Vụ đi tàu chui: "Tiêu cực trên tàu là căn bệnh kinh niên"

Tuấn Linh |

(Soha.vn) - “Tiêu cực trong tàu xe đã diễn ra từ hàng mấy chục năm nay rồi. Nó như căn bệnh kinh niên”, ông Hà Thanh Bình – PGĐ Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội nói.

Khó khăn trong việc kiểm soát tiêu cực

Trong quá trình đi thu thập thông tin để làm loạt bài điều tra về hiện tượng các nhân viên nhà ga, nhà tàu câu kết đưa hành khách đi tàu chui để lấy tiền, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội - đơn vị quản lý các tàu SP3 và SP4 có "nhân viên tổ chức cho hành khách đi tàu chui tập thể" để tìm hiểu về vấn đề trên.

Đề cập đến việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm, tiêu cực của nhân viên kiểm soát vé trên tàu, ông Hà Thanh Bình – Phó Giám đốc Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội cho biết, xí nghiệp vẫn kiểm tra thực hiện thường xuyên nhưng đây là vấn đề khó vì tiêu cực trên tàu cũng như “căn bệnh kinh niên”.

Ông Bình nói: “Xí nghiệp tôi vẫn luôn luôn quán triệt tinh thần cho các nhân viên khi làm việc là tuân thủ thực hiện đúng quy định của xí nghiệp và của pháp luật đã đề ra. Chúng tôi tăng cường kiểm tra rất nhiều mặt nhưng đầu tiên phải đảm bảo yếu tố an toàn cho hành khách và nhân viên trên tàu, sau khâu an toàn là đến chất lượng phục vụ".

Xí nghiệp Vận dụng Toa xe khách Hà Nội hiện nay có hơn 500 đầu xe với hơn 2000 cán bộ, công nhân viên.

Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội có hơn 500 đầu xe với hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên.

Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản để phòng chống tiêu cực. Ai vi phạm ở mức độ nào thì bị kỷ luật ở mức độ đó. Quy định này cũng đã được chúng tôi đăng ký với phía Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội để làm cơ sở khi mình kỷ luật, nhân viên (người lao động) vi phạm buộc phải chấp nhận vì đã có trong thỏa thuận hợp đồng, không thắc mắc được”.

“Ví dụ như đối với nhân viên mà bao khách, bao hàng, có số tiền từ 300.000 đồng trở lên thì hình thức xử lý sẽ là chấm dứt hợp đồng và sa thải, thậm chí 100 – 200 nghìn đồng đã phải chịu mức xử lý là khiển trách, chuyển sang công việc khác, không được đảm nhiệm công việc đang làm. Từ những quy định đó, có thể hoàn toàn xử lý những vi phạm, tiêu cực của nhân viên nếu bị phát hiện. Còn những vi phạm khác như vi phạm thái độ phục vụ, lời nói lỗ mãng đối với hành khách… thì có hình thức xử lý riêng”, ông Bình nói.

Nhân viên kiểm soát vé của Xí nghiệp Vận dụng Toa xe khách Hà Nội đang kiểm tra vé của hành khách trước khi lên tàu.

Nhân viên kiểm soát vé của Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội đang kiểm tra vé của hành khách trước khi lên tàu.

Ngoài ra, ông Bình cũng cho rằng việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhân viên kiểm soát vé tàu hiện nay vẫn gặp phải một số khó khăn: “Chấn chỉnh, kiểm tra, phát hiện và xử lý những hành vi tiêu cực, chúng tôi nói riêng và ngành đường sắt nói chung làm rất mạnh. Xí nghiệp luôn luôn phải làm.

Xí nghiệp chúng tôi cũng có một bộ phận chuyên phụ trách công tác kiểm tra và kiểm tra thường xuyên. Song kiểm tra thì cũng không phải tàu nào cũng đi kiểm tra hết được, vì nó rộng. Cũng không thể kiểm tra lưu động kiểu như CSGT đứng ở đường được vì đặc thù của tàu là chạy suốt trên đường ray, chỉ đỗ ở những nhà ga đã quy định cho nên chỉ kiểm tra ở các nhà ga được thôi”.

Dù đấu tranh mạnh nhưng tiêu cực không thể kiểm soát hết được. Đây là do vấn đề cung cầu chưa hợp lý, nhất là vào các ngày nghỉ, lễ, tết. Từ đầu năm đến nay các trường hợp tiêu cực chúng tôi phát hiện và xử lý là có, nhưng không đến mức phải sa thải mà chỉ điều chuyển công tác sang bộ phận khác. Vì xử lý một nhân viên được cho là sai phạm thì đòi hỏi phải có đầy đủ chứng cứ, cũng như công an điều tra, xử lý tội phạm ấy, chứng cứ là quan trọng, bởi nó có tính thuyết phục.

Chứng cứ nhiều lúc chưa rõ ràng, không có chứng cứ thì họ lại “vặc” lại mình. Bây giờ chỉ cần phản ánh là chúng tôi xử lý, luân chuyển công việc ngay, không cho làm công việc trên tàu nữa”.

Nhân viên vi phạm là đi dọn vệ sinh

Theo ông Bình, hiện nay, Xí nghiệp Vận dụng Toa xe khách Hà Nội có hơn 500 đầu xe do phía Tổng Công ty Đường sắt giao và phụ trách toàn bộ tuyến phía Tây như Hà Nội – Yên Bái, Hà Nội – Lào Cai. Ngoài ra còn có tuyến Hà Nội – Thái Nguyên và một nửa là tuyến Hà Nội – TP.HCM. Các tàu SP3, SP4 là do đơn vị này trực tiếp quản lý. “Tàu SE thì còn tùy, ví dụ SE 1, 2, 5, 6 là của phía Hà Nội quản lý, còn tàu SE 2, 3, 4, 7, 8 lại là của phía TP.HCM quản lý. Đây là do phía Tổng công ty phân. Tàu SP3 và SP4 là do Xí nghiệp chúng tôi quản lý”, ông Bình nói.

“Toàn Xí nghiệp tôi có trên 2.000 cán bộ, công nhân viên. Riêng nhân viên kiểm soát vé thì mỗi người phụ trách một toa. Bộ phận kiểm soát vé chúng tôi phân ra thành 4 trạm chứ không nằm tập trung, như trạm Thống Nhất là trạm lớn nhất, trạm ở Yên Bái, trạm ở Thanh Hóa, trạm ở Vinh và 2 bộ phận đi theo xe để phân đoạn, sửa chữa. Số nhân viên thực tế đi theo tàu dao động trong khoảng từ 1.000 – 1.500 người”, ông Bình cho biết thêm.

Theo ông Hà Thanh Bình, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội thì công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý tiêu cực trên tàu được đơn vị làm khá tốt, song vẫn gặp phải những khó khăn.
Theo ông Hà Thanh Bình, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội thì công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý tiêu cực trên tàu được đơn vị làm khá tốt, song vẫn gặp phải những khó khăn.

Đánh giá chung về nhân viên của xí nghiệp, ông Bình cho biết: “Hiện nay, phía xí nghiệp chúng tôi có cả nhân viên trẻ lẫn già, trong đó người trẻ chiếm đa số. Người già thì trình độ và sức khỏe không được như lớp trẻ. Đó là do điều kiện khách quan thôi, ví dụ như đất nước thống nhất, họ là những quân nhân chuyển ngành. Dù vậy, về nhiệt huyết và yêu nghề thì lớp người già hơn lớp trẻ nhiều lắm. Họ rất tận tụy với công việc, do đó mà họ thực hiện nghiêm chỉnh hơn.

Bây giờ lớp nhân viên trẻ đi tàu chiếm khá đông. Do cuộc sống, do ảnh hưởng của xã hội, của mặt trái từ cơ chế kinh tế thị trường nên dễ sa ngã, dễ đua đòi và dẫn đến vi phạm quy định. Thế nên bây giờ theo quy định của xí nghiệp chúng tôi, cũng là để nhằm rèn luyện, thử thách các nhân viên trẻ là bất kì nhân viên trẻ nào khi mới vào xí nghiệp làm việc, đều phải trải qua giai đoạn thử việc từ 3 – 6 tháng. Trong thời gian này, nhân viên mới vào chỉ làm một công việc duy nhất là dọn vệ sinh trên tàu. Phải để họ làm như thế thì mới hiểu được cái khó khăn, khắc nghiệt của ngành đường sắt. Hết thời gian trên, nếu họ làm tốt, được đơn vị phụ trách quản lý đánh giá là hoàn thành tốt công việc thì mới được xem xét để ký hợp đồng và cho đi theo tàu”.

“Ngay khi anh đã làm nhân viên kiểm soát vé, nhưng vi phạm, để hành khách phản ánh, kêu ca thì chúng tôi kiên quyết xử lý, dù chưa đến mức sa thải thì chúng tôi cũng vẫn kiên quyết luân chuyển vị trí công tác, không cho làm kiểm soát vé mà chuyển sang làm nhân viên vệ sinh cho tàu như khi mới vào.

Mà cái này chúng tôi làm đúng luật. Hơn một năm nay, chúng tôi áp dụng hình thức này và tiêu cực đã đỡ hơn rất nhiều. Từ ngày 16/9, chúng tôi đã có quyết định ra quân tăng cường, kiểm soát, phát hiện và xử lý tiêu cực của nhân viên trên tàu. Chúng tôi làm khá tốt điều này”, ông Bình khẳng định.

Như đã thông tin tới độc giả, ngay sau khi báo điện tử Trí Thức Trẻ phản ánh những sai phạm của 1 số nhân viên bao khách trên chuyến tàu SP3 xuất phát từ Hà Nội ngày 5/9, tàu SP4 xuất phát Lào Cai ngày 6/9, Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội đã tiến hành đình chỉ không bố trí công tác đối với trưởng tàu SP3 Nguyễn Văn Nguyện và 2 nhân viên liên quan Đào Văn Linh (phụ trách toa xe số 3), Đỗ Việt Đức (nhân viên toa hành lý phát điện - toa 1A), yêu cầu trưởng tàu và các chức danh liên quan viết báo cáo kiểm điểm tường trình về nội dung vụ việc ghi trong bài báo và tổ chức họp phân tích vụ việc để xử lý nghiêm đối với các cá nhân vi phạm theo đúng quy định ngành đường sắt, nội quy lao động xí nghiệp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại