Thời gian vừa qua, sau khi báo điện tử Trí Thức Trẻ có loạt bài điều tra về các trưởng tàu, nhân viên nhà tàu đưa hành khách đi chui trốn vé trên các tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai, chúng tôi đã tiếp nhận được nhiều thông tin từ độc giả phản ánh về những tiêu cực trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Để tìm hiểu rõ hơn về những nội dung phản ánh này, trong vai những hành khách đi tàu, PV báo điện tử Trí Thức Trẻ đã có mặt trên một số chuyến tàu tuyến Hà Nội - Lạng Sơn.
Gần 6 giờ sáng ngày 15/11/2013, tại ga Gia Lâm (Hà Nội), sau khi mua 2 vé đến ga Bắc Giang, chúng tôi lên toa số 4 chuyến tàu ĐĐ3 khởi hành lúc 6h. Đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm nhận được hết ý nghĩa của 2 từ "tàu chợ” bởi những toa tàu đã quá cũ kỹ, cửa sổ nhiều toa vỡ tung, mùi xú uế từ phòng vệ sinh ở hai đầu toa xe bốc ra nồng nặc. Điều đặc biệt là vài chục người trên 2 toa xe khách của đoàn tàu chẳng cần xuất trình vé để lên tàu. Ai không có vé thì thanh toán bằng tiền mặt, số tiền này được nhân viên nhà tàu ngang nhiên bỏ túi mà không cần xé vé.
Ở tuyến đường này, việc đi lại bằng đường bộ thuận tiện và nhanh chóng nên hành khách đi tàu như chúng tôi rất ít, đối tượng phục vụ chủ yếu của nhà tàu là lái buôn và đám cửu vạn, áp tải hàng hóa.
Nhân viên nhà tàu (bên trái) nhận tiền của chúng tôi để bao khách từ Bắc Giang về Đồng Đăng mà không cần xé vé.
Qua ga Bắc Giang lúc hơn 7 giờ sáng, thấy chúng tôi không xuống, nhân viên soát vé thường quen mặt với đám lái buôn nên khi thấy hành khách lạ mặt như chúng tôi liền hỏi: “Anh chị xuống đâu?”. Đưa 2 tấm vé đến ga Bắc Giang ra, chúng tôi bày tỏ ý định đi tiếp đến ga Đồng Đăng thì nhân viên này nói luôn: “Nếu muốn đi tiếp thì cứ ngồi yên trên tàu”. Sau đó, anh nhân viên này thu của chúng tôi 60.000 đồng nhưng không xé vé.
Khi chúng tôi hỏi về chuyến tàu khứ hồi từ Đồng Đăng về Hà Nội, nhân viên soát vé này bảo nếu không mua vé thì muốn lên toa nào cứ bảo trước để anh ta trao đổi với nhân viên toa đó cho. Khi chúng tôi băn khoăn về việc đi qua cửa ga thì anh nhân viên này tặc lưỡi: "Cứ nói cho vào nhờ một tí thì người ta cho vào hoặc mua vé đón tiễn".
Trước đó, cũng với hành vi bao khách đi tàu chui như trên, nhân viên Nguyễn Văn Linh và Phan Văn Tuyển đã bị lãnh đạo Xí nghiệp toa xe Sài Gòn sa thải, nhân viên Đào Văn Linh và Đỗ Việt Đức bị lãnh đạo Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội kỷ luật với hình thức chuyển làm công tác vệ sinh toa xe (cao hơn mức khiển trách). Các trưởng tàu liên quan cũng bị kỷ luật nghiêm khắc như không bố trí làm trưởng tàu, kéo dài thời gian nâng lương, chuyển làm công việc khác có thu nhập thấp hơn...
Cũng trên chuyến tàu này, chúng tôi còn "tận mục sở thị" nhiều tệ nạn xã hội mà điều bất ngờ là có sự tham gia nhiệt tình của các nhân viên nhà tàu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này đến độc giả.
Dưới đây là clip ghi lại cảnh nhân viên nhà tàu nhận tiền bao khách và bày cách cho khách đi tàu chui từ Đồng Đăng về Hà Nội.