'Người rừng' bị câm dựng lều giữa Thủ đô... sợ máy ảnh

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Từ chiều hôm qua, có mấy nhóm đến nên anh câm không dám về. Anh ấy vẫn đứng ở bến xe buýt đằng kia để đợi vì sợ lên báo, công an đuổi không cho ở nữa”, anh Tuấn kể.

Những căn lều trống, chênh vênh

Những ngày cuối năm rét mướt, khó ai tưởng tượng có sự tồn tại của 3 “hộ dân” sống lay lắt, thiếu thốn trong chiếc lều tạm ven sông Tô Lịch (hướng từ Lạc Long Quân về Cầu Giấy), phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Bên trong
Bên trong "căn nhà" của anh câm ở ven sông Tô Lịch.

Trò chuyện với họ, chúng tôi không khỏi xót xa về hoàn cảnh éo le, cuộc sống khó khăn mà họ đã trải qua. Hàng xóm cạnh lều ông Trương Ngọc Tuấn là anh câm (mọi người gọi anh như thế vì không ai biết tên của anh) làm nghề bới rác và anh Vũ Xuân Tuấn (ở Hưng Yên) mưu sinh bằng nghề đánh giầy.

Những túp lều tạm bợ được dựng lên bằng bạt, vải, cố định 4 góc bằng dây thừng, dây chun buộc vào cành cây. “Căn nhà” ấy nằm im ỉm, được che chắn bởi cây dại ven đường.

Người chúng tôi may mắn gặp được là anh Vũ Xuân Tuấn (34 tuổi). Để lên "thăm nhà" anh, chúng tôi phải bám vào những mấu của viên gạch ốp để leo lên như leo núi.

Anh Vũ Xuân Tuấn (34 tuổi), từ Hưng Yên lên Hà Nội mưu sinh kể lại cho chúng tôi câu chuyện buồn của đời anh.

Anh Vũ Xuân Tuấn lên Hà Nội mưu sinh kể lại cho chúng tôi câu chuyện buồn của đời anh.

Dụng cụ mưu sinh của anh hàng ngày.

Dụng cụ mưu sinh của anh Tuấn hàng ngày.

Mời chúng tôi ngồi bên đống lửa sưởi ấm, anh Tuấn kể, anh sống ở đây được gần 2 năm bằng nghề đánh giầy. Chiếc xe đạp mà anh khóa ở bên dưới chính là phương tiện kiếm sống của anh hàng ngày. "Tôi đã mất vài chiếc xe đạp rồi", anh Tuấn nói.

“Khoảng 6 – 7 giờ sáng, mình đi làm bằng xe đạp, đến tối mịt thì về nhà để nghỉ. Mình ăn gì thì ăn cho qua ngày chứ cũng chẳng nấu nướng được gì. Nghề đánh giầy cũng có đồng ra đồng vào đủ sống chứ không được nhiều”, anh Tuấn nói.

Khi chúng tôi hỏi về gia đình, mắt anh nhòe nước lặng lẽ rơi xuống má, xuống miệng, anh nói: “Vợ con anh mất trong vụ tai nạn giao thông cách đây 2 năm trước”.

Anh lặng người khi kể về cái chết thảm của vợ con anh.
Anh lặng người khi kể về cái chết thảm của vợ con anh.

Anh lặng đi, tôi gặng hỏi mãi, anh mới kể, trước vợ anh học chung lớp khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Cao đẳng Hưng Yên. Khi ra trường, anh chị cưới nhau và có một mụn con. Nhưng thật bất hạnh, trong lần đưa con đi nhà trẻ, hai mẹ con bị tai nạn mất.

“Lái xe ô tô gây tai nạn bỏ chạy, lúc đó mình đang ở Hải Phòng cũng chỉ nghe mọi người kể lại. Con mình mới được có 5 tháng, vợ con mất nên mình thấy chán không về nhà nên ra Hà Nội lang thang kiếm sống”, anh xúc động nhớ lại.

Bố mẹ anh đi buôn ở Lạng Sơn, hơn tháng mới về quê một lần. Đã 2 năm rồi anh không về thăm nhà, anh vẫn tìm hiểu theo dõi tình hình cuộc sống của bố mẹ ở quê thông qua những cuộc trao đổi điện thoại với bạn bè.

Nhiều lần vô tình gặp bạn trên phố, anh đều né tránh vì không muốn ai biết anh làm gì, ở đâu. Sau lần vợ con mất, dường như anh mất hết động lực, niềm tin để sống.

“Anh câm” không dám về “lều” vì sợ bị chụp ảnh

Hỏi chuyện về “hàng xóm”, anh Tuấn chỉ ra chiếc lều trống hoác, chênh vênh bên cạnh và nói đó là nhà của anh câm đi bới rác, lượm chai lọ. Anh Tuấn nói anh ấy không có tên, thường gọi là  câm.

“Từ chiều hôm qua, có mấy nhóm đến nên anh câm không dám về, anh ấy vẫn đứng ở bến xe buýt đằng kia để đợi vì sợ lên báo công an đuổi không cho ở nữa”, anh Tuấn kể về hàng xóm thân thiết của mình.

Theo anh Tuấn, thỉnh thoảng dọc đường về nhà, anh mua cơm về hai anh em cùng ăn cho vui. Nói rồi, anh chỉ xuống chiếc ghế salon cũ đang ngồi và nói đây là quà tặng của anh câm cho.

Còn theo lời ông Tuấn gần 70 tuổi sống trong chiếc lều phía bên kia nhà anh câm thì anh này ở Lạng Sơn, hàng ngày cũng đi nhặt chai lọ, phế liệu bán lấy tiền.

“Trước đây tôi thấy nó ngồi ăn ở dưới gốc cây, tôi bảo nó về đây sống cho vui. Tôi hỏi nó bảo chưa có vợ, khổ cái là không nói được chứ nó ngoan lắm. Hỏi chuyện chỉ ú ớ ra hiệu bằng tay”, ông Tuấn nói.

Đang trò chuyện với ông, chúng tôi thấy anh câm đạp xe về với đống đồ nào là giấy vụn, chai lọ…chằng chịt đằng sau xe. Thấy bạn, ông Tuấn giơ tay chào và hỏi "ăn cơm chưa?". Anh câm đáp lại bằng cách huơ huơ tay ra hiệu là đã ăn ở cầu Thăng Long rồi. Anh ra hiệu bằng ngón tay rằng năm nay anh 27 tuổi. Thấy chúng tôi, anh câm không dám về lều vì sợ bị chụp ảnh, bị nhiều người đến thăm. Ông Tuấn bảo: “Giờ mà lấy máy ảnh ra bấm là nó sợ chết khiếp”, vì vậy chúng tôi phải ra hiệu là không chụp ảnh.

Hỏi về cuộc sống ở đây, ông Tuấn tâm sự: “Thỉnh thoảng công an phường đi kiểm tra, có nhắc nhở. Nhưng mình xin người ta cho ở tạm, ở nhờ, chứ cũng không có chỗ nào đi nữa”.

Đêm nay, căn lều của anh câm trống hoác.

Đêm nay, căn lều của anh câm trống hoác.

Cuộc sống không ánh sáng, vô vàn thiếu thốn của những con người khốn khổ này ở giữa Thủ đô…không biết bao giờ mới kết thúc?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại