụng.
- Thưa ông Trần Hoàng Minh, theo ông, vì sao Flappy Bird lại tạo ra cơn sốt như thế? Có phải do độ khó của nó khiến người chơi tò mò? (Tuệ Minh – Nghệ An).
Ông Trần Hoàng Minh: Flappy Bird tạo độ khó khiến người chơi tò mò là một phần trong việc tạo cơn sốt. Tôi nghĩ chính là sự đơn giản trong cách chơi, cộng với đồ họa quen thuộc với rất nhiều thế hệ. Ngoài ra một trong những điểm quan trọng chính là sự lan tỏa của mạng xã hội từ Facebook, Twitter cộng với hiệu ứng của truyền thông.
Ông Nguyễn Lâm Thanh đang trả lời câu hỏi của độc giả.
- Theo ông Thanh, điều gì khiến Flappy Bird lại nổi tiếng tới mức như vậy? Có phải nhờ truyền thông không? (bạn đọc gửi từ hòm mail nhoc_con_noi_xa@yahoo.com)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Flappy Bird nổi tiếng thứ nhất vì sản phẩm giải trí mà ai cũng có thể chơi được. Hơn nữa ở đây mỗi một người chơi đều mong muốn cải tiến, sáng tạo để vượt qua chính mình nên dễ “nghiện” game này, đặc biệt khi họ có sự so sánh kết quả với những người xung quanh. Bên cạnh đó, sự thành công do có sự phổ cập của smartphone và các mạng xã hội. Sự thành công của Flappy Bird là minh chứng cho các sản phẩm tốt, ý tưởng tốt có thể nhanh chóng đến được với hàng trăm triệu người dùng trong thời gian rất ngắn và đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ khác.
- TGĐ VGG đã từng tuyên bố sẽ trải thảm mời Hà Đông. Vậy còn ông Bùi Quang Minh, ông có muốn mời Hà Đông về đầu quân cho mình không và nếu Hà Đông đồng ý về thì mức lương của cậu ấy có thể được trả là bao nhiêu? (Phương Dung – Thanh Hóa)
Ông Bùi Quang Minh: Tôi rất vinh hạnh nếu có được một tai năng như Đông trong công ty của mình. Tôi sẽ dành cho Đông những đãi ngộ tốt nhất xứng đáng với tài năng của Đông.
- Thưa ông Hoàng, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến nhận xét rằng: Nguyễn Hà Đông rất tuyệt. Còn ông thấy sao? (Đan Linh – 16 tuổi)
Ông Phạm Công Hoàng: Để Flappy Bird là một game thiết kế đơn giản, khó chơi nhưng lại chinh phục được cả thế giới như vậy không phải đơn giản. Để làm game này trong vòng 3 ngày như Đông đã nói trong các bài phỏng vấn thì là cả một quá trình rèn luyện, thử nghiệm và trải nghiệm trong hơn 4 năm với cùng một thể loại Arcade, từ game trên nền Java đến các game trên Smart Phone.
Theo tôi dùng từ rất tuyệt chưa đủ để mô tả cho đam mê bất tận đó của Đông, phải thêm vài từ nữa sẽ hấp dẫn hơn.
- Chào tòa soạn, tôi muốn gửi câu hỏi này tới ông Thanh: Thưa ông, Hà Đông luôn né tránh tiếp xúc với báo chí và hầu như chỉ chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Theo ông đây có phải là một hành động thiếu khôn ngoan của Đông, bởi biết đâu nếu cậu ấy xuất hiện trên báo chí và chia sẻ quan điểm cá nhân thì mọi chuyện đã rẽ sang một hướng khác? (Thanh Tân, Hòa Bình)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Đông sử dụng mạng xã hội Twitter để chăm sóc các khách hàng của mình, đó là lý do mà các thông tin về sản phẩm Flappy Bird xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Twitter.
- Tôi không phải là người am hiểu về game nhưng tôi thấy game Flappy Bird là 1 game nhàm chán, khiến cho người chơi bực mình chứ không có chất xám trong đó. Ông Trần Hoàng Minh có nghĩ rằng Hà Đông có thể viết thêm những game khác mang tính đột phá không? (Trần Minh, 23 tuổi, Thanh Hóa)
Ông Trần Hoàng Minh: Theo tôi thì Hà Đông có thể viết thêm những game thành công khác mang tính đột phá và tôi hy vọng game đó sẽ phù hợp với bạn.
- Thưa ông Thế Khoa, có thể coi sự kiện Flappy Bird của Hà Đông là một khủng hoảng về truyền thông hay không? Có thì tại sao và không thì như thế nào? (người giấu tên)
Ông Nguyễn Thế Khoa: Cảm ơn bạn vì câu hỏi này. Chính xác đây là 1 sự kiện khủng hoảng của truyền thông. Truyền thông chỉ là thứ cho mọi người tiếp cận với thông tin. Những người làm truyền thông chỉ đang truyền tải đi những chủ đề nóng dưới góc nhìn đa chiều. Họ không cố moi móc mà thực tế nhiều người đang cố gắng moi móc.
Khi con số 50.000 USD/ngày được đưa ra, nhiều người đã không tin và báo chí đi tìm sự thật cho bạn đọc. Tuy nhiên, điều này đã vô tình hay cố ý đã đi khai thác quá sâu. Người đọc không tò mò không quan tâm thì mọi chuyện sẽ có cái kết nhẹ nhàng. Ngươi đọc tò mò thì mọi chuyện sẽ trở nên lớn hơn.
Ông Nguyễn Thế Khoa.
- Theo ông Bùi Quang Minh, Flappy Bird có phải là một hướng mới cho các game phát triển trong tương lai hay không? (Quang Minh – kỹ sư phần mềm)
Ông Bùi Quang Minh: Theo tôi thì đây là một hướng phát triển game rất phù hợp với điều kiện của ngành game của Việt Nam. Với quy mô nhỏ thì một hoặc vài người có thể làm ra các sản phẩm nhanh, đơn giả, thử nghiệm và cải tiến liên tục, mà vẫn có cơ hội tạo ra các sản phẩm rất thành công. Flappy Bird chính là minh chứng hùng hồn.
- Thưa ông Bùi Quang Minh, theo ông, ở Việt Nam hiện tại có tựa Game mobi nào mang về lợi nhuận lớn như của Hà Đông? Và hiện Game mobi ở Việt Nam, chúng ta đang đứng ở đâu trên thế giới? (Ngọc Tú – Hà Nội)
Ông Bùi Quang Minh: Ở thị trường Việt Nam, hiện cũng đã có nhiều tựa game khá thành công, nhưng vẫn chỉ gây tiếng vang ở tầm cỡ khu vực và trong nước. Còn gây được tiếng vang toàn cầu, thì Flappy Bird là trường hợp đầu tiên.
- Ngành công nghiệp game Việt Nam còn rất non trẻ so với thế giới. Nhưng với sự phát triển nhanh của cơ sở hạ tầng về cộng nghệ, thì chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm thành công tầm cỡ quốc tế.
- Đáng tiếc là game Flappy Bird nổi tiếng với người Việt là thông qua những bài báo, bài phỏng vấn từ báo nước ngoài. Điều này có thể hiện sự non yếu của truyền thông Việt Nam không, thưa ông Thanh? Qua sự việc này truyền thông Việt Nam sẽ rút ra bài học gì? (Dương Hân, Nam Định)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Thứ nhất, thành công của Flappy Bird đến từ thị trường toàn cầu trước thị trường trong nước nên báo chí quốc tế phát hiện ra sự kiện này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, truyền thông Việt Nam đáng ra phải khai thác sâu hơn chủ đề này để tận dụng cơ hội quảng bá cho đất nước và con người Việt Nam như giới truyền thông Hàn Quốc đã làm với Geangnam Style thì lại tập trung vào các vấn đề cụ thể. Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm.
- Khi chơi trò "chú chim ngu" này, tôi thấy khá ức chế vì cách lập trình "hơi một chút là mất mạng". Phải chăng Hà Đông chỉ có trình độ nhận thức và lập trình tầm trung nên không thể sáng chế ra được game đỉnh cao, thưa ông Hoàng Minh? (Nguyễn Thăng, Hà Đông)
Ông Trần Hoàng Minh: Tôi chắc chắn không chỉ Hà Đông mà tất cả các lập trình viên làm game ở Việt Nam đều có thể làm ra được những game đẹp và “dễ” hơn Flappy Bird. Ở góc độ cá nhân thì một game đỉnh cao là một game được nhiều người chơi, nhiều người chấp nhận.
Bản thân một lập trình game sẽ luôn luôn mong muốn làm ra một sản phẩm đẹp, phức tạp. Nhưng theo bạn liệu có bao nhiêu người suy nghĩ sẽ làm một game đơn giản mà khó như Hà Đông?
- Vừa rồi có một nhà báo nước ngoài đã đăng đàn xin lỗi Hà Đông. Theo ông, sau sự kiện này, truyền thông trong nước có cần rút kinh nghiệm gì không trong việc đưa tin? (Vũ Tuyết, Tam Điệp, Ninh Bình)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Về nguyên tắc, ta cần phân biệt được đưa tin và bình luận. Đưa tin thì cần đúng sự thật và tập trung vào các vấn đề mà độc giả quan tâm. Bình luận thì cần làm cho độc giả hiểu rằng đây là quan điểm của người bình luận.
Các đơn vị báo chí và truyền thông trong nước khi viết về sự kiện Flappy Bird thì chủ yếu chia ra làm 2 hướng: Tự đưa tin, bình luận và các tin bài dịch. Trong đó, các phần tin bài dịch có thể đã gây ra hiểu lầm rằng: Truyền thông trong nước không ủng hộ Hà Đông còn phần tin, bài do báo chí trong nước tự sản xuất nói chung là công bằng. Bài học kinh nghiệm nếu có là cẩn trọng hơn khi đưa tin lại từ báo chí nước ngoài.
Ông Nguyễn Lâm Thanh vui vẻ trò chuyện với độc giả báo điện tử Trí Thức Trẻ.
- Thưa ông Nguyễn Thế Khoa, là một chuyên gia về marketing, theo ông, trong sự kiện Flappy Bird vừa qua, lẽ ra các cơ quan chức năng nhà nước của Việt Nam cần tận dụng cơ hội này như thế nào để quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới để nhiều người biết đến Việt Nam hơn? (Vũ Thu Huyền, Hà Nội)
Ông Nguyễn Thế Khoa: Câu hỏi này khá thú vị với tôi. Cảm ơn bạn rất nhiều về câu hỏi này. Về vấn đề này, có rất nhiều khía cạnh khác nhau và mọi chuyện đến và đi rất nhanh. Ai cũng hiểu 1 bộ máy như chính phủ hay bộ máy doanh nghiệp cần thời gian và tài chính để cơ thể tận dụng làn sóng Flappy Bird để PR cho quốc gia Việt Nam. Và nhất là khi quyết định chọn 1 sản phẩm game như thế, cần phải xem xét nhiều vấn đề liên quan tới nhau.
Tôi thử đưa ra một ví dụ: nếu game này thực sự bị 1 công ty khác kiện về việc vi phạm bản quyền, vậy việc gắn cái tên quốc gia lên để quảng bá hình ảnh của mình thì có khác nào đang làm xấu đi hình ảnh quốc gia, dân tộc?
Việt Nam có rất nhiều người hay doanh nghiệp sử dụng những scandal để PR đánh bóng tên tuổi. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tới yếu tố nhất thời chứ không lâu dài. Và điều đó thực sự là không có chiều sâu và điều tiếng không hay chắc chắn sẽ còn, ghi dấu với tên thương hiệu đó.
Nhưng theo quan điểm của tôi, nếu như Đông hay nhiều người khác đang phát triển những dự án thế này thì họ cần phải nâng cao hơn nữa niềm tự hào vì mình là người Việt Nam. Đây là cách tốt để tự mình PR cho chính hình ảnh của quốc gia, dân tộc.
Mọi người chỉ biết tới game Made in Việt Nam khi truyền thông khai thác tin về chủ nhân của game này. Vậy nếu trong game có những hình ảnh hay tình tiết made in Việt Nam khác thì tôi chắc chắn rằng sẽ được nhiều người chú ý và ủng hộ hơn. Việc quảng bá hình ảnh của đất nước khônng thể cứ mong đợi vào nhà nước mà cần sự chung tay của toàn thể người dân Việt.
- Nhiều người cho rằng, việc Hà Đông "khai tử" game Flappy Bird phần lỗi chính là từ sự choáng ngợp của anh ấy còn tác động của truyền thông chỉ chiếm phần nhỏ. Ông Hoàng đánh giá thế nào về ý kiến này? (Hoàn Kiên – Tây Ninh)
Ông Phạm Công Hoàng: Tôi nghĩ không hẳn thế, Đông là người có suy nghĩ khá chính chắn và bình tĩnh, quyết định này không phải là quyết định bồng bột từ ảnh hưởng của truyền thông. Có nhiều lý do, nhưng tôi đồng quan điểm với Đông là làm game vì sở thích, vì đam mê, nếu có gì ảnh hưởng đến mục tiêu này thì sẽ cần phải thay đổi. Tôi rất khâm phục Đông ở điểm này.
- Thưa ông Hoàng Minh, ông cảm thấy thế nào khi Hà Đông khai tử game Flappy Bird? (Minh Nguyệt – ĐH Bách Khoa).
Ông Trần Hoàng Minh: Tôi thấy rất bất ngờ với quyết định này của Hà Đông vì tôi nghĩ đây là thời điểm tốt nhất để có thể khai thác Flappy Bird.
- Việc game của Đông bỗng chốc nổi tiếng tạo tiền đề cho game Việt trên thị trường thế giới. Công ty của ông Bùi Quang Minh đã và đang có chiến lược gì để tận dụng thời cơ này? (Nguyễn Trung Dũng – HV Ngoại giao)
Ông Bùi Quang Minh: Chúng tôi vẫn luôn tích cực quảng bá hình ảnh của ngành công nghiệp game Việt Nam với các đối tác quốc tế. Chúng tôi không có chiến lược tận dụng hình ảnh và thời cơ từ sự thành công của bất kỳ sản phẩm bên ngoài công ty.
- Có blogger người Mỹ cho rằng, quyết định gỡ game Flappy Bird là cực kỳ thông minh vì: (1) Về tài chính, Nguyễn Hà Đông đã thành công. (2) Thời gian 22 tiếng được báo trước khi gỡ sẽ là lúc lượng tải về tăng đột biến. (3) Tên tuổi Nguyễn Hà Đông sẽ được lợi rất nhiều. Nếu anh ra game mới dưới danh nghĩa "sản phẩm tiếp theo của cha đẻ Flappy Bird" thì người dùng sẽ phát sốt. Ông Nguyễn Thế Khoa đánh giá thế nào về nhận định này? (Một dịch giả gửi thư từ Mỹ về)
Ông Nguyễn Thế Khoa: Góc nhìn của blogger này là góc nhìn của 1 người làm kinh doanh thì mọi thứ đều chính xác. Cơn sốt rồi cũng qua, không thể mong đợi Flappy Bird sống mãi mà cần có những thứ mới hơn và ngay cả Hà Đông cũng hiểu vấn đề này. Để game này tiếp tục sống thì mọi chuyện sẽ không còn ở mức kịch tính và sự quay lại của Đông sẽ không có độ nóng để tiếp tục tạo nên 1 game tốt được nhiều người chơi, hưởng ứng. và lại càng không có chuyện không Hà Đông sẽ tạo ra sóng lần 2 được. Con người vốn hào sảng lúc này tung hô lúc sau quên. Như trường hợp của Running Man Vũ Xuân Tiến cũng vậy. Thời gian này, có mấy ai nhắc tới bạn ấy nữa đâu.
Các khách mời đang trả lời độc giả trong buổi Giao lưu trực tuyến "Ai giết chết Flappy Bird?".
- Làm cách nào để người nổi tiếng sống chung với sự “xâu xéo” của truyền thông, thưa ông Thanh? (Thụy Khuê, Đăk Lăk)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Để sống chung với sự “xâu xé” của truyền thông hãy sống như chính bản thân mình vì không ai “diễn” được suốt cả cuộc đời!
- Đặt giả thuyết “cha đẻ” của Flappy Bird Nguyễn Hà Đông sẽ mở lại trò chơi này, liệu sức hút có còn nóng như thế nữa hay không thưa ông Khoa? (Vũ Thu Thủy, Quảng Ninh)
Ông Nguyễn Thế Khoa: Cảm ơn bạn về câu hỏi. Chúng ta phải thẳng thắn. Game trên App luôn có những game mới. Mọi người sẽ nhanh tìm tới game khác khi mọi chuyện lắng xuống. King và Candy là hai trò chơi điển hình như vậy.
- Thưa ông Hoàng, một số báo chí so sánh Hà Đông với Nguyễn Duy Biểu (Chàng cử nhân bán rong với giấc mơ cà phê Việt) - một người thành công mà khiêm tốn, không bao giờ nói tới doanh thu trước truyền thông và họ cho rằng Hà Đông quá dại khi nói doanh thu của mình. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Phạm Công Hoàng: Đông là một người khá ít nói và khiêm tốn như những gì báo chí mô tả về cậu ấy. Việc trả lời truyền thông về doanh thu của game, có thể là sơ suất của Đông khi chưa bao giờ ở trong tình huống này. Tuy nhiên, cái mà Đông không lường trước được chính là phản ứng của truyền thông Việt Nam.
- Gửi ông Thanh! Tôi muốn hỏi: Giới truyền thông nên làm gì để vực dậy tinh thần cho ông chủ Flappy Bird? (Quốc Huy, Nghệ An)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Theo tôi, hiện nay, tinh thần của ông chủ Flappy Bird hiện đang rất tốt!
- Thưa ông Thanh, trong tương lai, ông có nghĩ hội truyền thông số nên tài trợ hay hợp tác với Hà Đông để phát triển nhiều dự án? (một độc giả giấu tên)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Đông đang trở thành một biểu tượng thành công của giới trẻ công nghệ Việt Nam. Hội truyền thông số mong muốn hợp tác với Đông để tạo ra một trào lưu sáng tạo của các bạn trẻ, các doanh nghiệp trẻ Việt Nam thành công trên thị trường thế giới.
- Thưa ông Khoa, tôi có đọc được một số bài báo của ông. Xin gửi lời chào tới ông! Ông cho tôi hỏi, việc Hà Đông lựa chọn "tránh" truyền thông trong thời gian qua có phải là một sự khôn ngoan? Tránh truyền thông, phải chăng Hà Đông đang dắt mũi truyền thông? Làm vậy chỉ để tên tuổi của cậu nổi hơn nữa? Nếu là ông, ông sẽ làm gì? Và lời khuyên ông muốn dành cho Đông ở đây là gì? (Tuyết Ái, Ba Vì, Hà Tây)
Ông Nguyễn Thế Khoa: Thực tế không ai có thể dắt mũi truyền thông ngoài cơ quan có thẩm quyền. Truyền thông là con dao 2 lưỡi. Nếu không khéo léo thì tôi dám chắc người dùng nó sẽ bị thương.
Hà Đông không thể dắt mũi truyền thông, vì nếu ko biết làm thì chắc chắn bạn ấy sẽ “thân bại danh liệt”. Và nếu báo chí không khai thác con số 50.000 USD/ngày thì cục thuế và nhiều ban ngành sẽ ko để ý. Nếu làm việc cứng nhắc, Hà Đông sẽ bị kiểm tra thu nhập và kiểm tra bản quyền hay rất rất nhiều thứ khác. Đó không phải là cách làm khôn ngoan khi nghĩ mình có thể dắt mũi ai đó.
Việc Hà Đông tránh không tiếp xúc với truyền thông cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, mọi phát ngôn của Đông sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới bản thân Đông trong lúc này. Và nếu tôi là Đông, tôi cũng sẽ chọn cách “im lặng thì sóng gió sẽ qua”. Một khi bạn càng cố gắng giải thích với báo chí thì chỉ càng làm tăng nghi ngờ với những hành động bạn đã làm. Cứ để thời gian sẽ làm chuyện lắng dịu.
Nếu nói là cho bạn Đông một lời khuyên thì tôi không dám. Bởi trong hoàn cảnh này, chính xác là bạn ấy đang giải quyết rất tốt cuộc khủng hoảng này.
- Là lãnh đạo các đơn vị kinh doanh game lớn, đã bao giờ ông Trần Hoàng Minh nghe đến trường hợp nhà sản xuất gỡ game vì "nó gây nghiện, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng người chơi?" Ông có hiểu và đồng cảm với cách giải thích đó? (thuyngavu@gmail.com)
Ông Trần Hoàng Minh: Tôi không đồng ý nếu dùng từ “gây nghiện” khi dịch từ thông điệp gốc của Hà Đông ở Twitter.
Nếu thực sự có một game hay bất kỳ một dịch vụ giải trí nào “gây nghiện, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng” thì đều phải dừng hoạt động.
- Nếu Hà Đông mở lại game, theo ông Lâm Thanh đó có phải là hướng giải quyết khủng hoảng truyền thông tốt nhất? (Hòe Thi, Ba Đình, Hà Nội)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Hiện tại thì Đông đang có nhiều sản phẩm game trên kho ứng dụng của Apple và Google, những sản phẩm này cũng tương đối thành công. Bản thân Đông khẳng định đang tiếp tục sáng tạo thêm nhiều trò chơi mới, nên tôi hi vọng trong tương lai gần, sẽ có một phiên bản mới hơn của Flappy Bird phục vụ các bạn chơi game.
- Thưa ông Hoàng, đặt giả sử ông trong trường hợp của Hà Đông ông sẽ ứng xử như thế nào khi game của mình đạt được thành công như vậy? (Hoàng Minh - Phủ Doãn, Hà Nội)
Ông Phạm Công Hoàng: Việc đầu tiên tôi suy nghĩ tới, đó là tìm kiếm một Advisor đủ kiến thức và kỹ năng giúp cho tôi hiểu tôi sẽ phải đối mặt với những gì. Quan trọng hơn là tìm kiếm được những người cùng đứng chung với mình để vượt qua khó khăn.
Sau đó thì, tôi sẽ tiếp tục phát triển tốt sản phẩm của mình thôi, tất nhiên sẽ cố gắng để không phải gỡ sản phẩm của mình xuống (cười)
- VTC Game có rút ra được bài học nào từ sự thành công của Hà Đông, thưa ông Trần Hoàng Minh? (Công Luận - Giải Phóng, Hà Nội)
Ông Trần Hoàng Minh: Những sản phẩm của VTC Game đang phát hành so với Flappy Bird thì khá là khác biệt. Tuy nhiên, những sản phẩm thành công của VTC Game như AU,CF đều có một điểm chung nhỏ đối với Flappy Bird đều là sự đơn giản và dễ tiếp cận với người chơi. Qua sự thành công của Flappy Bird, VTC Game cũng sẽ có những sự điều chỉnh để phù hợp với khách hàng hơn nữa.
- Bác Thanh ơi, cháu ở Sài Gòn cũng theo dõi thường xuyên sự kiện này. Bác cho cháu hỏi: Nếu được khuyên một lời, bác sẽ nói gì với Hà Đông trong lúc này? (Tuấn Đình, sinh viên năm 2, Đại học Bách Khoa)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Hãy tiếp tục làm việc!
- Thưa ông Phạm Công Hoàng, trên thị trường game thế giới, đã bao giờ có chuyện 1 game đang ở đỉnh cao lại bị chính tác giả gỡ xuống như trường hợp Flappy Bird chưa? Và nếu có thì câu chuyện sau đó là thế nào? (Huyền Dậu - Hải Dương)
Ông Phạm Công Hoàng: Việc này không phải không có tiền lệ, tuy nhiên những sản phẩm trong tình trạng tương tự hầu hết dừng vì sản phẩm đều do một lý do khách quan. Với Đông tôi thấy đấy là quyết định mang tính cá nhân nhiều hơn, như Đông trả lời các báo thì vì Flappy Bird đã trở nên quá gây nghiện nên mới gỡ xuống. Nếu thật sự như vậy, tôi rất khâm phục đam mê của Đông (cười tiếp)
Đa phần, những sản phẩm như vậy đều có một câu chuyện với một kịch bản tương tự, tác giả đầu tư hoặc nhận đầu tư để tiếp tục một hoặc nhiều sản phẩm mới, và hầu hết các sản phẩm tiếp sau đó đều thành công vượt trội. Tôi cũng hy vọng Đông sẽ đạt được nhiều thành công như vậy.
- Việc Hà Đông lựa chọn "tránh" truyền thông trong thời gian qua có phải là một sự khôn ngoan? - Tránh truyền thông, phải chăng Hà Đông đang dắt mũi truyền thông? Làm vậy chỉ để tên tuổi của cậu nổi hơn nữa? Thưa ông Thanh, nếu là ông, ông sẽ làm gì? Và lời khuyên ông muốn dành cho Đông ở đây là gì? (Tuyết Ái, Ba Vì, Hà Tây)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Đông đang lựa chọn đơn vị truyền thông hơn là tránh truyền thông. Quyết định đó thể hiện sự trưởng thành từ một người bình thường đến một người của công chúng. Và tôi ủng hộ quyết định này của Đông.
- Thưa ông Trần Hoàng Minh, với cách xử lý của Hà Đông, có ý kiến cho rằng, nếu Flappy Bird được mở lại sẽ không còn có được sự ủng hộ như trước nữa, ông có ý kiến gì xung quanh nhận định này? (trunguce21@gmail.com)
Ông Trần Hoàng Minh: Tại thời điểm này nếu Hà Đông mở lại thì nó còn nguyên độ “hot” như thế, thậm chí quyết định dừng rồi mở lại của Hà Đông là bước đi “sáng tạo”.
- Theo ông Hoàng thì công thức nào đã giúp Flappy Bird thành công như vậy? Giả sử Nguyễn Hà Đông (hoặc một người viết ứng dụng khác) dùng lại đúng công thức đó, thì liệu còn khả năng thành công hay không? (Thu Trang - TX Tam Điệp, Ninh Bình)
Ông Phạm Công Hoàng: Như đã nói ở trên, công thức của Đông được tích lũy từ kinh nghiệm và đam mê. Sẽ rất khó để người khác làm lại được đúng công thức như vậy. Ai cũng có thể thành công, và sẽ chỉ thành công nếu họ có công thức riêng cho mình.
- Hà Đông gỡ bỏ game trong lúc mọi người đang còn rất ưa chuộng, theo ông Thanh, quyết định này có đúng thời điểm, nó mang lại điều gì cho Hà Đông và lấy đi của Hà Đông điều gì? Mong ông trả lời giúp. (Phạm Xuân Hải, Tràng Thi, Hà Nội)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Quyết định gỡ bỏ game là quyết định bất ngờ và rất sáng tạo, thực tế hành động gỡ bỏ game đã góp phần đẩy câu chuyện Flappy Bird lên một tầng cao hơn. Cá nhân Đông cũng có nhiều thời gian và không gian hơn để đưa ra các quyết định đúng đắn cho mình trong tương lai. Tất nhiên có thể Đông cũng sẽ phải hi sinh một phần các lợi ích tài chính.
- Ông dự đoán thế nào về số phận của Flappy Bird nếu nó không bị Hà Đông gỡ bỏ trong thời điểm huy hoàng? Liệu nó có tiếp tục duy trì độ hot trong một thời gian dài? (Ngân Hà – Xuân Thủy).
Ông Trần Hoàng Minh: Vì là một game khá đơn giản nên cá nhân tôi nghĩ nếu không gỡ bỏ trong thời gian nhất định thì độ “hot” của game cũng sẽ không kéo dài. Tuy nhiên, nếu nó vẫn tồn tại thì những sản phẩm kế cận của Hà Đông sẽ dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn.
- Việc những người lập trình đơn lẻ có những bước tiến thành công giống như Nguyễn Hà Đông có tác động gì tới sự phát triển của các công ty phát triển, phát hành game như fpt và những đơn vị khác không, thưa ông Phạm Công Hoàng?
Ông Phạm Công Hoàng: Chắc chắn là có, giấc mơ trở thành triệu phú trong mảng lập trình game mobile đã được bắt đầu từ rất lâu trên thị trường quốc tế. Đã và đang có rất nhiều người theo đuổi giấc mơ và đam mê này, thành công của Đông sẽ như một đòn bẩy cho cho việc phát triển game của Việt Nam trong tương lai.
- Lòng đố kỵ là một thói xấu của con người, ông Thanh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng Flappy Bird và Hà Đông đang là nạn nhân của thói xấu này? (Nguyễn Mai, Thái Nguyên)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Vấn đề ở đây là người Việt hiện nay thiếu niềm tin ở nhau, sự đố kỵ chỉ là một phần, chủ yếu là sự băn khoăn đến từ việc họ không tin rằng trí tuệ Việt có thể thành công ở cấp độ thế giới như thế! Tất cả các sản phẩm thương hiệu Việt hiện nay đều đối mặt với việc người dùng Việt Nam không tin rằng sản phẩm Việt có chất lượng tốt và an toàn.
- Là một người quản lý về game, ông Bùi Quang Minh có cảm thấy chạnh lòng không rất nhiều nhân viên của mình được đầu tư nhiều như vậy nhưng lại chưa thể tạo ra được một game hot như Flappy Bird? (Đình Trung – Thanh Trì)
Ông Bùi Quang Minh: Trường hợp của Đông là trường hợp xuất sắc hiếm có và bạn ấy đã phải rèn luyện kỹ năng, tích lũy rất nhiều kinh nghiệm thì mới làm ra được Flappy Bird.
Ở góc độ công ty, chúng tôi xác định vào việc đầu tư dài hạn vào con người và hy vọng trong tương lai, chúng tôi sẽ có các sản phẩm game thành công mang lại giá trị giải trí cho cộng đồng.
- Thưa ông Hoàng Minh, nếu cho ông lựa chọn, ông có muốn trở thành công ty quản lý game này không? (baochiviet@gmail.com)
Ông Trần Hoàng Minh: Tôi nghĩ rằng bất kỳ đơn vị phát hành game nào cũng đều muốn quản lý một game được ủng hộ và nhiều người chơi như Flappy Bird.
- Sau khi game Flappy Bird bị gỡ khỏi các kho ứng dụng, đã có nhiều đồn đoán về nguyên nhân dẫn đến quyết định đột ngột này, trong đó có cả ý kiến cho rằng các cơ quan truyền thông đã gây sức ép lên anh Nguyễn Hà Đông bằng các thông tin về thuế và vấn đề bản quyền. Tuy nhiên, lý do mà anh Đông đưa ra với báo chí lại không phải như vậy. Qua vụ việc này, ông Thanh có ý kiến gì về vai trò của truyền thông trong việc phản ánh một vấn đề được dư luận chú ý đặc biệt?
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Việc gỡ bỏ game là quyết định của cá nhân Nguyễn Hà Đông, truyền thông chỉ đóng vai trò cung cấp thêm cho Đông các vấn đề có thể xuất hiện sau khi Flappy Bird và Đông trở nên phổ biến.
- Trong các hoạt động dịch vụ trực tuyến, game là 1 dịch vụ khá hút khách. Ông Hoàng đánh giá như thế nào với sức hút của Hà Đông và Flappy Bird trong thời gian qua? (Cao Tuân - Cầu Giấy, Hà Nội)
Ông Phạm Công Hoàng: Truyền thông đã thể hiện rõ rồi, đâu đâu tôi cũng thấy Flappy Bird, facebook có, ngoài quán café có, ở nhà cũng có .. Việc này càng khẳng định hơn, game là một dịch vụ giải trí sẽ còn gắn liền với cuộc sống của chúng ta dài dài (cười).
- Từ câu chuyện Flappy Bird, ông Trần Hoàng Minh có nghĩ rằng đây là nhân tố tạo "đột phá" và "dám thay đổi" cho làng game Việt nói chung? (nguyenhongmaiftu@gmail.com)
Ông Trần Hoàng Minh: Đứng ở góc độ nhà phát hành game, tôi không nghĩ Flappy Bird sẽ là nhân tố tạo đột phá cho thị trường game ở Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng là sẽ là nhân tố thúc đẩy người chơi quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm game của do người Việt sản xuất. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy cho các đơn vị đầu tư vào sản xuất game.
- Thưa ông Bùi Quang Minh, ông đánh giá sao về đội ngũ sản xuất game của nước ta hiện nay? (gamehay@gmail.com)
Ông Bùi Quang Minh: Hiện nay ở Việt Nam thì hầu hết nhân lực hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số đều rất trẻ và nhiệt huyết. Với khả năng học hỏi, tiếp nhận công nghệ từ thế giới và khát vọng thành công, thì tôi đánh giá đây là một nguồn nhân lực rất tiềm năng và hy vọng sẽ có nhiều Flappy Bird khác xuất hiện trong tương lai gần.
- Cũng tương tự như vụ hôi bia, nhiều người gọi vụ Flappy Bird là vụ “kền kền hôi tin” vì có quá nhiều nhà báo, truyền thông tập trung bới móc quá nhiều vào đời tư của Hà Đông. Là Tổng thư ký hội truyền thông số Việt Nam, ông bình luận thế nào về xu hướng này, có phải nó đang càng ngày càng gia tăng trong thời buổi công nghệ số hiện nay? (Huệ Như, Bình Định).
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Phải phân biệt giữa báo chí và truyền thông của mạng xã hội. Thông tin trên mạng xã hội thì rất nhanh và không cần kiểm chứng, nhưng có sức lan tỏa khủng khiếp. Do đó, trong nhiều trường hợp làm lu mờ thông tin chính thống của báo chí.
- Thưa ông Trần Hoàng Minh, ông kỳ vọng gì ở game Việt và giới truyền thông, người chơi game sau vụ việc này? (Trần Đoàn Nghiệp – Đại Hoàng, Hà Nam)
Ông Trần Hoàng Minh: Thực tế từ trước đến giờ có nhiều đơn vị phát triển và phát hành sản phẩm của mình ở trong nước, nhưng những sản phẩm này lại bị chính các game thủ trong nước kỳ thị và chưa được truyền thông quan tâm đúng mức làm cho nhiều đơn vị phải rời bỏ việc theo bỏ việc sản xuất game.
Tôi hy vọng sau trào lưu Flappy Bird, người chơi và giới truyền thông có cái nhìn khác về game do người Việt sản xuất.
- Là tổng thư ký hội truyền thông số Việt Nam, ông đánh giá thế nào về những áp lực mà Nguyễn Hà Đông gặp phải khi game Flappy Bird thành công bất ngờ? (Hoàng Hà, Thái Bình)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Sự quan tâm quá mức của những người xung quanh khi bạn đột nhiên nổi tiếng thường làm bạn khó chịu và đôi khi buộc bạn phải thay đổi lối sống của mình. Đây là thời điểm Đông đang đối mặt với vấn đề trên. Tôi chúc Đông vượt qua để có những thành công lớn hơn trong tương lai.
- Có người nói rằng, truyền thông là bệ phóng khủng khiếp cho những thành công kiểu như Hà Đông. Với lĩnh vực game, truyền thông quan trọng như thế nào thưa ông Phạm Công Hoàng? (Hương Tiên - Xuân La, Xuân Đỉnh, Hà Nội)
Ông Phạm Công Hoàng: Phải nói đúng hơn là truyền thông xã hội (social media) sẽ đúng hơn. Nếu không từ một số bài review trên một số cộng đồng quốc tế, hay một số clip review game trên youtube, Flappy Bird sẽ không nhận được đủ một lượng người chơi nền tảng đủ lớn, kết hợp với yếu tố ai cũng chơi được game, có tính thách thức cao khiến mọi người chia sẻ trên các mạng xã hội liên tục.
Sau khi đã đủ hiệu ứng qua social media và viral, các kênh truyền thông chính thống cũng bắt đầu vào cuộc, sự chấp nhận cũng là bình thường.
- Thưa ông Khoa, theo nhận định của ông, số tiền 1 tỷ/ 1 ngày của Đông từ trò chơi này từ đâu ra? (Tú Mỡ, Hà Tĩnh)
Ông Nguyễn Thế Khoa: Từ việc người chơi phải chơi lại khi không thể vượt qua những chiếc ống màu xanh. Và mỗi lần như thế thì game này sẽ chạy quảng cáo của Google và điều tất nhiên, số tiền chạy quảng cáo đó thuộc về Đông. Các bạn không vượt qua thử thách càng nhiều thì số tiền quảng cáo thu về cho Google và Đông càng lớn.
- Tại sao Việt Nam không thể có nhiều Nguyễn Hà Đông? Làm thế nào để chúng ta có nhiều Nguyễn Hà Đông hơn nữa, thưa ông Hoàng Minh? (Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Hoàn Kiếm)
Ông Trần Hoàng Minh: Chính tôi cũng đang có câu hỏi tại sao ở Việt Nam chưa có nhiều người như Nguyễn Hà Đông. Tôi mong muốn Việt Nam có nhiều bạn dám nghĩ dám làm những điều khác biệt dù đơn giản hay phức tạp để Việt Nam có nhiều Nguyễn Hà Đông.
- Tôi cảm nhận rằng việc tuyên bố khai tử Flabby Bird là một hành động "cáo già" của Hà Đông. Anh ta rất biết cách điều khiển dư luận và kích động hiệu ứng đám đông để quay sang bảo vệ mình. Xin hỏi ông Thanh nghĩ sao về vấn đề này? - David Trình
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Dùng chữ “khôn ngoan” có vẻ đúng từ hơn là “cáo già”! (Cười)
- Tôi cảm nhận rằng việc tuyên bố khai tử Flappy Bird là một hành động "Cáo già" của Hà Đông. Anh ta rất biết cách điều khiển dư luận và kích động hiệu ứng đám đông để quay sang bảo vệ mình. Xin hỏi ông Hoàng Minh nghĩ sao về vấn đề này? (David Trình)
Ông Trần Hoàng Minh: Nếu Hà Đông đang làm kinh doanh thì đây là một quyết định khôn ngoan chứ không phải “cáo già”.
- Xét ở khía cạnh truyền thông, vừa qua, hàng loạt báo danh tiếng nước ngoài đều đưa tin về game thuần Việt gây sốt toàn cầu. Liệu hiện tượng Flappy Bird có mang lại một hiệu ứng nào đó cho các game Việt Nam nói riêng và hình ảnh đất nước Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế không, hay nó chỉ là một hiện tượng đơn lẻ và nếu nói đến một "cú huých" là chúng ta đang lạc quan thái quá? (Nguyễn Văn Ba, 79 tuổi, Hà Nội)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Thế giới biết đến Việt Nam hầu hết qua câu chuyện chiến tranh Việt Nam, bây giờ lần đầu tiên các phương tiện truyền thông thế giới dành nhiều không gian và thời gian để bàn về một sản phẩm sáng tạo, về một con người Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất to lớn với Việt Nam. Đây sẽ là nguồn cảm hứng để nhiều bạn trẻ vững tin hơn, dành nhiều thời gian hơn để đưa ra các sản phẩm phục vụ thị trường thế giới thay vì chỉ nghĩ đến “ao làng” Việt Nam.
- Thưa ông Hoàng, FPT là một công ty lớn kinh doanh trong lĩnh vực khai thác mạng internet, vậy FPT có định tuyển dụng một nhân tài như Hà Đông? Và nếu tuyển dụng, ông sẵn sang trả mức giá bao nhiêu cho những nhân tài như thế này? (Lê My - Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)
Ông Phạm Công Hoàng: Tôi nghĩ là với tính cách của mình, có lẽ Đông sẽ tiếp tục gắn bó với đam mê của mình trong việc phát triển Indie Game như hiện tại. Số doanh thu từ Flappy Bird mang lại sẽ giúp Đông chắp cánh cho đam mê 4 năm vừa qua. Nếu có cơ hội hợp tác, nhất định tôi sẽ mời Đông tham gia ở những mảng mà Đông phát huy được thế mạnh của mình một cách tốt nhất.
Về tuyển dụng nhân tài, quan điểm của tôi là nếu dùng tiền để mua người, sẽ có nhiều người khác có thể dùng tiền hơn (và hơn rất nhiều lần) để mua lại. Lương hay thu nhập, với người như Đông có lẽ không phải quá quan trọng. Nếu không có môi trường đủ tốt để phát triển, không chung chí hướng, không chung đam mê và tầm nhìn thì sẽ khó đi với nhau lâu được.
Và tôi tin là ở FPT, đam mê, niềm tin và thu nhập luôn luôn được cân bằng (cười).
- Sau khi Flappy Bird bị gỡ, rất nhiều game nhái mô típ này hiện đang sống khỏe. Theo ông Hoàng Minh, liệu Nguyễn Hà Đông có thể kiện tác giả các game đó không? Và có nên kiện không? (Nguyễn Hưởng – HV Bưu chính VT).
Ông Trần Hoàng Minh: Khi một sản phẩm đã thành công thì sẽ có sự ăn theo, “học hỏi” rất nhiều. Và tôi nghĩ nó chỉ làm nền cho sản phẩm gốc. Vì vậy, tôi nghĩ không cần thiết kiện.
- Thưa ông Hoàng, những ngày qua, chứng kiến Hà Đông trải qua những tâm trạng như vậy, ông có nhắn nhủ gì với Hà Đông để vượt qua những ngày này? Ông muốn có lời gì đối với những nhà lập trình game trẻ? (Hà Vân - TP. Vũng Tàu)
Ông Phạm Công Hoàng: Chưa có cơ hội để tiếp xúc với Đông, tôi hy vọng là Đông sẽ tiếp tục kiên định, tiếp tục theo đuổi đam mê, và truyền đạt thành công, kinh nghiệm của mình cho những bạn trẻ giống như Đông. thành công của ngày hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu mà thôi, sẽ còn vô vàn khó khăn, nhưng có khó khăn mới có thể trưởng thành hơn được, phải không nào?
- Với cá nhân ông Hoàng Minh, ông có tự thấy mình học hỏi, rút ra được điều gì từ quá trình chinh phục trò chơi này không, hay game này thật ra vô bổ? (nganbaomang209@yahoo.com)
Ông Trần Hoàng Minh: Bản thân là người làm game, tôi chơi rất nhiều game. Đối với Flappy Bird là một trong những game giải trí hàng ngày mà tôi sử dụng.
- Theo đánh giá của ông, sau Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird thì ở Việt Nam còn có một người nào đó có thể tạo nên cơn sốt toàn cầu trong lĩnh vực game nữa không? (Trang Lê - Mậu A, Yên Bái)
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Hi vọng sẽ có nhiều Nguyễn Hà Đông trong thời gian gần tiếp theo.
- Nếu gặp Hà Đông, ông sẽ nói gì với cậu ấy? (bạn đọc Vũ Vũ, mail emdoianh@yahoo.com )
Ông Nguyễn Thế Khoa: Nếu gặp Đông, tôi chỉ có thể nói: “Tôi không thích chú chim Flappy Bird nhưng tôi thích sự đam mê và nhiệt huyết của bạn. “Stay hungry, stay foolish”. Hi vọng bạn sẽ hiểu vả áp dụng vào cuộc sống của mình.
- Thưa ông Hoàng, sau hiệu ứng Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông, liệu Việt Nam có thể xuất hiện thêm 1 Hà Đông thứ 2 khuấy đảo cộng đồng game thế giới? (Lạc Trung - Thạch Thất, Hà Nội)
Ông Phạm Công Hoàng: Sẽ khó nhưng không phải không có khả năng, ngày càng nhiều người đang theo đuổi đam mê giống như Đông, ngày càng có những con người trẻ tuổi và đam mêm cùng tham gia trên con đường Đông đã chọn. Nếu Đông thành công vì đam mê của mình, tôi tin là chúng ta sẽ còn đón nhận nhiều thành công hơn nữa trong tương lai, không chỉ ở mảng Game mà còn rất nhiều cách lĩnh vực khác.
- Trước Nguyễn Hà Đông cũng từng có nhiều tấm gương khác nổi lên như một hiện tượng, điển hình nhất là nữ doanh nhân 9x Tuệ Nghi. Và chính cô cũng là nạn nhân của tin đồn và sự bôi nhọ do tính đố kỵ của người Việt. Nhưng khác với cách ứng xử của Nguyễn Hà Đông, cô này đã không tìm cách hay "ra đòn" khuấy động dư luận như Hà Đông để nhận được sự bảo vệ của đám đông mà lại im lặng đợi sự việc qua đi. Liệu đây là cách giải quyết khôn hay dại? - Nguyễn Hoàng Bảo Nguyên
Ông Nguyễn Lâm Thanh: Bản chất câu chuyện của Flappy Bird là một câu chuyện khác hoàn toàn với câu chuyện về Tuệ Nghi. Theo tôi hiện nay Đông đang hành động đúng.