Vụ Zone 9: Nhiều công ty đổ tiền tỉ chỉ để kinh doanh 6 tháng?

Y. Dương |

(Soha.vn) - Tại sao cả công ty TNHH Fuse Hà Nội, Thành Đạt và Tiến Bộ đều chi tiền tỉ để tiếp quản khu đất trong thời gian rất ngắn?

Tại thời điểm vụ cháy xảy ra ở tầng 1 đơn nguyên 5 tầng thuộc khu Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào 14h ngày 19/11/2013, Công ty TNHH nhà hàng Fuse Hà Nội đang là sở hữu và quản lý cơ sở vui chơi này.

Nhìn lại toàn bộ quá trình chuyển nhượng của các bên sử dụng khu đất ở số 9 Trần Thánh Tông dễ thấy nhiều sự rích rắc và chuyển nhượng phi lí.

Cụ thể, năm 2012, khu đất có diện tích 11.227 m2 tại số 9 Trần Thánh Tông được cơ quan Nhà nước giao cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 2 (Công ty Dược 2) quản lý, sử dụng. Sau khi Công ty Dược 2 di dời ra ngoại thành, UBND thành phố đã giao Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bình An (Công ty Bình An) lập và triển khai dự án tổ hợp văn phòng làm việc, trung tâm thương mại. Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng dự án vào tháng 5/2013.

Tiếp đó, việc quản lý, sử dụng khu đất này được Công ty Bình An giao cho Công ty Cổ phần Phát triển Tiến Bộ (Công ty Tiến Bộ) với thời hạn 6 tháng (từ 01/08/2013  đến 28/02/2014).

Ngay sau đó, phía Công ty Tiến Bộ tiếp tục ký hợp đồng giao quản lý, sử dụng mặt bằng và tài sản trên Khu đất này cho công ty TNHH Tư vấn Bất động sản Thành Đạt (Công ty Thành Đạt). Thời hạn ký cũng từ 01/08/2013 đến 28/02/2014. Công ty Thành Đạt trực tiếp thực hiện việc quản lý và khai thác có thời hạn Khu đất trên bằng việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các hộ kinh doanh cá thể.

Như vậy, dư luận không thể không đặt câu hỏi, tiếp quản khu đất chỉ trong vỏn vẹn 6 tháng, Công ty Tiến Bộ, Công ty Thành Đạt kịp làm được gì? Thông thường, khi tiếp quản khu đất, phía Công ty Tiến Bộ chắc chắn phải mất ít nhất một tháng để sửa chữa, cải tạo cho đúng mục đích sử dụng.

Vòng chuyển giao rích rắc này tiếp tục khi phòng khép kín có diện tích 150m2 ở tầng 1 nhà A số 9 Trần Thánh Tông được công ty Thành Đạt cho Công ty TNHH nhà hàng Fuse Hà Nội thuê lại. Trước khi xảy ra vụ cháy thì công trình này đang được sửa chữa, lắp đặt nội thất để làm quán bar. Vụ cháy làm 6 thợ thi công tử vong và một số người khác bị thương do ngạt khói.


	Hiện trường vụ cháy.

Hiện trường vụ cháy.

Ở đây, theo thời hạn hợp đồng của Công ty Bình An với Công ty Tiến Bộ và Công ty Tiến Bộ với Công ty Thành Đạt thì khi đến lượt Công ty TNHH nhà hàng Fuse Hà Nội tiếp quản, thời hạn thuê chỉ còn gần 3 tháng (tính từ tháng 11/2013 đến tháng 02/2014). Nếu biết thời hạn thuê còn ngắn như vậy, vì sao Công ty TNHH nhà hàng Fuse Hà Nội vẫn đổ tiền tỉ để thuê lại và đầu tư thiết kế, sửa chữa để làm quán bar?

Được biết, tại khu đất này, ngoài quán bar thì còn có các quán cà phê, cửa hàng thời trang... Ngoài ra còn có các hoạt động kinh doanh vệ tinh như dịch vụ ăn uống, vui chơi, lớp học Yoga, studio chụp ảnh, thư viện, phòng sáng tác nghệ thuật... Tính ra, toàn bộ khu Zone 9 có gần 30 cửa hàng. Mỗi hộ kinh doanh cũng đầu tư đến cả trăm triệu đồng.

Cả Công ty TNHH nhà hàng Fuse Hà Nội và hàng chục gian hàng khác đều chi từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng để tiếp quản khu đất trong thời gian rất ngắn, vỏn vẹn vài tháng. Với ngần ấy thời gian thì chủ các cơ sở này có kịp thu hồi vốn? Một nghi vấn đặt ra là phải chăng họ đều bị “lừa” khi thuê địa điểm kinh doanh tại khu Zone 9?

Zone 9 lọt vào tầm ngắm của các “đại gia”

Zone 9 đã lọt vào tầm ngắm của các đại gia bất động sản và tài chính từ nhiều năm trước, thể hiện qua việc dù dự án đầu tư mới chưa được thực hiện, các hoạt động chuyển nhượng vốn liên quan đến các công ty có lợi ích liên quan đến lô đất này đã diễn ra khá… nhộn nhịp.

Tháng 4/2011, Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) thông báo sẽ nhận chuyển nhượng 20,59 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Bình An, nâng lượng nắm giữ lên 40,89 triệu cổ phiếu, chiếm 70,5% vốn.

Đáng nói là theo thông tin từ OCH, việc nhận chuyển nhượng cổ phần này là từ Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Đất Việt.

Khoảng một tháng sau, đến lượt Công ty Cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) có thông tin về việc duyệt chủ trương đầu tư vào dự án tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Zone 9. 

Theo đó, PVR sẽ mua lại toàn bộ số cổ phần mà Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương hiện có và được quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bình An (94%), với điều kiện là dự án phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước phê duyệt quy hoạch 1/500.

Thông tin trên VnEconomy

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại