“Đề nghị đổi tên Hiến pháp 1992 thành Hiến pháp 2013”

Sơn Lâm |

(Soha.vn) - Đại biểu YaDuck (tỉnh Lâm Đồng) đã đề nghị như vậy khi cho rằng trong lần sửa đổi Hiến pháp 1992 này có rất nhiều vấn đề được đưa ra để sửa đổi.

Sáng nay, 3/6, Quốc hội đã bắt đầu phiên thảo luận 2 ngày về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Sáng nay, 3/6, Quốc hội đã bắt đầu phiên thảo luận 2 ngày về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Tại phiên thảo luận sáng nay về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có 22 vị đại biểu QH phát biểu về các vấn đề lớn như quyền con người và quyền công dân, vai trò lãnh đạo của Đảng, về việc giữ nguyên tên nước hoặc lấy lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về quyền sở hữu đất đai và nhiều vấn đề khác.

Nhiều đại biểu đã cho rằng việc đổi tên nước từ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là không nên bởi nhiều lý do trong đó có cả lý do là sẽ gây tốn kém cho Nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Cũng theo nhiều vị đại biểu, việc giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định con đường phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản giấy tờ.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị tiếp tục duy trì tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Tuyết phát biểu: “Tên gọi này được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay và đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và năm 1992. Việc thay đổi tên nước trong thời điểm này sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp như phải thay đổi quốc huy, con dấu...”.

Đại biểu Trần Văn Tư (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Không biết các địa phương khác như thế nào nhưng đối với Đồng Nai, chỉ có 1 ý kiến đề nghị đổi tên nước là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi phỏng vấn thì người có ý kiến này cho biết là muốn trở về tên nước đầu tiên khi thành lập, chứ không có ý gì khác.

Việc chọn tên nước CHXHCN Việt Nam không phải lựa chọn ngẫu nhiên mà kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc…”.

Theo vị đại biểu này, nếu đổi tên nước hiện nay thì cái không được nhiều hơn cái được vì đổi tên nước không có cơ sở có thể gây ra xáo trộn không cần thiết.

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Phạm Đức Châu (tỉnh Quảng Trị) cho rằng: “Về tên nước, không có lý do gì để thay đổi tên nước… Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”.

Về vấn đề này, đại biểu YaDuck (tỉnh Lâm Đồng) cho rằng cần phải sửa một số điểm ở Lời nói đầu của Hiến pháp. Vị đại biểu này cũng đề nghị “đổi tên Hiến pháp 1992 thành Hiến pháp 2013” vì trong lần sửa đổi Hiến pháp này, có rất nhiều vấn đề được đưa ra để sửa đổi.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (tỉnh Quảng Ngãi) cùng nhiều vị đại biểu khác cũng khẳng định: “Thống nhất giữ tên nước CHXHCN Việt Nam”.

Không chỉ phát biểu bày tỏ quan điểm giữ nguyên tên nước mà nhiều đại biểu cũng đã nhất trí việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và thống nhất giữ nguyên điều 4 như trong Dự thảo Hiến pháp…

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đưa ra thảo luận là bản đã được chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân sau 3 tháng lấy ý kiến, với hơn 26 triệu ý kiến góp ý. Chiều nay và ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại