GS tim mạch kể chuyện công khai nhận phong bì bệnh nhân

Ban biên tập |

(Soha.vn) - Vấn đề y đức luôn là nỗi trăn trở của vị GS.BS cả đời tận hiến cho sự nghiệp cứu chữa người bệnh, vậy ông có suy nghĩ thế nào trước những vấn nạn của ngành y hiện nay.

GS.BS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam đã có mội buổi giao lưu rất tâm huyết với độc giả của Báo điện tử Trí thức trẻ về vấn đề y đức hiện nay ở Việt Nam. Chúng tôi xin được trích đăng nguyên văn phần giao lưu của ông với các độc giả:

- Thưa GS, là người cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cứu người, ông có đau lòng trước sự xuống cấp y đức của 1 bộ phận y, bác sĩ hiện nay?

GS Đặng Hanh Đệ: Phải nói là trong tình cảnh hiện nay, xã hội suy thoái thì không chỉ ngành y mà các ngành khác đều hết sức đau lòng. Tuy nhiên, vì ngành  y là ngành có liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con  người nên nó rất dễ gây sự xúc động với mọi người.

- Thầy thuốc là nghề giúp đời, cứu người nhưng thực tế, nhiều năm qua, tính cao đẹp của nghề này đã không còn nguyên vẹn? Theo ông, những nguyên nhân nào khiến y đức trở thành vấn đề nóng như hiện nay?

GS Đặng Hanh Đệ: Phải nhìn nhận chung, đa số những người làm trong ngành y đều làm việc với lương tâm của mình nhưng có một số đã làm hoen ố danh giá của người làm ngành y. Vậy nguyên nhân gì  khiến người ta suy thoái đạo đức? Thực chất có nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu tôi cho là do nguyên nhân xã hội.

Trong xã hội Việt Nam hiện tại, tham nhũng, hối lộ, suy thoái đạo đức tràn lan không chỉ người lớn mà ngay cả những đứa trẻ đều nhận thấy thì ngành y cũng không thoát ra khỏi chuyện này.

Bên cạnh đó, phải nói thật, lương ngành y là ngành thấp nhất trong bảng lương. Nếu tôi  không nhầm thì trước đây lương ngành y đứng áp chót, trên ngành giáo dục. Trong khi các nước khác, nghề y và nghề giáo lại là hai ngành quan trọng nhất (lương quan trọng nhất). Chính vì vậy, đây cũng là một nguyên nhân góp phần suy thoái đạo đức.

	GS Đặng Hanh Đệ trong buổi giao lưu trực tuyến với Báo điện tử Trí thức trẻ.

GS Đặng Hanh Đệ trong buổi giao lưu trực tuyến với Báo điện tử Trí thức trẻ.

- Bên cạnh những thành tựu mà ngành y đạt được vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc khiến người dân phẫn nộ, thậm chí không còng lòng tin vào ngành y tế. Theo GS, ngành y nói chung và từng cán bộ ngành y cần phải mạnh tay và có những biện pháp gì để bảo vệ uy tín, lấy lại sự tin tưởng của nhân dân. Biện pháp quan trọng nhất và trước hết phải làm bây giờ là gì thưa GS?

GS.BS Đặng Hanh Đệ: Tôi nghĩ, không thể tách ngành y ra khỏi xã hội cho nên những biện pháp đối với ngành y cũng là những biện pháp đối với những ngành khác. Vì vậy, điều trước tiên cần phải làm là thắt chặt việc thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, để làm được việc này thì chính những người nắm luật phải là những người không thể nằm ngoài pháp luật  được. Tình trạng này ở Việt Nam đang diễn ra tràn lan nên xã hội mới rối tung lên. Sau khi có luật lệ chặt chẽ thì hãy nói đến lương tâm, nghề nghiệp.

Nhưng lương tâm con người không phải 1 lúc mà có mà nó chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Trước hết là gia đình. Người chủ gia đình phải gương mẫu thì các con mới nên người. Sau đó, trường học là nơi giáo dục thì người thầy cũng phải gương mẫu làm gương cho học trò. Cuối cùng là yếu tố xã hội.

Những yếu tố trên khi tác động vào con người sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp thu của người đó để trở thành một người có giáo dục. Thế nhưng, hiện nay, cả 3 yếu tố trên đều có vấn đề thì làm sao chúng ta lại đòi hỏi một người có lương tâm được.

Ví dụ như một ông bố đèo con đi đường, vượt đèn đỏ thì làm sao giáo dục cho đứa con tôn trọng pháp luật? Cho nên, đừng nghĩ trong giai đoạn này cần phải giáo dục lương tâm của người thầy thuốc vì lương tâm là phải hình thành từ khi còn nhỏ.

- Theo ông, làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng suy thoái đạo đức, chạy theo đồng tiền của một bộ phận y, bác sĩ hiện nay?

GS.BS Đặng Hanh Đệ: Làm sao cho tăng thu nhập của người làm ngành y để duy trì cuộc sống: tăng lương không phải là biện pháp cơ bản vì mức tăng quá ít. Vì thế phải tạo điều kiện để họ tăng thu nhập. Ở các cơ sở công lập thì cần tăng thu nhập bằng làm thêm việc như mổ ngoài giờ làm việc để bệnh nhân khỏi chờ đợi lâu do tình trạng quá tải.

Còn ở các cơ sở tư nhân thì còn tùy thuộc vào bản thân người làm nghề y. Lúc này việc thanh tra, kiểm tra phải hết sức chặt chẽ để ngăn chặn những việc làm trái luật.

- Có ý kiến cho rằng, những thầy thuốc thế hệ gần đây không những kém về y đức mà còn kém cả về chuyên môn. Tôi cũng là một học trò của Gs. Đặng Hanh Đệ cách đây gần 30 năm, hồi đó chúng tôi học “thầy ra thầy, trò ra trò”, chúng tôi cũng không được học nhiều về y đức, nhưng chúng tôi học điều đó ở các thầy, ở xã hội, thậm chí ở cả những người bệnh nữa... Còn bây giờ có lẽ giờ học y đức nhiều hơn thời chúng tôi học nhưng vẫn xảy ra nhiều chuyện đáng buồn trong ngành y. Liệu có phải do không chú trọng đến việc dạy y đức không? Hay đây là hậu quả chung về đạo đức, lối sống của toàn xã hội (luôn quan niệm tiền nặng hơn đạo đức; tiền dày thì đức sẽ mỏng)? Với hoàn cảnh xã hội hiện nay, liệu chú trọng việc đào tạo y đức có cải thiện được chất lượng về y đức trong ngành y không?

GS.BS Đặng Hanh Đệ: Đây chính là hậu quả của tình trạng suy thoái đạo đức chung. Theo quan điểm của tôi, dù có chú trọng cải thiện về vấn đề dạy đạo đức trong nghề y cũng không thể cải thiện được tình trạng suy giảm về chất lượng y đức trong ngành y.

- Một thạc sĩ, bác sĩ lại có cách phi tang bệnh nhân như Nguyễn Mạnh Tường, GS có suy nghĩ gì về vụ việc này?

GS.BS Đặng Hanh Đệ: Thực sự là không tưởng tượng nổi. Vì vậy, khi trả lời trên VTV1, tôi có ví hành động đó là hành động của một tên kẻ cướp sau khi gây ra sự việc thì tìm cách phi tang.

- Theo ông, sự suy thoái về y đức có phải chỉ vì 1 chữ "TIỀN"?

GS.BS Đặng Hanh Đệ: Đúng. Sự suy thoái về đạo đức ngành y một phần chính là do đồng tiền.

- Không ít lần tôi chứng kiến cảnh tượng người nhà bệnh nhân dấm dúi cho bác sĩ, y tá tiền lúc khám chữa bệnh, nào là tiền tắm cho con, tiền bồi dưỡng tiêm, tiền ca mổ, tiền cắt amidan...Thật đau xót nếu đó chỉ là những người dân nghèo ở tỉnh lẻ lên thành phố chữa bệnh, họ làm gì có tiền chữa bệnh thì lấy đâu tiền mà đút lót. Giờ nhắc đến bệnh viện, người dân đều sợ. Nhưng họ làm gì có cơ hội lựa chọn nào khác đâu. Xin cho hỏi, nếu gặp trường hợp bác sĩ dưới cấp mình nhận tiền "bồi dưỡng” của người nhà bệnh nhân, ông sẽ xử lý như thế nào? 

GS.BS Đặng Hanh Đệ: Tôi luôn luôn căn dặn trong khoa là phải làm việc với tấm lòng của mình, tuyệt đối không được mè nheo nên khi ra viện, người ta có biếu mình thì mình đoàng hoàng mà nhận, không việc gì phải dấm dúi.

- GS nghĩ thế nào về chuyện nhận phong bì của bác sĩ hiện nay? Điều đó có đánh giá y đức của một bác sĩ? Người nhà của ông có chia sẻ gì khi đi bệnh viện phải đưa phong bì cho bác sĩ?

GS.BS Đặng Hanh Đệ: Khi con gái tôi vào bệnh viện sinh em bé tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các bác sĩ ở đó đều biết tôi và đều gọi tôi là thầy. Tuy nhiên, sau khi con tôi “mẹ tròn, con vuông”, tôi cũng đến cám ơn các bác sĩ đó. Có người nói rằng: Sao thầy lại làm thế? Tôi trả lời: Đây là cái lệ của xã hội. Tôi không thể làm khác được. Chỉ có điều, khi mình cảm ơn thì quan trọng nhất vẫn là cách cho chứ không phải của cho.

Còn trong thời kỳ khi tôi đang làm việc, rất nhiều bệnh nhân đã đưa phong bì cho tôi với một tấm lòng và thái độ vừa chân thành, vừa lo lắng vì họ không biết người nhà họ đi mổ tim sẽ ra sao. Lúc đó, nếu tôi không nhận, trả lại thẳng thừng thì chắc chắn cả bệnh nhân lẫn người nhà đêm hôm đó không thể ngủ được và sáng hôm sau, khi lên bàn mổ, quả tim sẽ đập loạn xạ. Cho nên, tôi rất chân thành và nhận phong bì của gia đình người bệnh. Nhưng trước khi ra viện, tôi thường mời người nhà bệnh nhân vào phòng và trao lại phong bì này.

Mặt khác, chuyện nhận phong bì của các bác sĩ phải phân biệt: tuyệt đối không được gợi ý hoặc mặc cả với bệnh nhân. Còn sau khi người bệnh khỏe, họ có tỏ lòng cảm ơn thì đó tôi cho là sự văn minh hoặc văn hóa của xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại