TS. Nguyễn Ngọc Trường: “Mỹ thực sự xem Trung Quốc là một nguy cơ”

Lý Minh Sơn |

(Soha.vn) - “Mỹ xem châu Á-Thái Bình Dương là khu vực trọng yếu đối với lợi ích quốc gia của Mỹ. Mỹ cũng thực sự xem Trung Quốc là một nguy cơ, rồi đây sẽ lấn át Mỹ và tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này”.

LTS: Đối thoại Shangri-La 12 đã kết thúc vào ngày 2/6 một cách tốt đẹp. Đối thoại lần này đã tập trung vào một số chủ đề như tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia, phòng ngừa xung đột; hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược; vai trò của Trung Quốc đối với an ninh khu vực; các thể chế khu vực, toàn cầu và an ninh châu Á; thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có bài phát biểu nêu ra tầm nhìn về an ninh khu vực được dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt. 

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Ngọc Trường - Nhà bình luận quốc tế Đài Truyền hình Việt Nam, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển và Mexico xung quanh bài phát biểu này. 

TS. Nguyễn Ngọc Trường - BLV Chương trình “Báo chí Toàn Cảnh”- Đài Truyền hình Việt Nam, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển và Mexico (Ảnh: Tuấn Nam)

TS. Nguyễn Ngọc Trường - Nhà bình luận quốc tế Đài Truyền hình Việt Nam, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển và Mexico (Ảnh: Tuấn Nam)

PV: Thưa ông, lời phát biểu của Bộ trưởng QP Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri – La 12 vừa qua rằng Mỹ hoàn toàn có thể tiếp tục chiến dịch chuyển trọng tâm đến châu Á bất chấp việc cắt giảm ngân sách cho thấy điều gì?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Lời khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ít nhất cho thấy rõ ba điều: 

Một, Mỹ xem châu Á-Thái Bình Dương là khu vực trọng yếu đối với lợi ích quốc gia của Mỹ. 

Hai, Mỹ thực sự xem Trung Quốc là một nguy cơ, rồi đây sẽ lấn át Mỹ và tìm cách  đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này. 

Cho nên, ba, Mỹ quyết tâm tiếp tục chính sách “tái cân bằng” và “xoay trục” sang châu Á và Mỹ có thể thực hiện được nếu tập trung, có trọng điểm. Ngân sách quốc phòng Mỹ tuy giảm nhưng vẫn chiếm 40% tổng ngân sách quốc phòng thế giới.

PV: Tại Đối thoại lần này, ông Chuck Hagel có phát biểu: “Xây dựng một mối quan hệ tích cực và mang tính xây dựng với Trung Quốc là một phần quan trọng trong sự tái cân bằng của Mỹ ở châu Á. Dù Mỹ và Trung Quốc sẽ có các bất đồng nhưng điều quan trọng là những bất đồng đó được giải quyết trên cơ sở đối thoại liên tục và tôn trọng”. Với việc phát triển tinh thần chủ nghĩa dân tộc như hiện nay của TQ, ông có nghĩ hy vọng trong phát biểu của ông Hagel có thể trở thành hiện thực?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Đây là một cách tiếp cận mới của chính quyền Obama-II: Xem Trung Quốc là một phần của chính sách xoay trục và tái cân bằng, từ đối tượng trở thành đối tác của chính sách châu Á mới.

Nhưng bản chất cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc không thay đổi; cách nói mới này có thể nhằm phần nào xoa dịu mối quan ngại và giảm sự đả kích của Trung Quốc đối với chính sách xoay trục mà  Bắc Kinh cho là nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (Ảnh: AFP)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (Ảnh: AFP)

PV: Việt Nam được lợi gì từ những quyết tâm trên của Mỹ hay chỉ là những sự hợp tác Mỹ -Trung “trên lưng” Việt Nam như đã diễn ra trong thập kỷ 70 của thế kỷ 20?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Tình hình đã có sự khác biệt căn bản. 

Những năm 1970, Mỹ cấu kết với Trung Quốc để giải quyết vấn đề Việt Nam. Ngày nay, Mỹ xem trọng Việt Nam như một đối tác chiến lược tiềm năng. 

Việt Nam ngày nay đa dạng hóa quan hệ quốc tế, có quan hệ tốt với tất cả các nước lớn liên quan, trong đó có Trung Quốc. 

Bên cạnh quan hệ Trung-Mỹ còn có các cặp quan hệ nước lớn khác đối trọng và cân bằng lẫn nhau, tạo ra một hình thái chính trị quốc tế mới đa phương hóa, đa dạng hóa có lợi cho các quốc gia nhỏ và vừa theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập.

Những nội dung quan trọng và có tính nguyên tắc của chính sách đối ngoại nước ta được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam một lần nữa tái khẳng định tại Shangri-la 12 vừa rồi.

Nói đi cũng phải nói lại. Các nước lớn khi cần thiết vẫn “đi đêm” trên lợi ích các nước nhỏ. 

Nước nhỏ muốn người ta đếm xỉa đến mình thì mình phải mạnh; hợp tác phải đi kèm với đấu tranh; phải khôn khéo vận dụng thế - lực và tất cả các lá bài chiến lược có trong tay để tham gia cuộc chơi chính trị quốc tế.

PV: Liệu việc Mỹ tăng cường binh lực tại Châu Á – Thái Bình Dương có làm giảm những sức ép từ TQ lên đồng minh của họ - Philippines chẳng hạn, như trong thời gian qua?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Tôi  theo dõi, thấy mấy năm qua Mỹ khá nhất quán trong cam kết với Philippines. 

Tin mới đây cho hay, trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin bên lề Diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Philippines với tư cách là một đồng minh hiệp ước của Mỹ, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Hiệp ước Phòng thủ song phương này.

Xét một động thái gần đây: khi Trung Quốc đưa chiến hạm, tàu hải giám và tàu cá đến định gây hấn ở Bãi Cỏ Mây, nơi Philippines có 10 binh sĩ đồn trú, Mỹ điều tàu sân bay USS Nimitz đến diễn tập tại Biển Đông khu vực sát với Philippines, mục đích của lần diễn tập này là bảo vệ an ninh trên biển, yểm hộ giữ đảo. 

Đây rõ ràng thể hiện ý đồ bảo vệ Philippines của Mỹ. 

Trung Quốc điều 3 hạm đội đến tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, nhưng cũng đã rút bớt tàu chiến và tàu cá khỏi khu vực đó.

Ngoài ra, ông Hagel còn nói tại Shangri-La, rằng Mỹ phản đối mọi nỗ lực thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Phát biểu như vậy là khá mạnh so với trước.

PV: Như trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập, sẽ có ½ tổng lượng hàng hoá quốc tế được vận chuyển qua Biển Đông trong tương lai. Ông có nghĩ, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ gây nên một cuộc chạy đua vũ trang tại Biển Đông gây tác động xấu đến nền kinh tế thế giới?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Một vài nước đang chạy đua vũ trang, nhưng đa số các nước khác chỉ là đang nỗ lực hiện đại hóa lực lượng quốc phòng mà thôi. Mặt khác, một số nước lớn thúc đẩy căng thẳng để bán vũ khí, nó có lợi cho kinh tế của họ.

PV: Ông dự đoán những hành động của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào sau phát biểu này của người đứng đầu Lầu năm góc?

TS. Nguyễn Ngọc Trường: Quan hệ Trung Quốc với Mỹ vẫn như thế. Việc ai người nấy làm. Vừa là đối tác vừa là đối thủ. 

Mao Chủ tịch từng nói đầu những năm 1970 khi Trung Quốc bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ và hòa hoãn với Mỹ: Đánh cứ đánh, đàm cứ đàm, hòa cứ hòa! Tư tưởng ấy vẫn là phương châm xử thế hiện nay của Bắc Kinh.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại