Ông Vũ Mão: “Ý kiến sửa lời Quốc ca rất đáng để suy nghĩ”

Sơn Lâm |

(Soha.vn) - Ông Vũ Mão cho rằng: “Đến bây giờ, nhân sửa Hiếp pháp 1992, mà có ý kiến như vậy (sửa lời Quốc ca) thì tôi cho là rất đáng để suy nghĩ”.

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Mới đây, tại phiên thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp, đại biểu Huỳnh Thành (tỉnh Gia Lai) đã phát biểu về việc sửa lời bài Quốc ca. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, về vấn đề được nhiều cử tri chú ý này.

Không chỉ là một nhà chính trị đã từng tham gia nhiều khoá Trung ương Đảng và nhiều khoá trong Quốc hội, ông Vũ Mão còn được biết đến là một nhạc sỹ. Ông Mão chia sẻ:

“Quốc ca có ý nghĩa thiêng liêng. Quốc ca là hồn thiêng của mỗi dân tộc, thể hiện tinh thần, ý chí, nghị lực, truyền thống của dân tộc đó. Trên thế giới, có những bài quốc ca đi vào lòng người một cách sâu sắc, nổi tiếng như bài quốc ca của Pháp, Nga…

Trước đây, Liên bang Xô Viết có quốc ca rất hào khí. Nhưng sau khi các quốc gia tách khỏi Liên bang Xô Viết thì Nga thay đổi quốc ca. Đến khi ông Putin lên làm Tổng thống, ông này đã lấy nền nhạc quốc ca của Liên Xô trước đây và đổi lời quốc ca cho phù hợp với điều kiện của Nga.

Tưởng chừng là một việc bình thường nhưng việc này đã phát đi một tín hiệu rằng Nga đang củng cố đất nước của mình để tạo vị thế mới trên trường quốc tế. Nhưng đồng thời cũng nối tiếp những truyền thống của Liên Xô. Người dân Nga khi đó đã rất phấn khởi, ủng hộ việc làm này”.

“Còn về Việt Nam, việc thay đổi lời quốc ca không phải bây giờ mới có mà trước đây đã có và đã thực hiện. Hiến pháp năm 1946, Quốc ca Việt nam là bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao. Lời bài quốc ca trước đây khi cách mạng Tháng Tám mới thành công phản ánh tình hình đất nước thời kỳ tiền khởi nghĩa và Cách mạng và cách mạng tháng 8 năm 1945.

Đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I năm 1955, lời bài Tiến quân ca đã được sửa đi ít nhiều. Ví dụ, thay vì là “thề phanh thây uống máu quân thù” thì được sửa là: “Đường vinh quang xây xác quân thù” cho phù hợp với tình hình đất nước khi đó: Miền Bắc được giải phóng, miền Nam vẫn còn dưới ách thống trị của giặc ngoại xâm; cà nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, quyết tâm chiến đấu giành độc lập tự do cho tổ quốc”, ông Vũ Mão nói.

Ông Mão kể tiếp: “Đến năm 1976, đáng lẽ chúng ta làm theo kinh nghiệm năm 1955 là tiếp tục sửa lời của Quốc ca cho phù hợp với tình hình mới, nhưng lại làm khác. Những người lãnh đạo khi ấy đã nghe theo ý kiến của một số tham mưu đưa ra chủ trương xây dựng Quốc ca mới.

Những cuộc thi rầm rộ và tốn kém được triển khai. Tất nhiên đã chọn ra được những bài hát rất hay. Nhưng tiếc thay các đại biểu Quốc hội – những người thay mặt cho dân đã không đồng tình việc thay đổi Quốc ca bởi nhân dân không muốn như thế.

Nhân dân muốn một điều rất giản dị là: Mấy chục năm qua Quốc ca đã đi vào lòng người, trở thành vũ khí bách chiến bách thắng. Đã là truyền thống thì phải được phát huy không thể để cho nó mất đi. Đó là một bài học kinh nghiệm về lòng dân.

Nếu khi đó, cách làm giống như năm 1955, chỉ sửa lời dựa trên nền nhạc cũ sao cho phù hợp với tình hình mới, thì may ra được chấp nhận, nhưng trong tình huống bối rối như vậy cũng không ai đặt ra nữa”.

Ông Vũ Mão cho rằng: “Đến bây giờ, nhân sửa Hiếp pháp 1992, mà có ý kiến như vậy thì tôi cho là rất đáng để suy nghĩ. Việc sửa lời trên một nền nhạc truyền thống sao cho phù hợp với điều kiện thực tại của đất nước là một việc có thể nên làm. Nhưng cần cân nhắc kỹ về thời điểm, chắc chưa phải là lúc này”.

Khi được hỏi về việc sẵn sàng tham gia viết lời mới cho Quốc ca nếu Quốc hội đồng ý sửa lời Quốc ca dựa trên nền nhạc của bài Tiến quân ca, ông Mão cho biết: “Lúc này chuyện ấy chưa ai đặt ra đâu. Còn đến lúc tình hình đất nước khá lên, nhân dân phấn khởi mà lại đồng tình sửa lời của Quốc ca cho phù hợp với tình hình mới thì chúng ta sẽ có cách làm đi theo đường lối quần chúng. Khi ấy nhiều người sẽ tham gia. Riêng tôi nếu còn sống, còn khoẻ mạnh và tỉnh táo thì sẽ cố gắng tham gia (cười)”.

“Nhân đây, tôi muốn nói lên mong muốn của mình: Tất cả người dân nước Việt, mỗi lần chào cờ thì hãy hát Quốc ca bằng cả trái tim nồng cháy của mình với Tổ quốc. Rất mong các vị lãnh đạo hát Quốc ca (tôi theo dõi thấy các vị ít hát lắm). Đây cũng là sự gương mẫu tối thiểu cần phải có”, ông Mão nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại