Ông Bùi Danh Liên viện dẫn Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2009) chương XIX: “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng”, Điều 202: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” thì tùy theo mức độ vi phạm bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 7 đến 15 năm, còn có thể cấm hành nghề từ 1 năm đến 5 năm (không tước quyền hành nghề suốt đời). Nếu đề xuất trên được đưa vào Nghị định là trái với quy định của Bộ luật hình sự và phải đề nghị Quốc hội sửa đổi lại Bộ luật hình sự.
“Đề xuất chỉ cấm hành nghề vĩnh viễn đối với lái xe khách và xe container là không công bằng. Lý do là những lái xe ô tô không kinh doanh và lái xe tải gây rất nhiều tai nạn thảm khốc (như vụ lái xe gia đình gây tai nạn xảy ra chiều ngày 26/05/2013 trên quốc lộ 32 làm 3 người tử vong tại chỗ) thì lái xe không bị điều chỉnh với quy định trên”, ông Liên cho hay.
Công văn của Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng nêu rõ: Quyền sống và làm việc thuộc về nhân quyền do Hiến pháp quy định, công dân chỉ bị tước quyền công dân và quyền hành nghề khi thành án và cấm hành nghề trong một thời hạn nhất định; Một tội danh không thể áp dụng 2 hình phạt cùng một lúc: vừa phạt theo Nghị định xử phạt hành chính vừa xử phạt theo Luật hình sự.
Trước đó, tại hội nghị thẩm định Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi tại Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi thực hiện sửa đổi Nghị định 71 phải đưa những hành vi nghiêm trọng vào Nghị định này, xử phạt đối với những người có hiểu biết pháp luật nhưng cố tình vi phạm… xe khách và xe container thường gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, vì thế tài xế lái 2 phương tiện này khi gây ra tai nạn giao thông phải tước giấy phép lái xe vĩnh viễn chứ không thể cho tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông được”.
Tuy nhiên, khi đề cập tới vấn đề này, ông Liên biện giải, chiến tranh bảo vệ độc lập và thống nhất tổ quốc đã làm cho đất nước chúng ta hao người tốn của, nhưng hậu quả rất lớn còn kéo dài nhiều thập kỷ là suy thoái về đạo đức. Trong một thời gian quá dài, ta chỉ chú ý đến giáo dục ý thức “chiến đấu, chiến thắng” mà xem nhẹ “tiên học lễ, hậu học văn”, chưa chú ý giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và ý thức trách nhiệm cộng đồng.
“Ý thức muốn hơn người khác đã ăn sâu trong dòng máu, trong khi mình chưa đủ sức. Đất nước còn nghèo nàn nhưng cái gì cũng muốn nhất thế giới như: về lễ hội, thể dục thể thao, người mẫu, chạy chức, chạy quyền, học hàm, học vị, phô trương thành tích cá nhân, đánh bóng tên tuổi.
Do vậy khi ngồi lên xe, một số lái xe cứ cho mình là tài giỏi hơn người, chỉ muốn thắng người khác nên phóng nhanh vượt ẩu, không chịu nhường đường cho nhau, không tôn trọng lẫn nhau nên đã xảy ra tai nạn.
Muốn giảm thiểu tai nạn giao thông, ngoài các giải pháp khác thì phải đưa vào trường học chương trình đào tạo về văn hóa giao thông từ bậc tiểu học và cao đẳng, đại học để thực hiện di huấn của Bác Hồ: “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc để dần dần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xử phạt phải đúng ý nghĩa: Răn đe và giáo dục”, ông Liên cho hay.