Trao đổi với chúng tôi về âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận TƯ, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết cho biết:
“Cách đây 2 năm tôi đã có công bố quan điểm về Biển Đông khẳng định rằng Trung Quốc luôn luôn xảo quyệt. Họ luôn nói những lời đường mật nhưng đồng thời họ cũng thực hiện những hành động vô đạo với nhân dân và đất nước Việt Nam. Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác họ”.
Nói về những thực trạng mà Trung Quốc đang phải đối diện, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho hay: “Vấn đề then chốt của Trung Quốc hiện nay là họ chưa có một nền văn hoá chính trị mới kể cả khi thế hệ lãnh đạo Trung Quốc mới lên cầm quyền sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phù hợp với thời đại. Đó là một nghịch lý.
Trung Quốc lợi dụng việc đổi mới, tháo khoán mô hình kinh tế Xô Viết, công nhận hoạt động của nhân dân muốn phát triển, công nhận đầu tư quốc tế và tăng cường đầu tư cho các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Trong việc đầu tư cho các tập đoàn nhà nước, họ lấy vốn nhà nước của một phần, còn thì lấy vốn của dân Trung Quốc và quốc tế cho các tập đoàn kinh tế nhà nước. Vì thế sau 1 thời gian ngắn, họ đã hưng phát”.
Tuy nhiên, ông Mai khẳng định: “Cái sự hưng phát này giống như sự bùng lên của ngọn lửa nhiều rơm (bùng cháy to và nhanh bị tắt)”.
Bởi, theo nhà nghiên cứu này, các dấu hiệu phá hoại của nền kinh tế này là rất rõ ràng khi họ phá hoại môi trường, không biết đến lúc nào họ mới hồi phục được môi trường. Họ đã và sẽ phải trả giá đắt cho môi trường tự nhiên.
Và Trung Quốc cũng phải trả giá đắt cho môi trường xã hội giữa việc phát triển các khu tự trị và Trung ương mâu thuẫn với nhau.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nói tiếp: “Thứ hai, sự chênh lệch về nhiều mặt giữa các vùng tự trị với các vùng kinh tế khác khi vùng phát triển của Trung Quốc ở phía Đông đã thu hút lao động từ các tỉnh phía Tây ở sâu trong nội địa. Chính việc này đã tạo ra mâu thuẫn xã hội. Đây là vấn đề khiến Trung Quốc phải đau đầu để giải quyết.
Thứ ba là vấn đề từ kinh tế của Trung Quốc, sự hưng phát về kinh tế của họ không đi đôi với việc chấn hưng con người. Hai vấn đề đang có sự vênh nhau.
Kinh tế Trung Quốc phát triển, người dân giàu có lên nhưng con người không phát triển. Việc làm các hàng hoá nhảm nhí là một ví dụ điển hình bất chấp đạo đức, môi trường miễn là có lợi.
Ăngghen nói là: “Khi một quốc gia đối xử, làm cho bạn hàng và khách hàng của mình bất bình. Một quốc gia mà làm cho khách hàng và bạn hàng bất bình trong giao dịch mua bán (hàng hoá nhiều chất độc, không đảm bảo chất lượng) thì quốc gia đó thật là một quốc gia ngu xuẩn”. Hiện nay, Trung Quốc đang xuất hiện một loạt các dấu hiệu “ngu xuẩn”.
Không chỉ tái chế dầu ăn bẩn từ cống, người Trung Quốc còn tái chế dầu bẩn để làm thuốc kháng sinh.
Họ làm cho bạn hàng và khách hàng của mình bất bình và phải dè chừng trong sản phẩm của họ.
Thứ tư, hiện nay, Trung Quốc đang đứng trước một sự đổi mới thiết chế chính trị - xã hội.
Giới trung lưu của Trung Quốc càng lớn lên, số lượng người đi ra nước ngoài và phương Tây nhiều hơn. Họ càng có cơ hội đối chiếu những mặt trái của Trung Quốc và rõ ràng số lượng những cuộc biểu tình về kinh tế, dân sinh, chính trị, tham nhũng càng ngày càng nhiều. Việc này đã có thống kê.
Trung Quốc đang trong tình trạng có nguy cơ bất ổn rất cao. Chưa thấy một triết lý hành động nào có thể quán xuyến sự tử tế kéo dài của một số lãnh đạo nước này.
Chính vì vậy, Trung Quốc muốn đưa mâu thuẫn này ra bên ngoài để trấn an dư luận trong nước. Đây là phương thức Đế Quốc. Các Đế quốc cũ cũng thế.
Trước đây, các triều đình phong kiến Trung Quốc mang quân đánh xuống phía Nam cũng với mục đích như vậy. Các đế quốc Tây Âu cũng vậy. Đây là một chính sách cũ rích”.