Phó Trưởng ga Hà Nội: “Cò” vé tàu không vi phạm pháp luật

Tuấn Linh |

(Soha.vn) - “Ta cứ quen gọi là “cò” vé nhưng thực ra đó là dịch vụ. Họ bỏ công đi mua vé thì họ được hưởng tiền công”, Phó Trưởng ga Hà Nội nói.

“Cò” vé là… dịch vụ

Trong những bài đầu của loạt bài điều tra về hiện tượng các nhân viên nhà tàu đưa khách đi chui để thu tiền không xé vé, chúng tôi đã đề cập đến hoạt động của một số "cò vé" tại khu vực sân ga. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Phùng Thị Lý Hà – Phó Trưởng ga Hà Nội cho rằng, về bản chất, hoạt động đó là một loại hình dịch vụ.

Bà Hà cho biết: “Nếu nói họ (tức “cò” vé tàu) là “phe” vé là thiếu chính xác vì hoạt động “phe” vé chỉ có trong thời bao cấp. Bây giờ không gọi “phe” vé nữa mà gọi là “cò” vé. Bộ phận này hình thành và hoạt động trên cơ sở lợi dụng vào tâm lý của hành khách ngại mua vé nên đi mua thuê rồi bán để kiếm lời. Hành vi mua vé và bán lại cho hành khách là có, không phải không có. Nhưng theo tôi về bản chất thì đây là một loại hình dịch vụ, không vi phạm pháp luật. Bên phía công an họ cũng nói đây là hành vi không vi phạm luật”.

Bà Phùng Thị Lý Hà - Phó trưởng ga Hà Nội:

Bà Phùng Thị Lý Hà - Phó trưởng ga Hà Nội.

“Trước kia, nhà ga cũng đã từng bắt được trường hợp “cò” mua đi bán lại vé cho hành khách. Đích thân trưởng ga đến tận nơi, lập biên bản rồi chuyển sang phía công an để đề nghị điều tra xử lý. Nhưng phía công an có công văn trả lời chúng tôi là: người này (“cò” vé bị lập biên bản) không vi phạm pháp luật. Họ bỏ công sức ra để đi mua vé cho người kia (hành khách) và được hưởng tiền công. Điều đó phản ánh có cầu thì có cung, có dịch vụ”, bà Hà nói.

Khi được hỏi liệu đây có phải là hành vi lách luật, lách quy định để trục lợi của các “cò” vé hay không, bà Hà khẳng định: “Không hề có hành vi lách luật ở đây mà họ làm đúng. Nó cũng tương tự như trường hợp là tôi ở nhà, tôi thuê nghười khác đến lau nhà, giặt đồ cho tôi thì người đó được hưởng tiền công mà họ đã bỏ ra. Người mua vé hộ cũng thế.

Ngành đường sắt có rất nhiều vé, bán ở nhiều nhà ga, nhiều hình thức, rất thuận lợi nhưng hành khách không chịu đi mua. Bởi vậy, người đi mua hộ và bỏ công sức ra thì người ta có quyền được hưởng chi phí công đi mua đó. Ta cứ quen gọi là “cò” vé nhưng thực ra đó là dịch vụ. Họ bỏ công đi mua vé thì họ được hưởng tiền công. Ở trong Nam, những dịch vụ kiểu này khá nhiều và họ làm khá tốt nhưng ở Bắc lại không coi đây là dịch vụ, lại cho rằng đây là “cò” vé”.

Nhà ga từng bị “cò” vé chửi

Theo bà Hà, hiện tượng “cò” vào tận khu vực nhà ga Hà Nội để mua vé tàu, sau đó bán lại cho hành khách để trục lợi là không có. “Cò” vé thường mua ở địa điểm khác, thuộc kênh bán vé khác sau đó mới đem bán lại cho hành khách.

“Tôi khẳng định là việc nhân viên nhà ga bán vé cho “cò” hay “cò” tự vào tận khu vực bán vé của nhà ga để mua là không hề có. Việc nhiều “cò” vé cứ lảng vảng đến khu vực bán vé để chèo kéo khách là điều khiến chúng tôi bức xúc nhất”, bà Hà khẳng định.

Theo bà Hà, việc chấn chỉnh tình trạng hoạt động chèo kéo hành khách hiện nay gặp phải một số khó khăn: “Chúng tôi không có đủ chức năng, thẩm quyền để xử lý được tình trạng “cò” chèo kéo hành khách mua vé. Cái này thuộc về địa phương, thuộc về công an, về phía cơ quan chức năng. Bởi khu vực cò vé hoạt động có thuộc địa bàn nhà ga Hà Nội đâu, mà họ thường xuyên hoạt động ở vòng ngoài, thuộc đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn,…

Để giải quyết tình trạng này cần phải có sự phối hợp với nhau của các cơ quan chức năng. Nhưng phối hợp cũng rất khó khăn, chúng tôi còn bao nhiêu việc phải làm, phải thường xuyên linh động di chuyển, đâu có chạy theo “cò” vé được.

Chúng tôi chỉ có thể kiểm soát vấn đề này bằng việc chỉ đạo nhân viên không câu kết với người ngoài, không bán vé cho cò vé. “Cò” vé cũng không được vào khu vực bán vé của nhà ga chúng tôi để mua vé”.

Ga Hà Nội là điểm bán vé tàu và có lưu lượng hành khách lớn nhất của miền Bắc.
Ga Hà Nội là điểm bán vé tàu và có lưu lượng hành khách lớn nhất của miền Bắc.

Bà Hà cho biết, ga Hà Nội cũng từng gặp phải một trường hợp khó xử với “cò” vé tàu. Bà Hà kể: “Một lần, chúng tôi đã bị một “cò” vé chửi. Bị chửi mà phải chịu. Đó là lần có một “cò” vé mà chúng tôi quen mặt vào ga để mua vé. Người này mua vé cho chính họ để về Nam Định. Khi “cò” vé này vào mua, nhân viên bảo vệ trong ga đã yêu cầu ra ngoài thì người này đã chửi loạn hết cả lê và bảo: “Gọi lãnh đạo ra đây để tôi nói chuyện”.

Thực ra họ có quyền đó vì họ là công dân, họ vào mua vé để đi tàu. Cuối cùng, chúng tôi đã phải xin lỗi và bán vé cho họ. Khi người này lên tàu, nhân viên nhà ga vẫn còn phải lên theo để xác minh xem có đúng là họ đi Nam Định thật hay không, khi xác minh đúng là họ đi thật mới quay xuống tàu”.

“Việc chấn chỉnh đến kiểm soát và hạn chế hoạt động “cò” vé khó lắm nên tất cả những vụ việc cần phải chính xác, đầy đủ chứng cứ để từ đó mình có biện pháp xử lý, khắc phục chứ nói chung chung thì không giải quyết được triệt để. Nếu họ (“cò” vé) có hành vi lừa đảo thì cơ quan chức năng có quyền bắt, xử lý theo đúng pháp luật. Nhưng ở đây họ không lừa đảo. Khi bán vé cho khách họ nói thẳng luôn: "Đây là vé tôi đi mua, anh (chị) mua lại thì phải trả công tôi đã đi mua, rất sòng phẳng. Tôi nghĩ đây là dịch vụ chứ ngành đường sắt chúng tôi có thu đâu, nhân viên đường sắt cũng không thu và cũng không hề có chuyện câu kết với bộ phận này”, bà Hà cho biết thêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại