“Không hiểu biết về lịch sử thì không làm được kiến trúc”
- Vừa qua có ý kiến cho rằng giữa quy hoạch kiến trúc và giao thông đô thị với quy hoạch di tích hiện nay có mâu thuẫn với nhau, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
KTS Lương Tiến Dũng: Tôi cho rằng giữa quy hoạch kiến trúc và quy hoạch di tích không hề tồn tại mâu thuẫn, nếu như không muốn nói là giữa chúng còn có điểm chung. Cái chung nhất giữa quy hoạch kiến trúc với quy hoạch di tích chính là văn hóa. Nếu anh làm kiến trúc mà không có kiến thức, thiếu hiểu biết về văn hóa, về lịch sử là không được. Lịch sử, kiến trúc là những thành tố của văn hóa, chúng không có sự mâu thuẫn. Nên tất cả đều phải xuất phát từ điểm chung ấy.
Tôn trọng lịch sử thì mới phát triển được. Xây dựng đường sá, cầu cống, nhà cửa để phục vụ nhu cầu của nhân dân, phục vụ cho phát triển là xu thế tất yếu rồi, nhưng khi xây dựng mà gặp phải các di tích thì buộc chúng ta phải tìm ra các giải pháp. Các giải pháp này phải dựa trên cơ sở là tôn trọng tuyệt đối tất cả các giá trị di sản. Đó là quan điểm của tôi.
- Trong hội thảo, khi bàn về vấn đề có nên xây cầu vượt qua di tích đàn Xã Tắc hay không thì có chuyên gia cho rằng đây là sự cần thiết, ông có đồng tình không?
KTS Lương Tiến Dũng: Trước hết phải khẳng định, dưới góc độ của một người làm kiến trúc, tôi không đồng tình với ý kiến trên. Như trên tôi đã nói, trong quy hoạch đô thị (bao gồm cả kiến trúc, giao thông,…), phải tôn trọng tuyệt đối tất cả các giá trị di sản. Đây cũng là một trong những nguyên lý mà các tôi dạy cho sinh viên ở trong trường đại học.
Khi chọn đất để xây dựng đô thị, xây dựng các công trình thì bao giờ cũng có nguyên tắc rất cơ bản là không được phép xây dựng trên các khu vực đã có di tích lịch sử. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Khi đã là nguyên tắc rồi thì chúng ta phải nghiêm chỉnh thực hiện, kể cả nhà quy hoạch, nhà kiến trúc, nhà quản lý. Nguyên tắc trên giờ đã được cụ thể hóa bằng luật rồi thì ta phải hết sức tôn trọng.
Đối với di tích đàn Xã Tắc cũng thế. Chúng ta không thể xây cầu vượt đi qua mà phá bỏ, xâm phạm thô bạo đến di tích, cần phải có giải pháp. Tôi nghĩ phạm vi của di tích đàn Xã Tắc sẽ tồn tại trên một khu vực rộng chứ không phải chỉ có một vùng khoanh đã khai quật như thế đâu, có thể lúc đó do các điều kiện không cho phép nên các nhà khảo cổ chỉ đào được có chừng ấy thôi. Mà rõ ràng là đó là một khu di tích rất lớn. Giữ lại di tích đàn Xã Tắc là việc làm cần thiết. Xây cầu vượt mà phá bỏ di tích đàn Xã Tắc là sai lầm.
“Phạm vi của đàn Xã Tắc có thể còn lớn hơn hiện nay rất nhiều”
- Ông nhận xét gì về ý kiến cho rằng chỉ có thể xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc mới có thể “hóa giải” được ùn tắc giao thông?
KTS Lương Tiến Dũng: Tôi không đồng ý với giải pháp quy hoạch và thiết kế xây cầu vượt qua di tích đàn Xã Tắc như một số chuyên gia nêu ra trong thời gian vừa qua. Lý do là phạm vi nghiên cứu, khảo sát khảo cổ ở khu vực đàn Xã Tắc là quá nhỏ nên rất khó để tìm ra được giải pháp tối ưu để thỏa mãn được tất cả các mục tiêu đề ra.
Nếu muốn xây dựng cầu vượt thì chúng ta cần mở rộng phạm vi diện tích nghiên cứu để đến một phạm vi nào đó thì dừng lại, xác định, lập quy hoạch bài bản, rõ ràng. Trên cơ sở đấy thì cần phải có sự vào cuộc của Cục di sản, Sở VH-TT&DL, các nhà sử học,… để khoanh vùng phạm vi tồn tại di tích. Khi đã xác định và khoanh vùng được di tích thì sẽ có những giải pháp sao cho phù hợp, lập ra được các tuyến giao thông như thế nào là hợp lý, hiệu quả nhất, đỡ tốn kém nhất mà vẫn đảm bảo được sự tồn tại của di tích ấy.
Làm như thế sẽ được đông đảo người dân và các nhà khoa học đồng tình. Theo tôi thì chúng ta không thiếu các giải pháp quy hoạch, khi chúng ta đã có cái tâm với nó, nhiệt huyết với nó thì nhất định chúng ta sẽ tìm ra giải pháp. Tôi tin vào điều đó.
- Ông cho rằng phạm vi nghiên cứu, khảo sát khảo cổ ở khu vực đàn Xã Tắc hiện nay là quá nhỏ?
KTS Lương Tiến Dũng: Tôi cho rằng phạm vi thực của đàn Xã Tắc có thể còn lớn hơn phạm vi được thể hiện trên bản đồ hiện nay rất nhiều. Cũng phải thông cảm là do điều kiện kinh tế của chúng ta chưa được dư dật, đầy đủ để cho các nhà khoa học, các nhà khảo cổ có thể tiến hành khai quật được rộng hơn.
Tuy nhiên, những kết quả từ công cuộc khai quật mà Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên đã tiến hành rất đáng trân trọng. Đó cũng là minh chứng rõ ràng rằng ở khu vực này có tồn tại di tích đàn Xã Tắc và việc xây cầu vượt giao thông đi qua đã xâm phạm quá nhiều vào di tích.
Nếu cứ khăng khăng triển khai xây dựng cầu vượt thì diện tích di tích đàn Xã Tắc bị xâm phạm không phải chỉ một ít thôi đâu mà rất nhiều đấy. Đứng về mặt văn hóa thì chúng ta không nên làm như vậy.
Chúng ta nên tuân thủ theo đúng quy trình: Các nhà khảo cổ học bây giờ phải đi trước. Bằng những kết quả nghiên cứu của mình hãy xác lập rõ ràng các vành đai bảo tồn, để từ đó các nhà thiết kế, từ quy hoạch cho đến nhà đầu tư biết khu vực đó để mà tránh ra. Khi đã biết có khu vực đó rồi thì chẳng ai nào dám ký dự án, dám xây dựng đè lên di tích cả. Đây cũng đang là một trong những hạn chế trong công tác quản lý của ta. Quản lý của chúng ta chưa tốt về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!