Bà Sinh (64 tuổi) là em gái của "người rừng" Trương Văn Tuất (67 tuổi) bắt đầu kể câu chuyện về gia cảnh người anh trai và hé mở nguyên nhân tại sao ông Tuất phải sống dưới gốc cây ven sông Tô Lịch.
Hiện nay, bà Sinh đang ở căn nhà hơn 10m2 sát ngay nhà cũ của ông Tuất (số 57, 639/39 Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội).
Tâm sự về hoàn cảnh éo le của người anh trai, bà xót xa: “Nhìn ông ấy đi nhặt chai lọ ngoài bãi rác, ngủ ngoài đường tôi đau đớn lắm chứ. Ngày xưa tôi nói, can ngăn mà ông ấy có chịu đâu, một mực ông ấy chỉ nghe vợ rồi ký vào giấy bán nhà, đến lúc không có nhà ở, ông ấy bất mãn, chán gia đình nên bỏ nhà đi không về”.
Tôi từng nói với thằng D (con trai ông Tuất - PV), sống chết cũng không để ai phá bĩnh, bán nhà của ông bà để lại. Nhưng thương mẹ đang vỡ nợ do lô đề, thằng D vẫn bán”.
Bà Sinh- em gái ông Tuất kể về gia cảnh của gia đình.
Cũng theo lời kể của bà Sinh, ông Tuất đi thanh niên xung phong năm 1960 sau đó đi bộ đội đóng quân tại tỉnh Hòa Bình. Sau khi xuất ngũ, ông Tuất làm diễn viên ở Nhà hát múa rối Thăng Long, một thời gian ông chuyển sang công tác tại nhà máy gạch Nam Thắng ở Vĩnh Tuy (Hà Nội). Về hưu không được hưởng lương, ông làm nghề khâu giầy tại nhà để sống.
Bà Lý (vợ ông Tuất) cũng từng công tác tại nhà máy in Tiến Bộ nhưng cũng không có lương hưu nên phải bán xôi, chè để nuôi cả gia đình.
“Hai người con ông ấy đều không bằng cấp gì nên làm nghề tự do, cô con gái nhận quần áo về giặt là, con trai đi xe ôm, làm nhà đất... Không học hành gì nhưng thằng D. cũng chăm chỉ bươn trải làm đủ nghề kiếm sống từ năm 14 tuổi”, bà Sinh nói thêm.
Hiện nay, con trai của ông Tuất đã lấy vợ nhưng làm ăn thất bát nên phải đi ở nhờ người khác, còn cô con gái tên H. đã lấy chồng nhưng cũng vất vả. Theo bà Sinh, do khó khăn không có nhà nên không đón ông Tuất về được.
Bà Sinh nhớ lại câu chuyện: “Từ ngày ông Tuất bỏ đi khỏi nhà, D. thuê nhà ở Khu 7,2 ha (Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) và làm nghề tự do để nuôi mẹ già, vợ con. Năm ngoái, nó chạy đến đây mượn sổ đỏ của tôi để thế chấp trả nợ. Vì nợ tiền nhà trọ mấy tháng nên bị họ vứt đồ đạc ra ngoài đường.
Thương mẹ con nó nhưng hoàn cảnh của tôi cũng khó khăn, một thân một mình không chồng con, chỉ có lương hưu người cao tuổi 230 nghìn đồng/ tháng. Tôi cũng phải rang lạc thuê, ai thuê gì làm nấy để có thêm thu nhập. Không có nhiều tiền nên thỉnh thoảng gặp ông Tuất cũng chỉ đưa ông ấy mấy chục”.
Bà Sinh cũng bày tỏ nỗi xót xa cho hoàn cảnh của ông Tuất ngày xưa có nhà cửa đàng hoàng nhưng do vợ bán nhà nên “khùng khùng điên điên”, rồi lang thang khắp nơi nhặt rác kiếm sống qua ngày.
“Ông Tuất mất giấy tờ, không làm được chế độ trợ cấp đi bộ đội nên giờ không có lương hưu. Gia đình cũng muốn đón ông về nhưng làm gì có nhà, bà vợ cũng đang phải ở nhờ nhà cậu em ở Hoàng Hoa Thám”, bà Sinh cho biết.
Trước đó, chúng tôi đã đưa tin về hoàn cảnh “màn trời chiếu đất” của ông Tuất – “người rừng” bới rác giữa thủ đô đang sống tạm trong căn lều chênh vênh, rách nát dưới gốc cây ven sông Tô Lịch (đoạn thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Nhắc đến hai người con của mình, ông Tuất khoe rằng vợ chồng con gái ông vẫn thường đến thăm và cho ông tiền. Chiếc xe đạp liên doanh Việt Nhật mà ông mới bị mất là do con rể mua cho ông để đi lại. Ở tuổi này rồi nhưng ông bảo, nếu có ốm đau tuổi già hay mệnh hệ gì cũng sợ phiền đến con cháu.
“Tôi từng nói với con tôi rằng, nếu tôi nằm xuống con đến thăm được là mừng, nếu thoi thóp thở thì đưa tôi đi hỏa thiêu, không phải phiền toái đến ai làm gì…”, ông Tuất chia sẻ.