Nhà thơ Vũ Quần Phương muốn sinh ra cùng thời công dân 90 triệu?

Phương Quế |

(Soha.vn) - Nếu được sinh lại một lần nữa, nhà thơ Vũ Quần Phương có muốn sinh ra cùng thời với công dân 90 triệu – thời hiện đại, bùng nổ internet nhưng ô nhiễm, ngộ độc…?

Công dân thứ 90 triệu của Việt Nam ra đời vào 2h45 ngày 1/11, đây được coi là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của đất nước nói chung và công tác dân số nói riêng khi mà "Việt Nam cũng chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng tạo ra lợi thế về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"- theo lời ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Điều đó đồng nghĩa với việc dân số nước ta đứng thứ 14 trên toàn thế giới, ở châu Á. Thời điểm mà công dân thứ 90 triệu ra đời là thế kỷ 21 - thế kỷ được cho là đạt nhiều thành tựu của khoa học công nghệ, phát triển với nền kinh tế trí thức, cũng như hội nhập toàn cầu, tuy nhiên cũng đặt ra thách thức về sức ép dân số lên chất lượng cuộc sống.

Nhà thơ Vũ Quần Phương - người đã sống giao giữa hai thế kỷ, đã chứng kiến được những sự đổi thay của đất nước, khi được hỏi “ông có muốn sinh ra vào thời công dân thứ 90 triệu?”, ông đã có những chia sẻ, trải nghiệm khác biệt và ý nghĩa dưới góc nhìn của một nhà thơ, một nhà phê bình, nguyên Đại biểu Quốc hội.

	Nhà thơ Vũ Quần Phương.

Nhà thơ Vũ Quần Phương.

Ông Phương bắt đầu bằng những so sánh đời thường rất thú vị: Thời trước, đời sống lạc hậu chủ yếu là đi bộ hay cưỡi ngựa tức là chưa có bánh xe trong giao thông. Cụ Nguyễn Du đi xứ sang Trung Quốc năm 1813 phải đi một năm rưỡi mới sang tới Bắc Kinh, cho nên, đi xứ chẳng khác nào đi đày, còn bây giờ các đại sứ đi bằng máy bay trong phút chốc.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: Công dân thứ 90 triệu khi ra đời, có một cái

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: Công dân thứ 90 triệu khi ra đời, có một cái "sướng" đó là được sống trong thời bình, không phải chịu cảnh lầm than.

Nhưng thời trước lại có cái hay, đó là không ô nhiễm môi trường, chưa có ngộ độc thực phẩm, chưa có hóa chất trong tất cả sinh hoạt hàng ngày. Tuy vậy, lại phải trả giá vì chưa có kháng sinh, có thể chết vì những bệnh rất đơn giản.

“Tôi nhớ Hà Nội, khi phá nhà Gô - đa xây mậu dịch bách hóa tổng hợp, ông Chế Lan Viên khi đó bảo: thế này ta sướng hơn cụ Nguyễn Du. Bởi cụ Nguyễn Du chỉ tả cái lầu Ngưng Bích thôi, chứ cái lầu bách hóa tổng hợp ông Nguyễn Du có thấy đâu mà tả. Nhưng bây giờ có cả khu siêu thị của Royal City chứ không chỉ dừng lại ở bách hóa tổng hợp của thời Chế Lan Viên nữa. Do vậy, mỗi thời có cái ưu, cái nhược của nó, khó có thể nói thời nào hơn thời nào” – ông Vũ Quần Phương nói.

Ở thời hiện tại – khi công dân 90 triệu ra đời, nhà thơ Vũ Quần Phương nhìn thấy “bao nhiêu cái thích”. Cái thích đầu tiên đó là được sống trong thời bình, không phải chịu cảnh mất nước lầm than. Tuy nhiên, lại chịu cái khổ là “dù sao chúng ta cũng mắc nợ với những bậc tiên liệt đã phải hy sinh xương máu để dành độc lập”, vì vậy, bên cạnh sự hưởng thụ phải có sự đóng góp, nghĩa vụ theo đúng luật vay - trả.

Ngoài ra, giới trẻ sinh ra thời này sẽ phải chịu nhiều gánh nặng như ô nhiễm môi trường làm hỏng hành tinh, chết về tai nạn giao thông ở nước ta quá nhiều, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2013, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của 3.364 người, tăng 0,35% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Cho nên, mỗi thời đều có cái thuận và không thuận, thời nào cũng có cái hay của nó… Không thể nói thời công dân thứ 90 triệu bây giờ là dở, bởi với sự phát triển nhanh như vũ bão của internet, chỉ cần một cái nhấp chuột, mọi người trên hành tinh có thể nói chuyện với nhau, trông thấy nhau, điều mà các cụ ngày xưa có mơ ước cũng không thể có” – nhà thơ Vũ Quần Phương nhấn mạnh.

Là cha đẻ của 2 người con tài giỏi, thành đạt, trong đó con trai đầu là GS Vũ Hà Văn, nhà toán học đang giảng dạy ở Trường ĐH Yale (Mỹ). Con trai thứ hai là Vũ Thanh Điềm, từng là thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là chuyên gia Hãng Google (Mỹ), vào thời điểm vàng của khoảnh khắc công dân thứ 90 triệu ra đời, ông Phương đã gửi gắm những lời nhắn nhủ cho công dân may mắn đánh dấu mốc 90 triệu nói riêng và thế hệ trẻ nói chung về truyền thống uống nước nhớ nguồn, về trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng đất nước.

Theo ông, chúng ta phải dần quen với khái niệm “công dân của hành tinh”, “công dân toàn cầu”, chứ không nên gọi là “công dân của nước này hay nước kia”.

“Như tỷ phú Bill Gates chẳng hạn - ông là công dân Mỹ nhưng đã góp tài sản của mình để chữa bệnh AIDS cho cả thế giới, như vậy, đóng góp của ông với nhân loại lớn hơn cả đóng góp của ông với người Mỹ. Hay là những việc các con tôi làm, không chỉ đóng góp cho khoa học nước Mỹ nói riêng mà áp dụng, sử dụng chung cho toàn ngành và các nước khác trên thế giới. Cho nên, giờ ta nên làm quen dần và nghĩ xa hơn với khái niệm đóng góp chung cho loài người, nhân loại, tạo thế giới phẳng chứ không phải ngăn sông, cách núi” - nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại